Thượng viện có thể mở phiên tòa xem xét bãi nhiệm Tổng thống Trump dù ông đã rời nhiệm sở, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Mỹ.
Hạ viện Mỹ chiều 13/1 thông qua điều khoản bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump với 232 phiếu ủng hộ và 197 phiếu chống, cáo buộc ông chủ Nhà Trắng "kích động bạo loạn", tập trung vào bài phát biểu của ông trước hàng nghìn người ủng hộ ngay trước khi đám đông tấn công Đồi Capitol.
Theo quy định của Hiến pháp Mỹ, sau khi thông qua điều khoản xem xét bãi nhiệm, Hạ viện Mỹ sẽ chuyển nó tới Thượng viện để tổ chức phiên tòa xem xét điều khoản và nó chỉ được thông qua nếu nhận được ủng hộ của ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ đóng vai trò bồi thẩm đoàn. Trong trường hợp bị Thượng viện kết tội, tổng thống sẽ bị phế truất khỏi mọi chức vụ.
Chỉ vài phút sau cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell bác bỏ khả năng Thượng viện sẽ bắt đầu phiên tòa xem xét điều khoản này trước khi Trump rời nhiệm sở. Ông ủng hộ phương án tổ chức phiên tòa sau lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden, đồng nghĩa với chuyển trách nhiệm cho phe Dân chủ khi họ sẽ kiểm soát Thượng viện sau ngày 20/1.
Phe Dân chủ tại Hạ viện có thể chọn thời điểm gửi điều khoản xem xét bãi nhiệm đến Thượng viện, buộc cơ quan này lập tức mở phiên tòa. Tuy nhiên, ngay cả khi Hạ viện hành động ngay sau khi bỏ phiếu, lãnh đạo đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện sẽ phải nhất trí tổ chức họp khẩn và mở phiên tòa nếu muốn bãi nhiệm Trump trước khi ông rời Nhà Trắng.
Tuy nhiên, việc McConnell từ chối khiến phiên tòa này chỉ có thể khởi động sau khi Biden lên nắm quyền. Nó sẽ gây đình trệ chương trình nghị sự tại Thượng viện trong những ngày đầu của chính quyền Biden, thời điểm ông chủ mới của Nhà Trắng muốn các thượng nghị sĩ tập trung phê chuẩn đề cử thành viên nội các.
Thượng viện Mỹ chưa từng mở phiên tòa xem xét bãi nhiệm một cựu tổng thống trong lịch sử. Andrew Johnson và Bill Clinton đều bị xem xét bãi nhiệm khi còn nắm quyền và được miễn tội tại Thượng viện, Tổng thống Trump cũng bị luận tội lần đầu hồi cuối năm 2019 và được Thượng viện tuyên không có tội vào tháng 2/2020.
Một số học giả còn cho rằng cựu tổng thống không thể bị Thượng viện xét xử. Tuy nhiên, quốc hội Mỹ từng xem xét và bãi nhiệm nhiều thượng nghị sĩ và thẩm phán sau khi họ đã rời nhiệm sở. Điều này dẫn tới khả năng Thượng viện Mỹ có thể lần đầu mở phiên tòa xem xét bãi nhiệm một cựu tổng thống.
Nếu phiên tòa được tổ chức sau ngày 20/1, Thượng viện sẽ thuộc quyền kiểm soát của đảng Dân chủ, nhưng McConnell vẫn có tiếng nói quyền lực với phe Cộng hòa và đang để ngỏ khả năng kết tội Trump. "Tôi chưa đưa ra quyết định cuối cùng và sẽ nghe những luận điểm pháp lý khi chúng được trình trước Thượng viện", ông nói.
Thượng nghị sĩ đến từ bang Kentucky từng chặn nỗ lực luận tội Trump lần đầu tiên khi kêu gọi được gần như toàn bộ thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống, chỉ trừ Mitt Romney, nhưng ông tin rằng Trump đã phạm tội có thể bị xem xét bãi nhiệm và đây là cơ là cơ hội để loại bỏ Tổng thống Mỹ khỏi đảng Cộng hòa.
Điều khoản xem xét bãi nhiệm Trump chỉ được thông qua nếu ngoài các thành viên Dân chủ, có ít nhất 17 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa quay lưng với ông.
Bị kết tội cũng không ngăn cản Trump chạy đua tranh cử lần thứ hai hoặc tham gia chính quyền tương lai.
Hiến pháp Mỹ cho phép Thượng viện bỏ phiếu cấm một quan chức giữ "chức vụ đòi hỏi tin tưởng hoặc lợi ích của Mỹ" sau khi bị xem xét bãi nhiệm, quyết định này có thể được thông qua với số phiếu quá bán. Việc cấm cựu tổng thống giữ các chức vụ trong tương lai chưa từng xảy ra và vấn đề này có thể bị chấm dứt tại Tòa án Tối cao Mỹ.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer khẳng định cơ quan này sẽ bỏ phiếu nhằm ngăn Trump chạy đua vào các vị trí lãnh đạo liên bang trong tương lai.
Vũ Anh (Theo NY Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét