Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

Xem xét bãi nhiệm có thể cản bước Trump?

Chưa đầy một tuần sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol, Hạ viện đang gấp rút chuẩn bị xem xét bãi nhiệm Trump lần thứ hai trong vòng 13 tháng.

Tới ngày 13/1, các thành viên Dân chủ có thể xúc tiến điều khoản xem xét bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump vì "kích động bạo loạn" ở Đồi Capitol, khiến ít nhất 5 người chết và hàng chục người bị thương, theo một nghị quyết được đưa ra hôm 11/1.

"Với hành vi như vậy, Donald Trump đã cho thấy ông ấy tiềm ẩn những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, nền dân chủ và Hiến pháp nếu tiếp tục tại vị, đồng thời đã hành động theo cách không phù hợp với trách nhiệm điều hành đất nước và luật pháp. Do đó, Donald Trump phải bị xem xét bãi nhiệm, xét xử, cách chức và không đủ tư cách để được giữ bất kỳ sự tôn kính, niềm tin và lợi ích nào của nước Mỹ", nghị quyết nêu rõ.

Người biểu tình ủng hộ Trump cố gắng phá hàng rào bảo vệ của cảnh sát trước tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1. Ảnh: AP.

Người biểu tình ủng hộ Trump cố gắng phá hàng rào bảo vệ của cảnh sát trước tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1. Ảnh: AP.

Hơn 200 hạ nghị sĩ Dân chủ, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo Thượng viện Chuck Schumer, đã nhanh chóng bắt tay cho kế hoạch buộc Trump từ chức hoặc thúc đẩy việc loại bỏ Trump. Nhưng không ít trợ lý và nhà hoạt động của đảng Dân chủ lo ngại kế hoạch truất quyền Trump trước thời hạn có thể phản tác dụng và gây ảnh hưởng tới chính quyền mới của Joe Biden trong những tuần đầu tiên.

Biden cũng có cùng những lo ngại này, theo ba cố vấn của ông. Dù công khai tuyên bố để quốc hội "tự quyết định xem xét miễn nhiệm" Trump, ông hiểu rằng những nỗ lực của Dân chủ khó có thể loại Trump trước thời hạn, đồng thời không muốn chương trình nghị sự hành pháp của mình bị xao nhãng và muốn tránh xa vấn đề tranh cãi này khi ông tìm cách thống nhất đất nước.

"Tôi nghĩ ông ấy thấy rõ ràng rằng việc xem xét bãi nhiệm sẽ không đem lại kết quả lớn nào, bởi Thượng viện sẽ không thông qua", cựu thượng nghị sĩ Connecticut Chris Dodd, cố vấn lâu năm của Biden, nói.

Dodd nghĩ rằng nỗ lực xem xét bãi nhiệm vào thời điểm này chỉ khiến các thành viên Cộng hòa gắn kết để bảo vệ Trump và khiến mọi người không tập trung vào chính quyền mới của Biden. "Chúng ta nên nói về Joe Biden và chính quyền mới của ông ấy, cũng như ý nghĩa của nó đối với mọi người ở Mỹ và nước ngoài", Dodd nói.

Một cố vấn của Biden nói rằng "không ngạc nhiên" khi Biden để quốc hội tự quyết định xem xét bãi nhiệm Trump. Nếu Biden ủng hộ nỗ lực này, ông có thể vấp phản đối từ các thành viên Cộng hòa, những người cho rằng động thái này chỉ khiến đất nước thêm chia rẽ. Nhưng nếu phản đối, Biden sẽ làm phật lòng các thành viên của đảng Dân chủ, những người cho rằng Tổng thống Trump đang khiến cuộc sống của người dân Mỹ gặp nguy hiểm.

"Đây là quyết định đầy mâu thuẫn đối với các thành viên Dân chủ và với tất cả chúng ta", theo Moe Vela, cố vấn cấp cao của Biden khi là phó tổng thống.

Các thành viên Dân chủ hiểu rằng Biden có thể phải chịu một số tác động về mặt chính trị từ quyết định của họ. Trong cuộc họp kín của đảng Dân chủ ở Hạ viện hôm 8/1, Pelosi yêu cầu nghị sĩ Adam Schiff phác thảo quá trình xem xét bãi nhiệm, trong đó tính đến các hậu quả chính trị và các lập luận phản bác từ phe Cộng hòa. Và họ quyết định không để Biden phải là người đưa ra quyết định.

Trước khi lựa chọn xem xét bãi nhiệm Trump, phe Dân chủ đã cố gắng ép Trump từ chức thông qua việc thúc đẩy kích hoạt Tu chính án thứ 25. Điều này đồng nghĩa phải có sự đồng thuận của Phó tổng thống Mike Pence, nhưng cho tới giờ ông vẫn từ chối làm điều đó. Nếu Pence tiếp tục từ chối, Hạ viện ngày 13/1 sẽ bỏ phiếu thông qua xem xét bãi nhiệm Trump, theo Lãnh đạo phe Đa số Hạ viện Steny Hoyer cho biết hôm 11/1.

Các chuyên gia ở cả hai đảng cho rằng đảng Dân chủ có thể xây dựng một căn cứ pháp lý vững chắc để xem xét bãi nhiệm Trump. "Tổng thống kích động bạo loạn là một lập luận tốt hơn những gì họ có lần trước", Robert Ray, thành viên nhóm pháp lý của Tổng thống trong lần xem xét bãi nhiệm năm 2020, nói.

Xem xét bãi nhiệm sẽ được thông qua ở Thượng viện nếu có đủ 67 phiếu tán thành, đồng nghĩa ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa cần bỏ phiếu ủng hộ nỗ lực của Dân chủ. Dù một số thượng nghị sĩ Cộng hòa, như Lisa Murkowski, Ben Sasse hay Pat Toomey đều nói Trump nên từ chức hoặc họ sẽ xem xét bãi nhiệm ông, không ai công khai nói sẽ ủng hộ nỗ lực này.

Tuy nhiên, các lãnh đạo Dân chủ nói rằng họ sẽ thúc đẩy nỗ lực này đến cùng. "Thượng viện có thông qua xem xét bãi nhiệm hay không không phải là vấn đề", Hoyer nói. "Vấn đề là chúng ta hầu hết đều tin rằng chúng ta có một tổng thống khuyến khích cuộc bạo loạn và tấn công vào tòa nhà này, vào nền dân chủ để cố gắng đảo ngược kết quả bầu cử".

Giới quan sát cho rằng nỗ lực xem xét bãi nhiệm Trump có thể gây khó khăn cho triển vọng chính trị tương lai của Trump. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia gây quỹ chiến dịch nhận định dù nỗ lực xem xét bãi nhiệm có giành được 2/3 ủng hộ từ Thượng viện, nó cũng có rất ít khả năng ngăn được Trump tiếp tục gây quỹ từ người ủng hộ trong nhiều tháng và thậm chí nhiều năm tới.

Paul S. Ryan, luật sư hàng đầu của tổ chức giám hộ Common Cause, nói rằng việc xem xét bãi nhiệm sẽ không ảnh hưởng gì tới số tiền mà ông ấy đã quyên góp được, cũng như khả năng tiếp tục gây quỹ cho một ủy ban chính trị.

"Ông ấy có rất nhiều lựa chọn và ông ấy có sẵn cơ sở hạ tầng của mình", Larry Noble, cựu tổng cố vấn của Ủy ban Bầu cử Liên bang, nói.

Tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Prescott, bang Arizona hồi tháng 10/2020. Ảnh: AP.

Tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động tranh cử ở Prescott, bang Arizona hồi tháng 10/2020. Ảnh: AP.

Bên cạnh ủy ban chiến dịch tranh cử, Trump cũng có sẵn một phương tiện hỗ trợ là ủy ban hành động chính trị Save America, có thể giúp tài trợ các chi phí, việc đi lại, nhân viên, cũng như hỗ trợ các ứng viên có cùng chí hướng.

Nhiều chuyên gia nói rằng khi không là ứng viên, Trump có thể tự do khởi động các cỗ máy gây quỹ khác với ít rào cản pháp lý hơn những ủy ban hiện tại của ông.

Dù việc đình chỉ vĩnh viễn tài khoản của Trump trên nền tảng Twitter khiến ông mất đi 88,7 triệu người theo dõi, nhưng Ryan cho biết Trump và ủy ban chiến dịch của ông vẫn có "khối tài sản rất lớn từ danh sách email của họ".

Theo thống kê của CNN, chiến dịch Trump đã gửi 606 email gây quỹ trong khoảng thời gian từ 23h đêm bầu cử 3/11 tới chiều 6/1, ngay trước khi Đồi Capitol bị bao vây.

Jason Miller, cố vấn chiến dịch của Trump, nói rằng Tổng thống vẫn tiếp tục là một nguồn gây quỹ lớn và "là cái tên lớn nhất trong nền tảng chính trị của đảng Cộng hòa", với các kế hoạch tung hàng triệu đôla giúp các ứng viên Cộng hòa tranh cử vào hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2022.

Thanh Tâm (Theo Time, CNN)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét