Đặc phái viên LHQ về Myanmar kêu gọi Hội đồng Bảo an hành động, cảnh báo nguy cơ nội chiến và một cuộc "tắm máu" sắp xảy ra ở Myanmar.
"Tôi kêu gọi Hội đồng xem xét tất cả công cụ hiện có để thực hiện hành động tập thể, làm những gì đúng đắn, những gì người dân Myanmar xứng đáng được nhận và ngăn chặn một thảm họa đa chiều", đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener phát biểu tại phiên họp kín của Hội đồng Bảo an hôm 31/3.
Bà cho biết vẫn rất cởi mở trong đối thoại với quân đội Myanmar, nhưng nhấn mạnh: "Nếu chúng ta cứ chờ đến khi họ sẵn sàng đối thoại, tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Một cuộc tắm máu sắp xảy ra".
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 520 người đã chết trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar hai tháng qua.
Đại diện thường trực Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward, người đề xuất cuộc họp, nói với phóng viên rằng Hội đồng Bảo an "thống nhất lên án" và đang thảo luận "một loạt biện pháp". Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối áp lệnh trừng phạt Myanmar.
"Áp lực một phía và kêu gọi biện pháp trừng phạt hoặc cưỡng chế sẽ chỉ làm trầm trọng thêm căng thẳng, đối đầu và làm phức tạp thêm tình hình, điều này hoàn toàn không mang tính xây dựng", đại sứ Trung Quốc Trương Quân nói tại cuộc họp.
Đặc phái viên Burgener cho rằng quân đội Myanmar đang gia tăng hành động trấn áp biểu tình, trong khi các nhóm dân tộc vũ trang ngày càng có quan điểm chống đối rõ ràng, làm tăng nguy cơ "xảy ra nội chiến quy mô chưa từng có". Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas Greenfield cũng nêu khả năng hành động nếu quân đội Myanmar không từ bỏ quyền lực.
Trước đó, một nhóm nghị sĩ thuộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cho biết sẽ thành lập "chính phủ dân sự mới" vào tuần đầu tiên của tháng 4, song không cho biết thêm chi tiết.
Một số trong khoảng 20 nhóm dân tộc vũ trang ở Myanmar, kiểm soát các khu vực lãnh thổ rộng lớn ở biên giới, tỏ ra bất bình với các cuộc trấn áp của quân đội. Quân Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA), Quân đội Liên minh Dân chủ Dân tộc Myanmar và Quân đội Arakan tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn với quân đội và nhiều khả năng đứng về phía người biểu tình.
Hai lực lượng khác là Liên minh Quốc gia Karen (KNU) và Quân đội Độc lập Kachin (KIA) tăng cường các cuộc tấn công vào quân đội và cảnh sát trong những ngày gần đây.
Huyền Lê (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét