Đề xuất ngân sách quốc phòng của Biden sẽ cắt giảm tiền cho vũ khí cũ nhằm tập trung hiện đại hóa lực lượng hạt nhân răn đe Trung Quốc.
Đề xuất chi ngân sách quốc phòng trị giá 715 tỷ USD dự kiến được Tổng thống Mỹ Joe Biden chuyển cho quốc hội hôm nay, trong đó chú trọng đầu tư vào tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu cho binh sĩ, tác chiến vũ trụ, Sáng kiến Răn Đe Thái Bình Dương (PDI) và công nghệ vũ khí hạt nhân, quan chức Mỹ am hiểu vấn đề tiết lộ.
Biden muốn chuyển ngân sách dùng cho các hệ thống, khí tài cũ sang đầu tư cho mục tiêu này. Việc Tổng thống Mỹ gửi đề xuất ngân sách cho quốc hội sẽ khởi đầu quá trình đàm phán để quyết định khoản tiền được chi cho quốc phòng trong năm tiếp theo.
Hoạt động phát triển và thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm cùng các khí tài "thế hệ tiếp theo" sẽ được ưu tiên đầu tư nhằm xây dựng năng lực đối phó Trung Quốc. Trong khi đó, Sáng kiến Răn Đe Thái Bình Dương được xây dựng nhằm đảm bảo năng lực răn đe thông thường của Mỹ và duy trì cán cân quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua xây dựng mạng lưới radar cảnh giới, vệ tinh và tên lửa tầm xa.
Các quan chức am hiểu dự thảo cho biết Lầu Năm Góc đang tìm cách cắt ngân sách cho các vũ khí thế hệ cũ vốn đòi hỏi chi phí bảo dưỡng cao gồm 4 tàu chiến đấu ven biển (LCS), hàng loạt cường kích yểm trợ mặt đất A-10, cũng như máy bay tiếp dầu KC-10 và KC-135.
Chính quyền Biden dự kiến đặt mua thêm 85 tiêm kích tàng hình F-35, so với 79 và 78 chiếc trong hai năm trước, cùng 8 tàu chiến mới.
Washington sẽ hiện đại hóa bộ ba răn đe hạt nhân, với chi phí khoảng 60 tỷ USD mỗi năm trong vòng 10 năm tới. Nguồn tiền sẽ giúp cải thiện hệ thống chỉ huy và điều khiển, cũng như các nền tảng mang vũ khí hạt nhân như tàu ngầm lớp Columbia đang được phát triển và tiêm kích F-35.
Một cựu quan chức quốc phòng Mỹ hồi tháng 3 cho hay Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương quân đội Mỹ và Lầu Năm Góc muốn tăng sức mạnh trong khu vực để trấn an đồng minh và ngăn xung đột tương lai với Trung Quốc.
Quân đội Mỹ sẽ cần ngân sách 27,4 tỷ USD cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong 6 năm tới để thực hiện kế hoạch này, tăng 36% so với kế hoạch được đề xuất trong năm 2020. Điều này dường như phản ánh lo ngại của Washington với những hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét