Trong 6 ngày, hàng tỷ USD hàng hóa quốc tế nằm tê liệt ở hai đầu kênh đào Suez, do siêu tàu container Ever Given mắc cạn.
Khoảng 1,5 triệu nhân công đã phải làm việc suốt 10 năm để xây dựng tuyến kênh đào Suez tại Ai Cập vào thế kỷ 19. Nhưng siêu tàu hàng Ever Given do hãng vận tải biển Evergreen vận hành chỉ mất một ngày để khiến nó tê liệt hoàn toàn. Sự cố xảy ra vào ngày 23/3, khi con tàu dài 400 m đâm chéo vào bờ kênh đào, chắn ngang tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới.
Các công ty bảo hiểm của con tàu và các cơ quan quản lý kênh đã sử dụng các tàu kéo lớn nhất tại kênh và sau đó còn điều động thêm tàu từ khu vực khác. Họ triển khai các máy đào, máy xúc và tàu hút bùn chuyên dụng để nạo vét cát và bùn ở phần đầu và đuôi tàu bị mắc kẹt. Giúp đỡ họ là 8 chuyên gia cứu hộ nổi danh từ Hà Lan.
Nhưng phải đến ngày thứ bảy, nhờ triều cường cao bất thường, con tàu mới hết mắc kẹt vào khoảng 15h, khiến 400 con tàu đang chờ đợi có thể tiếp tục hành trình vào tối 29/3.
Ever Given, một trong những tàu container lớn nhất thế giới với tổng trọng tải hơn 200.000 tấn, bịt kín kênh đào Suez khi di chuyển từ Biển Đỏ tới Địa Trung Hải. 25 thủy thủ đoàn không bị thương, thân tàu và hàng hóa không bị hư hại và không có rò rỉ dầu sau sự cố, nhưng mọi hoạt động di chuyển qua kênh đào phải dừng suốt 6 ngày qua.
Công ty điều hành Evergreen Marine Corp của Đài Loan cho biết con tàu, đang trên đường từ Trung Quốc đến Hà Lan, "mắc cạn do gió lớn". Tuy nhiên, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie nói với các phóng viên cuối tuần trước rằng vụ tai nạn có thể là do "lỗi kỹ thuật hoặc con người", chứ không phải do sức gió.
Theo quy trình tiêu chuẩn, hai hoa tiêu Ai Cập lẽ ra phải lên tàu trước khi nó vào kênh để giúp dẫn đường, mặc dù thuyền trưởng của con tàu là người ra quyết định cuối cùng.
Con tàu đã chặn con đường vận chuyển mà hơn 10% thương mại hàng hải toàn cầu đi qua, phần lớn là dầu và ngũ cốc. Kênh đào Suez, mở cửa vào năm 1869 và nhiều lần được mở rộng kể từ đó, là lối đi tắt quan trọng giữa châu Á và châu Âu, giúp các tàu bè không phải di chuyển vòng quanh châu Phi.
Tắc nghẽn đã ảnh hưởng thị trường dầu thế giới vì chậm trễ giao hàng. Chính quyền Syria hôm 27/3 cho biết họ phải phân phối nhiên liệu theo định mức vì nguồn cung dầu bị trì hoãn, trong khi cơ quan thú y Romania cho biết 11 tàu chở gia súc từ nước này đã bị ảnh hưởng bởi vụ tắc nghẽn. Giá dầu thô giảm sau khi có tin con tàu được giải cứu, với giá dầu thô Brent giảm một USD/thùng, xuống còn 63,67 USD/thùng.
Ai Cập mất khoảng 12-14 triệu USD doanh thu từ con kênh mỗi ngày khi kênh bị đóng cửa, trong khi Lloyd's List ước tính vụ tắc nghẽn giữ khoảng 9,6 tỷ USD hàng hóa mỗi ngày giữa châu Á và châu Âu.
Peter Berdowski, giám đốc điều hành của Royal Boskalis Westminster, công ty mẹ của công ty cứu hộ Hà Lan Smit Salvage, nói rằng áp lực về thời gian để giải cứu tàu là "chưa từng có tiền lệ".
Nỗ lực giải cứu đã diễn ra cả ngày lẫn đêm với tổng cộng 11 tàu kéo được triển khai, các máy đào đã nạo vét 30.000 mét khối cát và bùn xung quanh mũi tàu và đuôi tàu. Các chuyên gia đã tính đến phương án hạ tải bằng cách dỡ bớt container ra khỏi tàu, tuy nhiên cách làm này có thể mất nhiều thời gian vì đòi hỏi cần cẩu và có thể là trực thăng hạng nặng. Cuối cùng, phương án này được chứng minh là không cần thiết.
Đội cứu hộ còn phụ thuộc vào triều cường, họ cố gắng đạt được tiến triển trong 6 giờ nước dâng mỗi ngày. Trăng tròn vào ngày 28/3 và triều cường vào 29/3 là "cơ hội trời cho" cho đội cứu hộ. Đến sáng 29/3, con tàu nổi lại một phần, phần đuôi không còn bị kẹt.
Cho đến lúc đó, phần bụng của con tàu bị chùng xuống giữa mũi tàu và đuôi tàu, khiến các nhà phân tích lo ngại rằng thân tàu sẽ bị nứt khi chịu áp lực. Nhưng khi phần đuôi tàu đã không còn mắc kẹt, nó giúp giảm áp lực lên phần thân giữa. Cuối cùng, con tàu nổi trở lại và kênh được khai thông mà không có thêm sự cố nào.
"Thật kỳ diệu khi làm được điều đó mà không gây ô nhiễm và không ai bị thương", John Konrad, người sáng lập một trang web hàng hải, nói. "Mọi thứ đều diễn ra theo kế hoạch".
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã bày tỏ vui mừng trên Twitter. "Người Ai Cập chấm dứt thành công khủng hoảng tàu mắc kẹt tại kênh đào Suez, bất chấp những phức tạp lớn về mọi mặt", ông viết.
Tuy nhiên, Emily Hannah Stausboll, nhà phân tích vận chuyển tại BIMCO, hiệp hội vận chuyển quốc tế lớn, nói rằng các dự báo thường quá lạc quan của giới chức Ai Cập trong tuần qua đã khiến nhiều chủ tàu bối rối không biết nên tin vào điều gì. "Rất nhiều người trong cộng đồng vận tải biển ước gì nhận được thông tin rõ ràng hơn từ giới chức Ai Cập", bà nói. "Điều đó làm tổn hại đến danh tiếng của họ".
Tuy nhiên, khi không có lựa chọn nào nhanh hơn và rẻ hơn, kênh đào Suez sẽ vẫn là huyết mạch quan trọng đối với các đơn vị vận chuyển. Stausboll chỉ ra rằng hầu hết các tàu, kể cả những tàu lớn, đã đi qua kênh đào mà không gặp sự cố nào trong quá khứ.
Con tàu đầu tiên đi qua sau khi kênh Suez khai thông là YM Wish, tàu container gắn cờ Hong Kong dài hơn 360 m rời kênh vào khoảng 21h15. YM Wish không xa lạ với câu chuyện của Ever Given. Nó từng mắc cạn tại sông Elbe ở Đức 6 năm trước. Tuy nhiên, YM Wish chỉ mất chưa đầy một ngày để nổi trở lại.
Phương Vũ (Theo AFP/NYTimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét