Tập đoàn Trung Quốc thông báo đang phát triển tiêm kích tàng hình mới, có thể dựa trên nguyên mẫu FC-31 để sử dụng trên tàu sân bay.
Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương (SAC) của Trrung Quốc hồi tuần trước cho biết đang "tăng cường nỗ lực" để sản xuất tiêm kích tàng hình cho quân đội nước này, bao gồm nghiên cứu và thử nghiệm máy bay mới cùng các công nghệ liên quan trong năm nay.
SAC không nêu tên mẫu chiến đấu cơ mới, song hình ảnh được đăng kèm thông báo của tập đoàn cho thấy mẫu tiêm kích tàng hình thử nghiệm FC-31 do hãng này sản xuất.
Wang Yanan, tổng biên tập tạp chí Aerospace Knowledge có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định việc SAC cải tiến tiêm kích tàng hình FC-31 là điều hợp lý, vì hai máy bay mà họ đã chế tạo chỉ là nguyên mẫu thử nghiệm.
"Hải quân Trung Quốc cần tiêm kích tiên tiến hơn cho tàu sân bay trong tương lai. FC-31 được tùy chỉnh cho mục đích này sẽ là một lựa chọn tốt", Wang cho biết.
FC-31, đôi khi được gọi với biệt danh J-31, cất cánh lần đầu tháng 10/2012. Nhiều chuyên gia nhận định FC-31 sẽ trở thành tiêm kích hạm chủ lực của tàu sân bay Trung Quốc nhờ kích thước nhỏ hơn mẫu J-20 của không quân nước này.
Cơ quan Hàng không Trung Quốc cùng phòng nghiên cứu và thiết kế của Tập đoàn Hàng không Trung Quốc (AVIC) tháng 7/2020 thông báo bắt đầu thử nghiệm nguyên mẫu tiêm kích tàng hình mới. Sau đó hai tháng, ảnh một chiếc F-31C với màu sơn mới cùng biểu tượng của SAC được đăng trên mạng xã hội Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là đang phát triển tiêm kích hạm tàng hình để phục vụ cho tham vọng xây dựng hải quân toàn cầu và cạnh tranh với mẫu F-35B và F-35C của Mỹ. Quân đội Trung Quốc đang vận hành J-20, mẫu tiêm kích tàng hình thường được so sánh với F-35 của Mỹ và Su-57 của Nga, nhưng khó vận hành trên tàu sân bay vì kích thước và trọng lượng lớn.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét