Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

Tàu ngầm Nhật 'gãy cánh' khi đâm tàu hàng

Tàu ngầm JS Soryu bị gãy cánh lái, đứt liên lạc sau khi đâm tàu hàng, buộc thủy thủ phải dùng điện thoại di động để báo cáo sự cố.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm qua công bố thêm thông tin về vụ tàu ngầm va chạm tàu thương mại ngoài khơi tỉnh Kochi, cho biết sự việc xảy ra lúc 10h58 khi tàu ngầm JS Soryu nổi lên mặt nước và quệt mạnh vào thân tàu hàng Ocean Artemis đăng ký tại Hong Kong.

Theo thông tin ban đầu, JS Soryo chỉ chịu hư hại nhẹ ở cụm kính tiềm vọng và ăng ten liên lạc. Tuy nhiên, ảnh chụp từ máy bay tuần thám cho thấy cánh lái bên phải của tàu đã bị gãy gập, một phần thượng tầng cũng bị móp.

Sự cố khiến tàu ngầm phải di chuyển trong trạng thái nổi để về căn cứ. Thiết bị liên lạc trên tháp chỉ huy của tàu ngầm cũng đã hư hại sau cú va chạm mạnh.

"Tàu ngầm đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thông thường và phát hiện tàu hàng qua kính tiềm vọng khi đang nổi lên, nhưng không kịp né tránh. Thiết bị thông tin liên lạc trên tàu ngầm bị hư hỏng, khiến thủy thủ đoàn mất hơn 3 tiếng di chuyển đến nơi có sóng điện thoại để báo cáo", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho hay.

Phần thượng tầng bị hư hại nặng của JS Soryu sau vụ va chạm. Ảnh: Cảnh sát biển Nhật Bản.

Phần thượng tầng bị hư hại nặng của JS Soryu sau vụ va chạm. Ảnh: Cảnh sát biển Nhật Bản.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận tình trạng của tàu hàng và hỗ trợ nếu cần thiết, nhưng con tàu đã rời hiện trường sau sự cố. Khi được liên lạc, thủy thủ đoàn tàu Ocean Artemis cho biết không cảm nhận được va chạm và không phát hiện hư hại nào.

JS Soryu là chiếc đầu tiên trong lớp tàu ngầm diesel-điện cùng tên. Với lượng giãn nước 4.200 tấn khi lặn, đây là lớp tàu ngầm lớn nhất được Nhật Bản chế tạo từ sau Thế chiến II và được xếp vào nhóm những tàu ngầm phi hạt nhân có khả năng tàng hình tốt nhất thế giới.

Mỗi chiếc dài 84 m, rộng 9,1 m, có tầm hoạt động 11.300 km và độ sâu lặn tối đa 650 m. Đặc điểm nổi bật của lớp Soyru là cánh lái phần đuôi hình chữ X, được cho là giúp tăng khả năng cơ động ở vùng nước nông, yếu tố quan trọng trong chiến lược bảo vệ bờ biển và tuyến hàng hải của Nhật.

Tàu ngầm lớp Soyru được trang bị hàng loạt cảm biến, trong đó chủ lực là tổ hợp định vị thủy âm (sonar) Hughes/Oki ZQQ-7, với một sonar ở mũi, 4 cụm sonar sườn và một sonar kéo sau đuôi để tăng khả năng theo dõi. Bên cạnh đó là kính tiềm vọng quang điện tử và radar nhìn vòng cảnh giới đường không ZPS-6F cho mục tiêu mặt nước và máy bay.

Toàn bộ vỏ ngoài tàu ngầm được bọc vật liệu cao su hấp thụ sóng âm, triệt tiêu tiếng ồn của tàu và giảm phản xạ sóng âm từ sonar chủ động của đối phương. Nhật cũng trang bị hệ thống đối kháng điện tử ZLR-3-6 và hai cụm ống phóng mồi bẫy thủy âm để bảo vệ tàu ngầm lớp Soyru.

Sự kết hợp giữa phương án phòng vệ thụ động và chủ động biến Soyru thành một trong những tàu ngầm khó phát hiện nhất thế giới, ngang ngửa Đề án 636 của Nga và Type-209 Đức. Tuy nhiên, hiện chưa rõ tai nạn đâm va với tàu hàng là do lỗi kỹ thuật hay sơ suất của con người.

Vũ Anh (Theo Kyodo)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét