Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Mỹ chế tạo vệ tinh phát hiện vũ khí siêu vượt âm

Lầu Năm Góc chi gần 300 triệu USD để tập đoàn L3Harris và Northrop Grumman phát triển hai vệ tinh có khả năng phát hiện vũ khí siêu vượt âm.

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) thuộc Lầu Năm Góc tuần trước trao hợp đồng trị giá lần lượt 122 triệu và 155 triệu USD cho tập đoàn quốc phòng L3Harris Technologies và Northrop Grumman để phát triển, chế tạo hai nguyên mẫu vệ tinh Cảm biến Không gian Bám bắt Vũ khí Đạn đạo và Siêu vượt âm (HBTSS).

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết theo thỏa thuận, hai tập đoàn quốc phòng sẽ phóng vệ tính lên quỹ đạo và trình diễn tính năng phát hiện vũ khí siêu vượt âm của chúng, dự kiến bắt đầu từ ngày 22/7/2023.

Mô phỏng mạng lưới vệ tinh cảnh giới vũ khí siêu vượt âm của Mỹ. Ảnh: Northrop Grumman.

Mô phỏng mạng lưới vệ tinh cảnh giới vũ khí siêu vượt âm của Mỹ. Ảnh: Northrop Grumman.

Thế hệ vệ tinh mới sẽ hoạt động ở độ cao vài trăm km so với mặt đất, thay vì quỹ đạo địa tĩnh cách Trái Đất khoảng 36.000 km, bởi vũ khí siêu vượt âm khó phát hiện hơn tên lửa đạn đạo thông thường. Đây sẽ là một phần trong mạng lưới vệ tinh cảnh giới và thông tin liên lạc để giám sát mặt đất của Quân chủng Vũ trụ Mỹ.

Hệ thống vệ tinh HBTSS cũng sẽ phối hợp với cụm vệ tinh siêu nhạy của Cơ quan Phát triển Vũ trụ (SDA), vốn hoạt động ở độ cao nhỏ hơn để bám bắt tên lửa siêu vượt âm và cung cấp dữ liệu đánh chặn cho lá chắn phòng thủ mặt đất.

Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ khoảng 6.000-12.000 km/h, có thể chuyển hướng trong quá trình bay, khiến chúng rất khó bị phát hiện. Nhờ tốc độ siêu cao và khả năng thay đổi hành trình, nó có thể tấn công mục tiêu từ nhiều hướng, trở thành vũ khí gần như không thể bị đánh chặn bằng phương pháp phòng thủ tên lửa đạn đạo truyền thống.

Nga và Trung Quốc đã triển khai nhiều vũ khí siêu vượt âm, trong khi quân đội Mỹ đang thử nghiệm một số hệ thống nhưng chưa có khí tài nào trong biên chế.

Vũ Anh (Theo Sputnik)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét