Nhiều thanh niên Ukraine sẵn sàng liều mạng vượt địa hình hiểm trở để vượt biên sang Romania, nhằm tránh phải nhập ngũ và ra tiền tuyến.
Không hối tiếc hay đau buồn, một nhóm thanh niên Ukraine bày tỏ sự nhẹ nhõm và phấn khích sau khi đến Romania, kết thúc hành trình vượt biên để rời đất nước đang bị tàn phá bởi xung đột.
Nhóm thanh niên có lý do riêng cho những cảm xúc này. Họ thoát nguy cơ bị gọi nhập ngũ, lẩn tránh được lực lượng biên phòng và cảnh sát đang canh gác chặt chẽ biên giới, sau khi vượt qua địa hình hiểm trở để sang nước láng giềng.
"Chúng tôi hiểu và chấp nhận nguy cơ mất mạng trong lúc bỏ trốn như giới chức cảnh báo, nhưng thực tế không đến mức như họ nói. Họ chỉ nói quá lên để đe dọa", Evgeni, 20 tuổi, nói. Evgeni đến Romania qua khu vực gần cửa khẩu Sighetu Marmatiei trong lần vượt biên thứ hai, sau khi phải bỏ cuộc trước đó một tháng vì cơn đau dạ dày.
"Không có đồ ăn, tôi không còn sức để vác hành lý. Tôi tự nộp mình tại chốt biên phòng Ukraine và họ cũng vui vì không phải truy bắt ai cả", Evgeni kể lại. Evgeni nộp phạt và được trả tự do, vì chưa trong độ tuổi nhập ngũ.
Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt quân số nghiêm trọng, khi xung đột với Nga đã sang năm thứ ba mà chưa có dấu hiệu kết thúc. Hàng trăm nghìn người dân Ukraine từng xung phong ra tiền tuyến để bảo vệ đất nước trong giai đoạn đầu chiến sự. Nhiều quân nhân đã thiệt mạng và bị thương, khiến giới chức Ukraine phải ra lệnh huy động, gọi nhập ngũ với những người không sẵn lòng cầm súng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 5 thông qua đạo luật hạ độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25 và yêu cầu đàn ông phải đăng ký với các văn phòng tuyển quân, nhằm giải quyết một phần bài toán về nhân lực. Những người trốn nhập ngũ sẽ bị trừng phạt.
Theo số liệu từ Wall Street Journal, hơn 44.000 nam giới Ukraine đã bỏ trốn đến Romania, Moldova và Slovakia kể từ khi chiến sự bùng phát tháng 2/2022. Những người chạy sang Romania và Moldova phải vượt qua vùng đồi núi hiểm trở, trong khi làm giả giấy tờ là lựa chọn của nhóm đến các nước khác.
Evgeni mất 9 ngày đi bộ từ thị trấn Oleksandriya, miền trung Ukraine, đến biên giới giáp Romania. Sighetu Marmatiei là một trong những điểm nhập cảnh được ưa thích, bởi văn phòng nhập cư tại đây có thể nhanh chóng cấp trạng thái "bảo vệ bổ sung", gồm giấy phép lao động và cư trú, cho người tị nạn.
Evgeni đi cùng hai người bạn thời thơ ấu là Daniel và Danilo, những người đều mong muốn rời Ukraine. Ba người tắt điện thoại di động và vượt rừng trong đêm để tránh bị phát hiện. Họ vứt bỏ phần lớn hành trang vì không cần thiết hoặc quá nặng. Sau khi vượt sông, nhóm tìm đến biên phòng Romania để trình diện.
Cơ quan di trú Romania cấp trạng thái bảo vệ tạm thời cho nhóm thanh niên vào hôm sau. Evgeni khẳng định bỏ trốn vì điều kiện sống ở Ukraine đang xấu đi đáng kể và sẽ càng tồi tệ hơn trong hai năm tới. Ba người dự định rời Romania để tới Ba Lan, Estonia và Bỉ.
Tại Sighetu Marmatiei, ba người gặp Nazer, 24 tuổi, cũng vượt biên trái phép. Nazer tỏ rõ vẻ vui mừng khi rời khỏi Ukraine. Anh quyết định chọn Romania thay vì Ba Lan, vì chính phủ Ba Lan và Litva đã cam kết giúp Ukraine hồi hương những người trong độ tuổi nhập ngũ.
Theo số liệu từ cảnh sát biên giới Romania, hơn 7.000 người Ukraine đã nhập cảnh trái phép nước này kể từ đầu năm. Con số của năm 2022 và 2023 lần lượt là 4.500 và 3.800. Trong số này, 25 trường hợp đã thiệt mạng vì hạ thân nhiệt khi vượt biên.
Biên phòng Romania, được hàng chục sĩ quan Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) hỗ trợ, đang giám sát chặt chẽ khoảng 430 km biên giới chung với Ukraine. Lực lượng cứu hỏa và cứu hộ cũng tham gia nỗ lực. Giới chức Romania đã can thiệp 150 lần và cứu 100 người Ukraine.
"Nhiều người nói họ thà chết trong rừng núi còn thiệt mạng ngoài chiến trường", Dan Benga, lãnh đạo Cơ quan cứu hộ vùng Maramures ở miền bắc Romania, nói. Ông mô tả đây là những người chưa hiểu rõ những vấn đề họ phải đối mặt trong hành trình vượt biên.
Vùng núi dài 120 km giữa Romania và Ukraine có những đỉnh cao 2.000 m so với mực nước biển, cùng thác nước và khe núi sâu tới 200 m.
"Chúng tôi mất trung bình 14-16 giờ để cứu một người", Benga bổ sung. Ông cũng kể lại đợt cứu hộ kéo dài 132 giờ, bắt đầu từ đêm Giáng sinh năm 2022 để giải cứu 6 người Ukraine. "Chúng tôi đã đặt biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng một số vẫn phớt lờ. Họ nghĩ sẽ không bị phát hiện nếu đi theo những cung đường khác biệt".
Những người được cứu đều kiệt sức, mất nước, đói và lạnh. Benga dự đoán số trường hợp cầu cứu sẽ gia tăng, khi mưa và sương mù xuất hiện.
"Ukraine đã siết kiểm soát biên giới, chúng tôi cũng củng cố các vị trí của mình. Đôi khi chúng tôi nhận cảnh báo có người vượt sông và lập tức đến cứu trợ", Adi Opa, lãnh đạo cảnh sát biên giới tại Sighetu Marmatiei, nói trong lúc kiểm tra một cây cầu gỗ bắc qua sông giữa hai nước.
Ngày nào cũng có công dân Ukraine đến quầy thông tin gần điểm kiểm soát để hỏi cách nhập cảnh. "Hầu hết đến từ những vùng có chiến sự như Kharkov, nhưng chúng tôi đều trả lời rất khó để cung cấp chỗ ở cho họ", Stefana Dunca, đại diện Hội đồng Quốc gia về Người tị nạn Romania, cho hay.
Tại cửa khẩu của Romania, vẫn có những người Ukraine trong độ tuổi nhập ngũ được xuất nhập cảnh hợp pháp, như Roman cùng gia đình từ thành phố Ternopil, miền tây Ukraine.
Khi được hỏi lý do, người đàn ông 38 tuổi giơ tay trái lên, cho thấy bàn tay thiếu 4 ngón. Roman nói đây là khuyết tật bẩm sinh và anh không nằm trong diện nhập ngũ. Người đàn ông cũng thừa nhận mình phải sống trong sợ hãi, bởi Ternopil từng bị máy bay không người lái (UAV) tập kích. Roman nói anh chỉ sang thành phố Slatina, Romania vài ngày.
"Tôi không rời đi hẳn vì toàn bộ người thân vẫn ở Ternopil, nhưng khoảng 20 người bạn đã làm vậy", Roman nói.
Như Tâm (Theo El Pais, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét