Thứ Năm, 5 tháng 9, 2024

Người mẹ Ấn Độ kể khoảnh khắc đàn sói xông vào nhà bắt con gái

Chỉ hai phút sau khi ngôi làng chìm trong bóng tối vì mất điện, bé Sandhya, 4 tuổi, bị bầy sói bắt đi khi còn đang say giấc trong nhà.

"Chúng tấn công căn nhà vách đất ngay khi đèn tắt. Khi chúng tôi chưa định hình được chuyện gì đang xảy ra, chúng đã bắt con bé đi rồi", Sunita, mẹ của Sandhya, nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng đêm 17/8.

Thi thể bé Sandhya được tìm thấy ở cánh đồng mía cách nhà khoảng 500 mét vào ngày hôm sau.

Trước đó, một nạn nhân 7 tuổi cũng bị sói xông vào tận nhà tha đi. "Tôi cố hết sức kéo chân con sói để cứu cháu nhưng không thành. Con vật lôi thằng bé khoảng 200 mét đến một cánh đồng. Khi tôi tri hô, dân làng tập trung truy tìm và con sói đã bỏ lại thằng bé", mẹ nạn nhân kể. Cậu bé sống sót sau 13 ngày điều trị.

Hồi đầu tháng 8, tại ngôi làng lân cận, bé Utkarsh 8 tuổi đang ngủ trên giường thì mẹ bé phát hiện một con sói đang tìm cách chui vào nhà. "Từ trong bóng tối, con vật lao tới. Tôi hét lên 'Hãy để con tao được yên'. Hàng xóm hối hả chạy sang cứu và con sói bỏ đi", người mẹ kể.

Kể từ giữa tháng 4, bầy sói này đã gieo rắc kinh hoàng cho khoảng 30 ngôi làng ở vùng Bahraich, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Chúng đã bắt đi và giết hại 9 trẻ em, một phụ nữ 45 tuổi, tấn công làm bị thương ít nhất 34 người.

Loạt vụ tấn công khiến giới chức bang phải mở chiến dịch truy lùng bằng UAV trang bị camera ảnh nhiệt, gài bẫy, đốt pháo nổ, cũng như cắt cử nam giới tuần tra ban đêm, lắp cửa nhà, nâng cao nhận thức về mức độ nguy hiểm của sói. Đến nay, giới chức đã bắt được 4 con sói và chuyển chúng đến sở thú.

Con sói bị bắt, nhốt trong lồng ở miền bắc Ấn Độ sau chiến dịch. Ảnh: NDTV

Con sói bị bắt, nhốt trong lồng ở miền bắc Ấn Độ sau chiến dịch truy lùng. Ảnh: NDTV

Theo các chuyên gia, sói tấn công người là hành vi rất hiếm gặp, hầu hết liên quan đến những cá thể mắc bệnh dại. Nhưng ở Bahraich, lũ lụt mới được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến đàn sói chủ động săn người.

Bahraich là nơi sinh sống của 3,5 triệu người, cũng là môi trường sống truyền thống của loài sói Ấn Độ chuyên săn linh dương và thỏ. Khu vực này cũng thường xảy ra lũ lụt theo mùa, do nằm trong vùng đồng bằng sông Ghaghara, xung quanh là rừng rậm.

Trải qua thời gian, mưa lớn, lũ lụt đã làm thay đổi đáng kể cảnh quan. Nước sông dâng nhấn chìm nhiều thảm rừng, có thể là lý do khiến sói phải ra ngoài kiếm ăn.

"Biến đổi khí hậu là quá trình diễn ra từ từ, và lũ lụt có thể làm gián đoạn môi trường sống của sói, buộc chúng phải tìm đến những khu định cư của con người để tìm mồi", Amita Kanaujia, chuyên gia thuộc Viện Khoa học Động vật hoang dã tại Đại học Lucknow, giải thích.

Giới quan sát còn chỉ ra các gia đình ở Bahraich giám sát trẻ em rất lỏng lẻo và hầu hết nạn nhân đến từ các hộ gia đình nghèo khó.

Soutik Biswas, bình luận viên BBC tại Ấn Độ, nói gia súc còn được bảo vệ tốt hơn trẻ em tại những làng nghèo này. Khi sói đói phải vật lộn trong môi trường sống cạn kiệt mồi và không thể tiếp cận gia súc, trẻ em sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu.

"Tình trạng thiếu nhà vệ sinh ở các vùng nông thôn Ấn Độ cũng đóng vai trò nhất định, khi người dân, trẻ nhỏ thường đi vệ sinh ở các cánh đồng, tăng nguy cơ bị sói tấn công", chuyên gia bảo tồn Yadvendradev Vikramsinh Jhala nhận xét.

Nguyên nhân thổi bùng xung đột giữa sói - người ở Ấn Độ - 1

Vị trí vùng Bahraich ở bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Đồ họa: BBC

Các cộng đồng địa phương ở Ấn Độ có truyền thống chấp nhận sói và chung sống hòa bình cùng loài vật này trong nhiều thế kỷ qua, dù sói có thể bắt gia súc của dân. Nhưng tình trạng sói tấn công gia tăng gần đây đã làm dấy lên những lo ngại mới.

Tình hình ở bang Uttar Pradesh đánh dấu đợt sói tấn công quy mô lớn thứ tư trên toàn Ấn Độ trong 4 thập kỷ qua, trong đó chết chóc nhất là đợt tấn công vào tháng 8/1996, khi một bầy sói gieo rắc kinh hoàng cho hơn 50 làng ở Uttar Pradesh, giết hại 38 trẻ em.

Chuyên gia bảo tồn Jhala và đồng nghiệp Dinesh Kumar Sharma đã mở cuộc điều tra chi tiết về đợt tấn công năm 1996, kiểm tra các báo cáo khám nghiệm tử thi, xem xét tính chất nhà cửa, mật độ dân số, gia súc trong khu vực.

Hai chuyên gia phát hiện đợt tấn công hiện tại và năm 1996 có nhiều nét tương đồng. Trong cả hai đợt, hầu hết các vụ tấn công xảy ra vào ban đêm, tại những làng đông đúc, nghèo khó gần sông, xung quanh là các cánh đồng lúa, mía, đầm lầy.

Ông Jhala khuyến cáo trẻ nhỏ nên ngủ và đi vệ sinh ban đêm cùng người lớn, các làng nên cắt cử người canh gác, tuần tra ban đêm. "Cho đến khi xác định được nguyên nhân chính xác đằng sau các đợt sói tấn công này, biện pháp phòng ngừa là rất quan trọng", Jhala nói.

Đức Trung (Theo BBC, India Today, Hindustan Times)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét