Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

Khoảnh khắc đặc nhiệm Iran đổ bộ lên tàu Hàn Quốc

Trực thăng cùng xuồng cao tốc của Iran áp sát tàu dầu Hankuk Chemi tại eo biển Hormuz để đặc nhiệm đổ bộ và buộc thủy thủ đoàn chuyển hướng.

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ngày 5/1 công bố video và ảnh vây bắt tàu dầu Hankuk Chemi của Hàn Quốc, cho thấy một trực thăng chở toán đặc nhiệm quần thảo bên trên trong lúc các tàu tuần cao tốc áp sát con tàu này. Sau khi đổ bộ lên tàu, đặc nhiệm Iran buộc Hankuk Chemi chuyển hướng về bờ biển nước này.

Iran tuyên bố tàu Hankuk Chemi bị bắt vì vi phạm quy định về môi trường và gây ô nhiễm Vùng Vịnh, song hãng vận hành Taikun Shipping phủ nhận cáo buộc.

Tuy nhiên, lý do thực sự khiến IRGC bắt tàu Hankuk Chemi được cho là do Hàn Quốc đóng băng hơn 7 tỷ USD của quốc gia Trung Đông. Hàn Quốc từng là khách mua dầu mỏ lớn của Iran tới tháng 5/2020, trước khi dừng giao dịch vì Mỹ gây sức ép.

Khoảnh khắc đặc nhiệm Iran đổ bộ lên tàu Hàn Quốc

Đặc nhiệm Iran ngồi trên trực thăng tiếp cận tàu Hankuk Chemi tại eo biển Hormuz, ngày 4/1. Video: IRGC.

Một ngày sau khi đặc nhiệm Iran bắt tàu Hankuk Chemi, Hàn Quốc điều đơn vị chống cướp biển Cheonghae với nòng cốt là khu trục hạm Choe Yeong tới gần eo biển chiến lược Hormuz để bảo vệ tàu buôn của nước này. Giới chức Hàn Quốc cho biết chiến hạm này sẽ hỗ trợ các tàu buôn Hàn Quốc quá cảnh khu vực một cách an toàn.

"Đơn vị Cheonghae tới khu vực vào đầu ngày", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Boo Seung-chan cho biết trong cuộc họp báo hôm qua. "Đơn vị này đang triển khai các nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho công dân của chúng tôi".

Trung bình mỗi ngày có 6 tàu mang cờ Hàn Quốc đi qua eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển khoảng 20% sản lượng dầu thế giới. Bất chấp sở hữu năng lực chiến đấu được đánh giá là mạnh, Choe Yeong khó có thể có mặt ở mọi chỗ để bảo vệ các tàu buôn của Hàn Quốc và tiềm ẩn nguy cơ Iran bắt thêm các tàu của nước này.

Hàn Quốc cho biết đang làm việc với Iran qua các kênh ngoại giao để nước này trả tự do cho tàu Hankuk Chemi cùng 20 thủy thủ, bao gồm công dân Hàn Quốc, Việt Nam, Myanmar và Indonesia.

"Vấn đề nên được giải quyết thông qua ngoại giao. Đơn vị Cheonghae đang tập trung bảo vệ an toàn của công dân chúng tôi khi sử dụng tuyến đường biển này sau vụ bắt tàu", một quan chức Hàn Quốc cho biết.

Tàu tuần tra Iran áp sát tàu dầu Hankuk Chemi, ngày 4/1. Ảnh: IRGC.

Tàu tuần tra Iran áp sát tàu dầu Hankuk Chemi, ngày 4/1. Ảnh: IRGC.

Khi được hỏi liệu vụ bắt tàu Hankuk Chemi có phải là hành động bắt cóc con tin hay không, phát ngôn viên chính phủ Iran Ali Rabiei nói "đã quá quen với những cáo buộc như thế". "Nếu có ai bắt cái gì làm con tin, đó là chính phủ Hàn Quốc khi họ giữ 7 tỷ USD vốn thuộc về chúng tôi làm con tin một cách vô căn cứ", Rabiei nói trong một cuộc họp báo tại Tehran.

Đây không phải lần đầu Iran bắt hoặc bị cáo buộc giữ tàu buôn nước ngoài làm con tin để gây sức ép trên trường quốc tế. IRGC năm 2019 bắt tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh để trả đũa việc giới chức Gibraltar thuộc Anh bắt tàu dầu Grace 1. Anh sau đó cho phép Grace 1 rời Gibraltar hồi tháng 8/2019, Iran thả tàu Stena Impero một tháng sau đó.

Nguyễn Tiến (Theo Drive)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét