Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Trung Quốc sắp đóng tàu sân bay nội địa thứ ba

Trung Quốc dự kiến khởi đóng tàu sân bay nội địa thứ ba vào đầu năm nay, dù gặp nhiều khó khăn về tài chính, kỹ thuật và huấn luyện.

Hai nguồn tin quân sự cho biết tàu sân bay nội địa thứ ba của Trung Quốc, thuộc lớp Type 002, sẽ được khởi đóng vào đầu năm nay, trong lúc chiếc đầu tiên cùng lớp đang được hoàn thiện. Cả hai tàu Type 002 nhiều khả năng sẽ được trang bị máy phóng điện từ tiên tiến.

Đây là tàu sân bay thứ ba do Trung Quốc tự đóng, nhưng sẽ là hàng không mẫu hạm thứ tư của nước này. Trung Quốc trước đó mua một chiến hạm cũ của Ukraine và cải hoán thành Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên trong biên chế hải quân nước này.

Dựa trên thiết kế của Liêu Ninh, Trung Quốc đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Sơn Đông và đưa vào biên chế vào tháng 12/2019. Nước này sau đó khởi đóng một lớp tàu sân bay hoàn toàn khác mang tên Type 002, được cho là ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại hơn so với Liêu Ninh và Sơn Đông.

Chiếc đầu tiên thuộc lớp Type 002 được khởi đóng vào đầu năm 2017 tại nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải. Dự án chế tạo tàu sân bay thứ tư của Trung Quốc, cũng là một chiếc thuộc lớp Type 002, được bắt đầu vào cuối năm 2017, nhưng bị hoãn do ảnh hưởng từ Covid-19, suy giảm kinh tế do đại dịch gây ra và một số vấn đề kỹ thuật, các nguồn tin cho biết.

"Hải quân Trung Quốc đã mua các loại thép đặc biệt cho tàu sân bay thứ tư vào năm 2020, việc chế tạo một số bộ phận của chiến hạm đã bắt đầu", một nguồn tin cho biết.

Mô phỏng tàu sân bay Type 002. Đồ họa: SCMP.

Mô phỏng tàu sân bay Type 002. Đồ họa: SCMP.

Các trang tin cho biết Trung Quốc đang tăng cường xây dựng cơ sở và chế tạo thiết bị hỗ trợ các dự án tàu sân bay, bao gồm một ụ nổi khổng lồ và một nhà máy đóng tàu mới.

Nhà máy đóng tàu Giang Nam tại Thượng Hải bắt đầu dự án mở rộng cơ sở kéo dài ba năm, theo thông cáo của Tổng công ty Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc.

Khu phức hợp trị giá 2,8 tỷ USD với diện tích hơn 240 hecta là nơi diễn ra hoạt động nghiên cứu và thiết kế tàu, các khu xưởng trong nhà và ngoài trời, xưởng ráp thân tàu cùng các cơ sở hoàn thiện tàu.

Thông tin được đưa ra vài ngày sau khi nhà máy đóng tàu Giang Nam thông báo đã lắp đặt ụ nổi khổng lồ đầu tiên và thiết bị đặc biệt hồi cuối tháng 12/2020. Ụ nổi tự hành dài 256 m, rộng 60 m, tháp nâng có thể vươn cao 30 m và có thể chở tối đa 32.000 tấn hàng.

"Dự án ụ nổi và cơ sở mới đều cho thấy Trung Quốc cần thêm không gian đóng chiến hạm do nhà máy đóng tàu ở đảo Trường Hưng, Thượng Hải, đã trở nên quá chật chội", Lã Lễ Thi, cựu giảng viên học viện của lực lượng phòng vệ trên biển Đài Loan, cho biết.

Chuyên gia này nhận định ảnh vệ tinh trước đó cho thấy thân tàu khu trục Type 055 được lắp ráp cùng lúc với thân tàu sân bay Type 002. "Ụ nổi sẽ thành bệ trung chuyển cho tất cả chiến hạm trước khi hạ thủy hoặc tham gia các công việc bảo trì khác", ông Lã nói.

Các khối lắp ráp tàu sân bay Type-002 (khoanh đỏ) trong ụ nổi tại Nhà máy Đóng tàu Giang Nam, ngoại ô thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 7/2020. Ảnh: Twitter/RupprechtDeino

Các khối lắp ráp tàu sân bay Type-002 (khoanh đỏ) trong ụ nổi tại Nhà máy Đóng tàu Giang Nam, ngoại ô thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 7/2020. Ảnh: Twitter/RupprechtDeino

Trung Quốc lên kế hoạch lập ít nhất 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030 để trở thành lực lượng hải quân nước xanh hiện đại đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, một nguồn tin quân sự cho biết tiến trình huấn luyện của hải quân Trung Quốc còn tụt hậu và thủy thủ đoàn sẽ không được đào tạo đầy đủ vào thời điểm tàu sân bay thứ tư được hạ thủy.

"Đó là lý do hải quân Trung Quốc tổ chức huấn luyện trên biển trong mọi điều kiện thời tiết vào năm ngoái", nguồn tin này cho biết. Hải quân Trung Quốc gần đây tổ chức nhiều cuộc diễn tập, bao gồm ba cuộc diễn tập kéo dài 10 ngày ở ngoài khơi đảo Hải Nam bắt đầu hôm 29/12, cùng một cuộc diễn tập 5 ngày ở phía bắc Hoàng Hải.

Các chuyên gia quân sự nhận định việc xây dựng cơ sở đóng tàu, chế tạo thiết bị và huấn luyện hải quân cho thấy Trung Quốc nỗ lực tối đa để cải tiến kỹ năng đóng tàu cùng huấn luyện nhân sự, khi phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong và ngoài nước trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ leo thang.

Nguyễn Tiến (Theo SCMP)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét