Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Người phụ nữ Đức đau đáu tìm lại người thân Việt Nam

Được đưa sang Thụy Sĩ làm con nuôi 46 năm trước và đang sống hạnh phúc với gia đình ở Đức, Sandy Braun vẫn day dứt về cội nguồn Việt Nam.

Sandy Braun được cha mẹ nuôi đưa tới Thụy Sĩ vào tháng 4 năm 1975, sau một thời gian sống tại trại trẻ mồ côi Hội Dục Anh, hiện là trụ sở của Hội Người Mù TP HCM tại 185, Cống Quỳnh, quận 1. Cô bé chưa đầy một tuổi quá nhỏ để nhận ra mình vừa rời xa quê hương để đến sống ở một quốc gia cách đó hàng nghìn cây số, với những người không phải là cha mẹ ruột.

"Cha mẹ nuôi của tôi có quen một người đàn ông Thụy Sĩ ở Sài Gòn (ông ấy trước là hàng xóm của ông bà tôi). Ông ấy có quen một người phụ nữ Việt Nam và người phụ nữ này biết một người ở trại trẻ mồ côi Hội Dục Anh. Đây là cách bố mẹ nuôi tìm đến tôi", Sandy kể với VnExpress, nhưng thêm rằng cuối cùng bố mẹ không nhận nuôi cô thông qua văn phòng nhận nuôi chính thức.

Sandy được một người phụ nữ bế tại trại trẻ mồ côi Hội Dục Anh trong khoảng thời gian 1974-1975. Ảnh: NVCC.

Sandy được một người phụ nữ bế tại trại trẻ mồ côi Hội Dục Anh trong khoảng thời gian 1974-1975. Ảnh: NVCC.

Sandy đã chuyển tới Đức năm 2004 và 9 năm sau, cô kết hôn cùng một người đàn ông Đức. Hai người quyết định nhận nuôi hai đứa con, một trai một gái, trong một khoảng thời gian.

"Con bé sống với chúng tôi 10 năm và thằng bé sống cùng 3 năm. Chúng xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khác nhau và giờ không còn sống cùng chúng tôi nữa", Sandy chia sẻ.

Sandy hiện sống và làm việc tại Tổng lãnh sự quán Thụy Sĩ tại thành phố Stuttgart, bang Baden-Wurttemberg, tây nam Đức. "Tôi đã học được rất nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng thật tiếc chưa thể học được tiếng Việt. Tôi gặp nhiều khó khăn với ngôn ngữ này", bà cho hay.

Dù được cha mẹ nuôi người Thụy Sĩ hết mực yêu thương và đã có gia đình riêng hạnh phúc, Sandy chưa từng thôi mong muốn tìm lại gốc gác Việt Nam. Năm 2014, Sandy mang theo hy vọng tìm người thân trở lại Việt Nam.

"Năm 2014 tôi tới Sài Gòn. Tôi đã tới tòa án nhân dân, nhiều bệnh viện, sở cảnh sát, trại trẻ mồ côi, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, đài truyền hình và đăng tin quảng cáo trên báo, phát tờ rơi để tìm người thân", Sandy chia sẻ.

Theo thông tin mà Sandy có được, cô có tên tiếng Việt là Dương Thị Bửu Châu, chào đời ngày 26/6/1974 tại Thạnh Mỹ Tây, Gia Định. Tuy nhiên, Sandy không biết ai đã tìm thấy và đưa cô tới trại trẻ mồ cô, nên không thể chắc chắn ngày tháng năm sinh và nơi sinh có thực sự chính xác. Sandy thêm rằng bố mẹ nuôi của cô cũng bị mất thông tin liên lạc với người hàng xóm Thụy Sĩ khi xưa.

"Một người bạn còn đưa tôi tới đến khu vực gần trại trẻ mồ côi Hội Dục Anh, nơi vẫn còn những người sinh sống từ những năm đó, nhưng họ không thể cung cấp thêm cho tôi thông tin gì", Sandy kể.

Sandy Braun, tên thật là Dương Thị Bửu Châu. Ảnh: NVCC.

Sandy Braun, tên thật là Dương Thị Bửu Châu. Ảnh: NVCC.

Trong khoảng thời gian về TP HCM năm 2014, Sandy cũng từng thực hiện một bài phỏng vấn trên báo với hy vọng tìm người thân nhưng kết quả cũng không như mong đợi.

"Tôi đã có cuộc phỏng vấn truyền hình vào ngày 15/8/2014. Nhưng tôi không biết liệu họ có từng xem được nó hay không", cô nói.

Dù thông tin Sandy có trong tay thật ít ỏi và những nỗ lực của cô nhiều năm qua chưa thu về kết quả như mong đợi, Sandy chia sẻ cô vẫn không từ bỏ hy vọng một ngày không xa có thể gặp lại hoặc biết được thông tin về gia đình Việt Nam của mình.

"Tôi biết được rằng việc tìm kiếm họ hàng Việt Nam trong hoàn cảnh của tôi thực sự rất khó, bởi hầu như không có thông tin xác thực nào. Do đó, tôi đã mở rộng phạm vi tìm kiếm bằng cách đăng tìm kiếm 'ai biết về đứa bé hoặc người bị mất con gái, sinh trong khoảng tháng 5 tới tháng 7/1974, có thể sinh ở TP HCM hoặc đưa tới đó trước tháng 12/1974. Làm ơn hãy liên hệ tới địa chỉ chauhcmc14@gmail.com'", Sandy nói.

Thanh Tâm

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét