Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Nga tham vọng 'soán ngôi' kênh Suez

Giữa lúc tàu Ever Given làm tê liệt kênh Suez thu hút sự chú ý của cả thế giới, Nga tích cực quảng bá Tuyến đường Biển Bắc của họ.

"Sức hấp dẫn của Tuyến đường Biển Bắc (NSR) sẽ tăng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Rõ ràng cần phải nghĩ cách xử lý hiệu quả các rủi ro về giao thông vận tải, đồng thời phát triển những tuyến đường thay thế kênh đào Suez, đầu tiên và trước hết là NSR", Nikolai Korchunov, quan chức cấp cao phụ trách hợp tác quốc tế về Bắc Cực của Nga, trả lời phỏng vấn hôm 26/3.

"Sự phát triển của NSR giúp tránh được các rủi ro hậu cần và khiến thương mại toàn cầu bền vững hơn. Các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chắc chắn sẽ xem xét vụ tắc nghẽn kênh đào Suez như một tiền lệ trong những kế hoạch chiến lược dài hạn của họ", Vladimir Panov, đại diện của tập đoàn năng lượng hạt nhân quốc gia Nga Rosatom, bổ sung thêm ý kiến.

Bộ Năng lượng Nga hôm 29/3 cũng cho biết việc "siêu tàu hàng" Ever Given, với trọng tải gần 220.000 tấn, dài 400 m, mắc kẹt tại kênh đào Suez, gây tắc nghẽn giao thông suốt nhiều ngày và gây thiệt hại lớn cho thương mại thế giới, cho thấy NSR và các đường ống dầu khí của họ đáng tin cậy, an toàn, có sức cạnh tranh "so với những tuyển đường thay thế khác".

Tuyến đường Biển Bắc (xanh) và tuyến hàng hải qua kênh Suez (đỏ). Đồ họa: EIU.

Tuyến đường Biển Bắc (xanh) và tuyến hàng hải qua kênh Suez (đỏ). Đồ họa: EIU.

NSR là một trong những tuyến vận tải ở Bắc Cực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga, được Moskva đầu tư mạnh tay để phát triển, có thể giúp các con tàu rút ngắn hành trình đến châu Á tới 15 ngày so với đi qua kênh đào Suez.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thúc đẩy kế hoạch cơ sở hạ tầng tham vọng này, tận dụng hiện tượng băng tan ở vùng cực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để mở rộng và phát triển hoạt động vận tải ở Bắc Cực. Ông coi khu vực Bắc Cực của Nga là ưu tiên chiến lược, yêu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng quân sự và khai thác khoáng sản.

Việc đi qua khu vực phía đông Bắc Cực thường kết thúc vào tháng 11, khi mặt biển đóng băng, nhưng Nga hy vọng biến đổi khí hậu và hiện tượng băng Bắc Cực tan nhanh đồng nghĩa với việc lợi ích thương mại của NSR sẽ tăng lên. Cơ quan theo dõi thời tiết của Nga tuần trước cũng cho biết tuyến đường phía bắc "trong một số năm gần như hoàn toàn không có băng" cho tới cuối mùa hè, và năm 2020 đạt mức độ băng phủ "thấp kỷ lục".

Năm ngoái, Nga công bố kế hoạch tổng thể nhằm mở rộng tuyến vận tải Bắc Cực, bao gồm xây dựng một hạm đội gồm hàng chục tàu phá băng hạt nhân và các tàu khác, lập bản đồ tài nguyên thiên nhiên trong khu vực, đồng thời phát triển các sân bay, bến cảng và tuyến đường sắt ở phía bắc đất nước.

Moskva đang dự định sử dụng tuyến đường này để xuất khẩu dầu khí ra thị trường nước ngoài. Nhiều công ty, bao gồm nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Nga Novatek, cũng đã chuyển hướng lên phía bắc. Hồi tháng 8/2017, con tàu đầu tiên đã đi dọc theo NSR mà không cần dùng đến tàu phá băng.

Putin hồi năm 2018 đề ra mục tiêu lưu lượng hàng hóa dọc NSR cần phải tăng mạnh, lên mức 80 triệu tấn vào năm 2024. Theo Rosatom, con số này hồi cuối năm 2019 đạt 30 triệu tấn và năm ngoái là 32 triệu tấn.

Một tàu phá băng hộ tống một con tàu đi dọc Tuyến đường Biển Bắc. Ảnh: Rosatomflot.

Tàu phá băng dẫn đường cho một con tàu đi dọc Tuyến đường Biển Bắc. Ảnh: Rosatomflot.

Trách nhiệm thực hiện kế hoạch phát triển NSR và mở rộng khai thác khu vực Bắc Cực được giao cho Rosatom, Novatek, cùng hai công ty dầu khí nhà nước Rosneft và Gazprom. Rosatom kỳ vọng NSR sẽ trở thành hành lang vận tải biển quốc gia và quốc tế, cạnh tranh được với tuyến đường phía nam qua kênh đào Suez vào năm 2035.

Tập đoàn này đang tiến hành nghiên cứu trước khi đầu tư vào hành lang vận tải phía bắc, như một phần trong kế hoạch làm rõ phân khúc thị trường mục tiêu, xác định chiến lược tiếp thị, phân tích lưu lượng và cơ cấu luân chuyển hàng hóa, các tuyến đường giữa Bắc Âu và Đông Á, đánh giá luồng hàng tiềm năng, chọn địa điểm cho các trung tâm trung chuyển ở phía đông và phía tây của tuyến đường.

Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ môi trường toàn cầu lo ngại việc các công ty Nga tăng cường khai thác Bắc Cực có thể dẫn tới những lo ngại về vấn đề môi trường bị gạt sang một bên. Họ lo sợ việc lưu lượng giao thông gia tăng và hoạt động phá băng sẽ làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với vùng cực vốn đang mong manh, cũng như nhiều thảm họa khác.

Hồi tháng 9/2019, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường Nga cảnh báo nhiệt độ tại nước này đã tăng nhanh gấp 2,5 lần so với bất kỳ quốc gia nào khác. Nga cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, bao gồm thời tiết cực đoan như lũ lụt ở phía đông đất nước, hay cháy rừng nghiêm trọng tại Siberia. Việc lớp băng vĩnh cửu tan chảy đặt ra những thách thức lớn.

Tháng 1/2020, cơ quan kiểm toán Nga cảnh báo biến đổi khí hậu có thể làm giảm 3% GDP hàng năm vào năm 2030, trừ khi thực hiện các biện pháp giúp giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, sự cố với tàu Ever Given trên kênh Suez được cho là đã thôi thúc nỗ lực phát triển tuyến giao thông phía bắc của Nga.

Ánh Ngọc (Theo WP, AFP, Interfax)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét