Thứ Năm, 4 tháng 2, 2021

Thân tín của Aung San Suu Kyi bị bắt

Win Htein, lãnh đạo cấp cao đảng NLD, trợ lý chủ chốt của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, bị bắt rạng sáng nay.

Kyi Toe, nhân viên báo chí của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD), hôm nay đăng trên Facebook thông báo lãnh đạo đảng Win Htein đã "bị bắt lúc nửa đêm khi đang ở nhà con gái". Toe cho biết thêm ông Htein đang ở đồn cảnh sát ở Naypyidaw.

Htein là ủy viên Ủy ban Chấp hành Trung ương đảng NLD, đồng thời là người phát ngôn của cơ quan này. Ông được coi là một trong những trợ thủ thân cận nhất của Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi.

Lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Win Htein trong một sự kiện ở Naypyitaw, Myanmar, hồi tháng 5/2017. Ảnh: Reuters.

Lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Win Htein trong một sự kiện ở Naypyitaw, Myanmar, hồi tháng 5/2017. Ảnh: Reuters.

Win Htein, 79 tuổi, trước đó đã gọi điện thoại cho Reuters thông báo ông đang bị các sĩ quan cảnh sát áp giải lên ô tô để di chuyển từ Yangon đến thủ đô Naypyidaw. Htein không nói ông có thể phải đối mặt với những tội danh nào.

"Họ là những người lịch sự nên tôi vẫn có thể gọi điện thoại. Chúng tôi đã liên tục bị đối xử tệ trong một thời gian dài. Tôi chưa bao giờ sợ họ vì cuộc đời tôi chưa làm gì sai trái", lãnh đạo NLD nói.

Htein bị bắt sau 4 ngày xảy ra đảo chính quân sự ở Myanmar, khiến Cố vấn Nhà nước Suu Kyi và loạt quan chức cấp cao của chính phủ dân sự bị bắt giữ. Cảnh sát Myanmar cáo buộc bà Suu Kyi nhập trái phép thiết bị liên lạc và bà sẽ bị giữ cho đến ngày 15/2 để điều tra.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị của Myanmar (AAPP) hôm 4/2 cho biết khoảng 147 người đã bị bắt giam kể từ sau cuộc đảo chính, trong đó bao gồm các nhà hoạt động, nhà lập pháp và quan chức trong chính phủ của bà Suu Kyi.

Cuộc đảo chính hôm 1/2 diễn ra vài giờ trước cuộc họp đầu tiên của quốc hội mới của Myanmar kể từ sau cuộc bầu cử tháng 11/2020, trong đó đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo. Tuy nhiên, quân đội Myanmar cáo buộc đã xảy ra gian lận bầu cử, buộc họ phải quyết định "hành động theo luật pháp".

Mỹ, Anh, Liên Hợp Quốc và EU đã lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội Myanmar sớm trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự. Trung Quốc trong khi đó kêu gọi cộng đồng quốc tế không "làm trầm trọng thêm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình Myanmar". Các quốc gia như Thái Lan, Campuchia và Philippines lại khẳng định việc Suu Kyi bị bắt là "vấn đề nội bộ của Myanmar".

Ngọc Ánh (Theo AFP/ Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét