Sau khi hứng thất bại trong thỏa thuận thương mại với EU, Trung Quốc tìm cách tăng quan hệ với các nước châu Âu để chống lại áp lực từ Mỹ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cuối tuần qua mời ngoại trưởng các nước Ba Lan, Ireland, Hungary và Serbia tới Bắc Kinh và tổ chức các cuộc hội đàm trong ba ngày. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Vương với các quan chức ngoại giao hàng đầu châu Âu kể từ khi Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu đóng băng việc phê chuẩn Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện EU - Trung Quốc (CAI).
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này muốn tăng cường hợp tác với 4 quốc gia trên, trong đó có 3 thành viên EU (ngoại từ Serbia), nhằm đưa quan hệ Trung Quốc - châu Âu theo hướng "tích cực, toàn diện và cân bằng". Tuy nhiên, theo các nhà quan sát ngoại giao, các cuộc gặp này là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm níu kéo quan hệ với châu Âu, sau khi Bắc Kinh bị coi là "tự bắn vào chân" vì chính sách đối ngoại cứng rắn của mình với EU.
Quyết định đóng băng quá trình phê chuẩn CAI của nghị viện châu Âu được coi là cú sốc với Trung Quốc, bên từng kỳ vọng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với EU khi khối này hục hặc với Mỹ dưới thời Donald Trump.
Căng thẳng với Washington dưới thời Trump buộc Bắc Kinh phải tìm cách ngả về châu Âu. EU trong khi đó cũng muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc khi đối mặt với chủ nghĩa biệt lập và "nước Mỹ trên hết" mà Trump luôn đề cao.
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền và nỗ lực khắc phục quan hệ với đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương, rạn nứt giữa châu Âu với Trung Quốc bắt đầu xuất hiện, trong đó nổi bật là vấn đề nhân quyền liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Hồi tháng 3, EU áp hàng loạt lệnh trừng phạt với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Đây cũng là loạt trừng phạt đầu tiên của khối này nhắm vào Trung Quốc sau năm 1989.
Trung Quốc gần đây thi hành chính sách đối ngoại "ngoại giao chiến lang", quyết liệt bảo vệ những điều mà họ coi là lợi ích quốc gia, trong đó có vấn đề Tân Cương. Để đáp trả hành động của EU, Bắc Kinh áp lệnh trừng phạt với các chính trị gia, học giả và tổ chức nghiên cứu của châu Âu.
Tuy nhiên, hành động kiểu "ăn miếng trả miếng" cứng rắn của Trung Quốc khiến nước này phải trả giá bằng việc EP đình chỉ phê chuẩn CAI. Điều kiện mà Nghị viện châu Âu đặt ra để nối lại phê chuẩn thỏa thuận là Bắc Kinh xóa bỏ lệnh trừng phạt đối với các chính trị gia và học giả châu Âu.
Mỹ và EU đã trở nên thân thiết hơn dưới chính quyền Biden và họ đang hợp tác chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuần trước, hai bên ra một tuyên bố chung rằng họ có thể phối hợp để "buộc những nước ủng hộ các chính sách bóp méo thương mại như Trung Quốc phải chịu trách nhiệm".
Biden sẽ có chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ tới EU và Anh vào tháng 6, nơi ông dự kiến tham gia nhiều cuộc họp lớn với các đồng minh quan trọng.
Brussels nói họ không muốn chọn phe giữa hai đối tác thương mại lớn nhất, song lập trường của họ đang trở nên rõ ràng hơn những tháng gần đây.
"EU và Mỹ có chung quan điểm về mọi vấn đề, từ Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan, tới việc chấm dứt các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc", Steven Blockmans, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu, trụ sở ở Brussels, đánh giá.
"Chính quyền Biden rất muốn viết lại những quy định mà họ cảm thấy khiến Mỹ bị ràng buộc trong khi Trung Quốc lại tự do. Trước tình trạng vô luật pháp ngày càng tăng trong quan hệ quốc tế và nhằm đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế tương lai của châu Âu, Brussels cũng sẽ sẵn lòng viết lại những quy định này, miễn là một cơ quan bên ngoài có thể đảm bảo rằng luật được thực thi".
Dù vậy, các học giả, quan chức Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ hy vọng về cơ hội níu kéo quan hệ với châu Âu bằng cách đẩy mạnh hợp tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tại một cuộc họp trực tuyến của Hội nghị An ninh Munich hôm 25/5, Ngoại trưởng Vương Nghị đã bác bỏ ý kiến cho rằng Trung Quốc và EU chỉ có thể hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu. Ông liệt kê 7 lĩnh vực tiềm năng hợp tác khác, gồm: Cuộc chiến chống Covid-19, khôi phục kinh tế, chống khủng bố, quản trị toàn cầu, giúp đỡ các nước kém phát triển, giải quyết những vấn đề như xung đột Israel - Palestine và tăng cường vai trò của Liên Hợp Quốc.
Sun Qi, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, khẳng định Trung Quốc và châu Âu vẫn có không gian hợp tác rất lớn, thêm rằng: "Khi Trung Quốc đang mở cửa mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực mà đôi bên chia sẻ lợi ích chung như kinh tế kỹ thuật số hay kinh tế xanh, Bắc Kinh cũng sẽ mở cửa đầu tư quy mô lớn vào các lĩnh vực công nghệ mới, điều có thể rất thu hút đối với các nhà đầu tư EU".
Theo Sun, châu Âu sẽ không hoàn toàn đứng về phía Washington mà thay vào đó, họ muốn tìm cách tối đa hóa lợi ích có được từ cả Mỹ và Trung Quốc.
Hợp tác chống biến đổi khí hậu có thể mang lại "lợi thế bổ sung trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ, hợp tác công nghiệp, tài chính xanh, hội nhập kinh tế kỹ thuật số, qua đó thúc đẩy hợp tác đầu tư tiến triển một cách hiệu quả và ổn định", ông nói.
Wang Yiwei, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân, Trung Quốc, nhận định việc thỏa thuận đầu tư mới bị đình trệ phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng ở châu Âu về ảnh hưởng không ngừng gia tăng của Bắc Kinh. Ông đồng thời kêu gọi Trung Quốc kiên nhẫn.
"Không còn nghi ngờ gì về việc EU cần hợp tác với Trung Quốc về biến đổi khí hậu", Wang nói. "Dù Biden đang tham gia vào nỗ lực giảm khí thải carbon, thật khó để đảm bảo rằng Mỹ vẫn tuân thủ chương trình nghị sự này sau khi Biden mãn nhiệm".
Vũ Hoàng (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét