Người dân Myanmar chất rác thành đống trên đường phố Yangon, sau khi các nhà hoạt động kêu gọi "đình công rác thải" để phản đối chính quyền quân sự.
Một người dân giấu tên ở quận Nam Dagon, thành phố Yangon, hôm nay cho biết lực lượng an ninh bố ráp khu vực này suốt đêm qua, làm tăng lo ngại về thương vong. "Súng nổ suốt đêm", người này kể.
Người dân phát hiện một thi thể bị thiêu cháy trên đường phố vào buổi sáng, nhưng họ không biết điều gì xảy ra với người đó và quân đội đã đưa thi thể đi.
Cảnh sát và phát ngôn viên quân đội từ chối bình luận thông tin trên.
Trong một chiến thuật mới, người biểu tình tìm cách đẩy mạnh chiến dịch bất tuân dân sự bằng cách yêu cầu người dân đổ rác tại các ngã tư chính. "Đình công rác thải là cuộc đình công để phản đối quân đội. Mọi người đều có thể tham gia", một bài đăng trên mạng xã hội cho hay.
Những bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy rác chất thành đống ở Yangon. Một số người phản đối chiến thuật này, kêu gọi người dân nên vứt rác đúng cách.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính Trị (AAPP), ít nhất 510 dân thường đã chết trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính gần hai tháng qua. Ngày 27/3 được xem là ngày có nhiều thương vong nhất, khi có tới 141 người thiệt mạng.
Ủy ban Tổng đình công Quốc gia, một trong những nhóm chính đứng sau các cuộc biểu tình, hôm qua kêu gọi sự giúp đỡ từ các lực lượng dân tộc thiểu số. Ba nhóm vũ trang gồm Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar, Quân đội Arakan (AA) và Quân Giải phóng Quốc gia Ta'ang hôm nay ra tuyên bố chung kêu gọi quân đội ngừng ra tay với người biểu tình và giải quyết các vấn đề chính trị.
"Nếu họ không dừng lại, và tiếp tục giết người dân, chúng tôi sẽ hợp tác với những người biểu tình và chống trả", tuyên bố cho hay.
Debbie Stothard tại Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền (FIDH) cảnh báo nếu các nhóm này sử dụng vũ lực, tình hình ở Myanmar có thể biến thành nội chiến.
Khoảng 20 cuộc nổi dậy của các dân tộc thiểu số đã bùng lên ở Myanmar từ khi nước này giành độc lập từ Anh năm 1948 để giành quyền tự trị, tài nguyên thiên nhiên, thậm chí để kiểm soát ma túy. Quân đội đã tìm cách giảm giao tranh với một số nhóm vũ trang và đầu tháng này đưa AA khỏi danh sách tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, quân đội Myanmar cuối tuần qua không kích bang Karen lần đầu tiên sau 20 năm, nhắm vào Lữ đoàn số 5 của Liên minh Quốc gia Karen (KNU) sau khi nhóm này chiếm một căn cứ quân sự và giết 10 người. Ước tính khoảng 3.000 người đã chạy trốn qua biên giới Thái Lan sau cuộc không kích.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét