Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

Hải quân Mỹ chê tàu chiến đấu ven biển

Hải quân Mỹ từ chối nhận thêm tàu chiến đấu ven biển, cho rằng chiến hạm này gặp vấn đề trong hệ thống truyền động.

Hải quân Mỹ hôm 22/1 cho biết việc tiếp nhận tàu chiến đấu ven biển (LCS) từ tập đoàn Lockheed Martin sẽ không được nối lại cho đến khi vấn đề "khiếm khuyết vật liệu" trong hộp số được khắc phục.

Hệ thống phức tạp này truyền lực chuyển động do động cơ tạo ra tới chân vịt của tàu, giúp tàu di chuyển trên biển. Hải quân Mỹ cũng đang chuẩn bị phương án khắc phục lỗi trên các tàu LCS đã được biên chế, nhưng quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết quá trình lắp đặt thiết bị cho mỗi tàu sẽ kéo dài nhiều tháng.

"Giải pháp sửa chữa đã được phát triển và đang trong quá trình chế tạo, sau đó sẽ đưa vào thử nghiệm tại nhà máy và trên biển. Chúng tôi quyết tâm triển khai phương án này cho toàn bộ các tàu trong lực lượng. Nhiều biện pháp đã được thực hiện để hạn chế nguy cơ với các tàu lớp Freedom trong biên chế", thông cáo của hải quân Mỹ có đoạn viết.

Phát ngôn viên hải quân Mỹ Danny Hernander cho biết chi phí khắc phục sự cố chưa được xác định.

USS Detroit tuần tra gần khu vực Trung Mỹ hồi tháng 5/2020. Ảnh: US Navy.

USS Detroit tuần tra gần khu vực Trung Mỹ hồi tháng 5/2020. Ảnh: US Navy.

Hệ thống hộp số của các tàu LCS lớp Freedom đã gặp hàng loạt vấn đề, do nó bị đánh giá là giải pháp tình thế để đáp ứng yêu cầu tốc độ 75 km/h của loại chiến hạm này.

Những sự cố đầu tiên được ghi nhận từ cuối năm 2015, khi tàu USS Milwaukee bị hỏng máy trong chuyến ra biển đầu tiên để tới cảng nhà ở bang Florida, buộc hải quân Mỹ điều tàu kéo nó về căn cứ Little Creek ở bang Virginia. Một năm sau, hộp số của USS Fort Worth bị phá hủy hoàn toàn trong lúc nằm cảng do thủy thủ đoàn vô tình vận hành hệ thống mà không có dầu bôi trơn.

Các sự cố này dường như không liên quan tới hai vụ hỏng ổ trục ly hợp của tàu USS Little Rock và USS Detroit hồi năm 2020 khiến hải quân Mỹ đình chỉ nhận bàn giao tàu mới. Trong đó, USS Detroit phải đình chỉ nhiệm vụ tuần tra vì lỗi kỹ thuật và chết máy hoàn toàn trên đường lết về cảng sửa chữa, khiến hải quân phải điều tàu kéo hỗ trợ.

Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ năm 2019 công bố báo cáo cho thấy hải quân Mỹ đã chi 30 tỷ USD cho chương trình LCS kể từ năm 2004. Tính đến nay, mới chỉ có 21 tàu được đưa vào biên chế, chậm hơn nhiều so với kế hoạch 49 chiếc hoạt động trước năm 2020. Giới quan sát nhận định đây là một trong những dự án vũ khí lãng phí nhất của Lầu Năm Góc, có nguy cơ hủy hoại sức mạnh hải quân Mỹ.

Vào thời điểm năm 2004, LCS được đánh giá là chiến hạm có thiết kế hiện đại, giá rẻ, linh hoạt và tối ưu cho nhiệm vụ tuần tra các vùng biển nông gần bờ, có giao thông hàng hải nhộn nhịp như ở Trung Đông. Chúng được kỳ vọng sẽ trở thành trụ cột trong lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới vào năm 2025.

Vấn đề lớn nhất với chương trình LCS là khái niệm tác chiến. Hải quân Mỹ đầu tư hàng tỷ USD mỗi năm để đóng tàu LCS nhưng lại không xác định rõ cách sử dụng chúng trong thực tế. Do thiết kế vội vã, lớp tàu này cũng liên tiếp gặp vấn đề với kết cấu và hệ thống cơ khí.

Các tàu chiến trước đó được chế tạo rất vững chãi để đối phó thiệt hại trong chiến đấu, trong khi LCS sử dụng vật liệu nhẹ để tiết kiệm chi phí và giảm mớn nước, cho phép chúng hoạt động ở vùng biển nông gần bờ. Điều này khiến LCS dễ bị đe dọa bởi các hệ thống phòng thủ bờ của đối phương.

Hải quân Mỹ phát triển tàu chiến đấu ven biển theo nguyên lý module, cho phép kết hợp nhiều vũ khí và thiết bị không người lái khác nhau, giúp LCS dễ dàng chuyển đổi thành các loại tàu chiến khác nhau tùy thuộc nhiệm vụ. Tuy nhiên, các module lại gặp vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng, khiến số tàu LCS nhiều hơn vũ khí có thể lắp đặt cho chúng. Lầu Năm Góc sau đó phải ngừng theo đuổi phương án lắp module vũ khí và trang bị các khí tài cố định cho từng tàu.

Vũ Anh (Theo Defense News)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét