Dường như không có khả năng Melania sẽ mời đệ nhất phu nhân kế nhiệm Jill Biden đến uống trà và tham quan Nhà Trắng theo truyền thống.
Chỉ còn 4 ngày để bà Melania Trump thực hiện nhiệm vụ cuối cùng của một Đệ nhất phu nhân sắp mãn nhiệm. Nếu Melania không làm điều đó trước khi cùng Tổng thống Donald Trump rời Washington bay tới Florida vào ngày 20/1, ngày Joe Biden nhậm chức tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, đó sẽ là lần đầu tiên truyền thống chuyển giao quyền lực giữa các đệ nhất phu nhân kéo dài 100 năm qua bị phá vỡ.
"Trong lịch sử hiện đại, luôn có một lời mời, ít nhất là từ thời Bess Truman và Mamie Eisenhower năm 1952", Kate Andersen Brower, tác giả cuốn "Các đệ nhất phu nhân: Sự thanh lịch và quyền lực của những đệ nhất phu nhân hiện đại nước Mỹ".
Trong suốt thời gian giữ cương vị này, bà Melania, 50 tuổi, đã nỗ lực thực hiện một số truyền thống mà mình thích, nhưng lần này có thể là không. Cánh Đông đến nay chưa thông báo gì về kế hoạch của bà. Chánh văn phòng kiêm phát ngôn viên của Melania, Stephanie Grisham, đã bất ngờ từ chức tuần trước sau vụ bạo loạn ngày 6/1 ở Đồi Capitol.
"Chúng tôi chưa nghe thông tin gì từ văn phòng Đệ nhất phu nhân", Michael LaRosa, phát ngôn viên của Jill Biden, cho hay hôm 15/1.
Thay vào đó, bà Melania hồi đầu tuần đăng một bài viết lên website Nhà Trắng, lên án bạo lực và "những lời đồn thổi ngông cuồng, các cuộc tấn công cá nhân không chính đáng và những cáo buộc sai trái" mà bà cho rằng nhằm vào mình, dù không giải thích rõ.
Trong khi đó, Nhà Trắng, không phải Tổng thống Trump, vẫn mời vợ chồng Tổng thống đắc cử Biden nghỉ qua đêm ở Nhà khách Blair trước khi nhậm chức và họ đã chấp thuận. Các tổng thống sắp mãn nhiệm thường gửi lời mời này đến gia đình người kế nhiệm kể từ thời cựu tổng thống Jimmy Carter năm 1976.
Khi thời gian còn lại rất ít và căng thẳng sau cuộc bầu cử vẫn chưa nguôi, đây chỉ là một trong những quy chuẩn từng bị phá vỡ dưới chính quyền Trump 4 năm qua, không chỉ bởi ông mà cả phu nhân.
Melania, một đệ nhất phu nhân kín tiếng bất thường, đã sớm có cách tiếp cận khác với những người tiền nhiệm khi trì hoãn việc chuyển vào Nhà Trắng 5 tháng để con trai Barron, khi đó 10 tuổi, hoàn thành học kỳ ở New York, vào năm 2017.
"Một lần nữa bà ấy lại phá vỡ truyền thống", Anita McBride, người từng là chánh văn phòng cho cựu đệ nhất phu nhân Laura Bush, hiện làm việc tại Đại học Mỹ, lãnh đạo Sáng kiến Đệ nhất phu nhân nhằm khám phá ảnh hưởng của họ đối với chính trị, chính sách và ngoại giao toàn cầu, nói.
Các nhà sử học cho biết nghi thức dân sự gặp gỡ và chào hỏi của các đệ nhất phu nhân ngay sau cuộc bầu cử có vẻ vụn vặt nhưng thực tế không phải vậy. Hoạt động này ít nhất cũng quan trọng như cuộc gặp thường diễn ra đồng thời của các tổng thống sắp mãn nhiệm và người kế nhiệm.
"Đó là một trong những thông lệ dễ thấy đã trở thành truyền thống, vì vậy mà trong hơn 40 năm trở lại đây, người Mỹ đã quen với việc nhìn thấy gia đình tân tổng thống được mời đến Nhà Trắng song song với việc tổng thống mời tổng thống đắc cử", bà McBride nói.
Suốt nhiều thập kỷ, truyền thống này đã trở thành biểu tượng của một kiểu "chuyển giao quyền lực hòa bình", chưa kể đến đây là cách cư xử đẹp và lịch sự dưới áp lực.
"Trọng tâm là chuyển tải sự thống nhất và liên tục, đó là cách thể hiện rõ ràng, ấn tượng nhất rằng việc chuyển giao đã diễn ra, rằng gia đình tân tổng thống đã về Nhà Trắng", McBride nói thêm.
"Tôi biết một bữa trà trong dinh thự giữa hai người phụ nữ quyền lực kết hôn với các tổng thống có vẻ kỳ lạ, nhưng tôi tin sức mạnh của những truyền thống này sẽ tạo tiền đề cho các mối quan hệ dân sự, dẫn đến các cuộc đối thoại giữa con người, mà đôi khi có thể dẫn đến hành động", bà Brower nói. "Michelle Obama và Laura Bush có thể làm việc cùng nhau vì mối quan hệ mà họ đã hun đúc từ rất sớm".
Obama từng tiếp đón Trump tại Nhà Trắng sau chiến dịch tranh cử 2016 đầy căng thẳng. Cả vợ chồng Trump đều bị tố phân biệt chủng tộc khi cáo buộc Obama không sinh ra ở Mỹ. Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sau này từng nói rằng bà sẽ không bao giờ quên và không bao giờ tha thứ cho điều đó. Tuy nhiên, bà đã cố gắng lịch sự khi thảo luận về cách nuôi dạy con cái với Melania tại cuộc gặp ở Nhà Trắng.
Mục đích bề ngoài của cuộc gặp là để gia đình sắp đến tham quan khu sinh hoạt riêng tại Nhà Trắng trên tầng hai và tầng ba, giới thiệu họ với các nhân viên tại đây.
Theo Hiệp hội Lịch sử Nhà Trắng, các tổng thống đắc cử thế kỷ 19 và phu nhân của họ thường gọi cho tổng thống đương nhiệm và đệ nhất phu nhân khi họ đến Washington, và đôi khi các tổng thống sắp mãn nhiệm tổ chức bữa tối hoặc tiệc chiêu đãi cho họ. Đến thế kỷ 20, điều này đã thay đổi. Báo chí đưa tin rằng cuộc gặp đầu tiên của các đệ nhất phu nhân để uống trà và tham quan Nhà Trắng diễn ra vào tháng 12/1920 khi Đệ nhất phu nhân Edith Wilson đón người kế nhiệm Florence Harding.
Trên thực tế, những cuộc gặp gỡ này không phải lúc nào cũng diễn ra vui vẻ, ngay cả khi chính quyền mới cùng đảng với chính quyền sắp mãn nhiệm, như trường hợp của Nancy Reagan và Barbara Bush vào năm 1989. Mối quan hệ của họ lúc đó rất băng giá, dù bà Bush từng có 8 năm làm đệ nhị phu nhân dưới chính quyền Reagan. Cuộc gặp gỡ của họ diễn ra ngắn ngủi, chỉ diễn ra 9 ngày trước khi nhà Bush chuyển đến, theo sử gia Brower.
Năm 1960, khi Mamie Eisenhower chào đón Jacqueline Kennedy ốm yếu do mới sinh con hai tuần trước đó, cuộc gặp cũng diễn ra gượng gạo, theo Brower. Ngoài vấn đề chính trị, bà Eisenhower lớn tuổi và lôi thôi hơn tỏ ra không vui với người kế nhiệm Kennedy trẻ và quyến rũ hơn nên đã miễn cưỡng rời khỏi Nhà Trắng.
Một số cuộc gặp khác giữa các đệ nhất phu nhân đã không diễn ra do bi kịch hoặc từ chức. Bà Bird Johnson đột ngột trở thành đệ nhất phu nhân vào năm 1963 sau vụ ám sát Tổng thống John Kennedy, nhưng bà đã chào đón người kế nhiệm Pat Nixon vào năm 1968.
Betty Ford trở thành đệ nhất phu nhân vào năm 1974 sau khi Tổng thống Richard Nixon từ chức để tránh bị luận tội, và chồng của bà, khi đó là phó tổng thống Gerald Ford, đã trở thành tổng thống. Ông sau đó thua cuộc khi tái tranh cử vào năm 1976 một phần vì đã ân xá Nixon. Đau khổ trước thất bại, bà Ford thực sự không muốn gặp người kế nhiệm Rosalynn Carter nhưng vẫn có cuộc gặp ngắn ngủi thân tình sau khi Tổng thống Ford nhắc nhở bà "hãy là một người chơi đẹp", Brower viết trong cuốn sách của mình.
Lý do khó có sự chuyển giao suôn sẻ giữa nhà Trump và Biden tại Nhà Trắng là do Tổng thống sắp mãn nhiệm chưa bao giờ thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử 2020 và đã dành hai tháng qua để thúc đẩy cáo buộc gian lận với hy vọng đảo ngược kết quả. Ông chỉ cam kết chuyển giao quyền lực hoà bình sau cuộc bạo động tại Đồi Capitol.
Hôm 11/1, Melania, người thỉnh thoảng có những phát ngôn và hành động mâu thuẫn với chồng, cũng thừa nhận điều hiển nhiên sắp diễn ra khi nói rằng được phục vụ trên tư cách đệ nhất phu nhân là "vinh dự của cuộc đời tôi".
Anh Ngọc (Theo USA Today)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét