Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Trung sĩ Mỹ ôm bom cháy cứu máy bay năm 1945

Trung sĩ Henry Erwin ôm quả bom phốt pho đang cháy, chấp nhận da thịt bị bong ra, để cứu oanh tạc cơ chở 11 đồng đội trong Thế chiến II.

Henry Eugene Erwin Sr. sinh ngày 8/5/1921 tại Adamsville, bang Alabama, Mỹ, trong một gia đình đông con. Do nhà nghèo, Erwin phải bỏ học để đi làm toàn thời gian tại một nhà máy thép.

Tháng 7/1942, Erwin gia nhập Lực lượng Dự bị Lục quân ở Bessemer. Nửa năm sau, anh tham gia khóa đào tạo phi công tại bang Florida, nhưng không được tuyển vì "thiếu phẩm chất cần thiết".

Binh nhất Erwin chuyển đến trường kỹ thuật tại căn cứ không quân Keesler ở Mississippi và qua một số bang khác, trước khi được đào tạo làm kỹ thuật viên vô tuyến ở bang Wisconsin.

Erwin trước khi bị thương. Ảnh: Wikipedia.

Erwin trước khi bị thương. Ảnh: Wikipedia.

Erwin tốt nghiệp năm 1944 và được biên chế vào Phi đội oanh tạc cơ số 52, Phi đoàn oanh tạc cơ số 29, Lực lượng Không quân Chiến lược số 20, đóng quân ở bang Texas. Anh cưới vợ và hưởng hạnh phúc hôn nhân trong ba tháng trước khi được điều làm nhiệm vụ ở châu Á - Thái Bình Dương đầu năm 1945.

Đóng quân ở sân bay North, ngày nay là căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, phi đội của Erwin có nhiệm vụ ném bom các thành phố Nhật Bản, đôi khi còn không có tiêm kích hộ tống. Ngày 1/4/1945, Erwin được thăng hàm trung sĩ nhất và được trao hai huân chương không quân.

"Thành phố Los Angeles" là biệt danh của chiếc oanh tạc cơ B-29 với phi hành đoàn 12 người do đại úy George Simeral chỉ huy, trong đó Erwin là nhân viên vô tuyến.

Ngày 12/4/1945, họ lên đường thực hiện nhiệm vụ chiến đấu lần thứ 11 với mục tiêu là thành phố Koriyama ở tỉnh Fukushima, nơi có nhiều nhà máy hóa chất. Do phải áp sát mục tiêu, oanh tạc cơ của họ dễ bị tiêm kích và pháo phòng không Nhật tấn công. Chiếc B-29 của Erwin nằm trong đội hình dẫn đầu, theo sau là khoảng 75-80 oanh tạc cơ khác.

Khi tiếp cận mục tiêu, nhiệm vụ của Erwin là thả bom khói chứa phốt pho qua máng trượt trên sàn để ra hiệu cho các phi cơ phía sau. Chúng sẽ phát nổ trong khoảng thời gian 8-10 giây sau khi rời máy bay, tạo ra nhiều khói và nhiệt lượng lên đến 1.100 độ C.

Tổ bay trên chiếc B-29 Thành phố Los Angeles. Ảnh: WATM.

Tổ bay trên chiếc B-29 "Thành phố Los Angeles". Ảnh: WATM.

Một quả bom phốt pho lỗi bất ngờ kích hoạt ngay khi Erwin đang tháo chốt an toàn. Quả bom bay ngược máng trượt vào trong khoang máy bay rồi lao thẳng vào mặt Erwin, khiến một tai và mũi anh bị cháy sém. Khói đặc lập tức tràn ngập trong khoang máy bay, che mù toàn bộ tầm nhìn của phi công. Đại úy Simeral điều khiển máy bay chuyển hướng về phía có cảng biển để tăng cơ hội sống sót nếu bị rơi.

Erwin tuyệt vọng bò lết xung quanh khoang để tìm quả bom phốt pho vì sợ nó có thể cháy xuyên qua sàn và rơi xuống khoang chứa bom bên dưới. Họ chỉ có vài phút để xử trí trước khi bị rơi hoặc trúng đạn phòng không. Erwin thậm chí đã hét to cầu xin sự giúp đỡ của Chúa.

Erwin cuối cùng cũng tìm thấy quả bom và nhặt nó lên. Bất chấp cơn đau dữ dội, anh kẹp nó dưới cánh tay phải và tì vào đùi rồi cố gắng tìm đường đến buồng lái. Erwin thấy phi công Roy Stables và hét bảo anh ta mở cửa sổ, sau đó ném quả bom ra ngoài, giúp khói tan đi và tầm nhìn trở lại kịp thời.

Lúc này, chiếc B-29 chỉ cách mặt biển khoảng 91 m và vẫn giảm độ cao rất nhanh. Simeral vội kéo cần điều khiển máy bay vọt lên cao, kịp thời cứu phi hành đoàn.

Quả bom thiêu rụi quần áo Erwin và da thịt anh cũng bị bong ra. Sửng sốt khi thấy Erwin không bị ngất đi, đồng đội đưa anh ống morphine để giảm đau. Erwin chỉ dùng một ít vì từng được đào tạo về y tế và hiểu rằng sử dụng morphine liều cao có thể dẫn đến tử vong. Anh còn hỏi thăm tình trạng của những người còn lại trong kíp bay.

Chiếc B-29 hủy nhiệm vụ và quay đầu về đảo Iwo Jima do quân Mỹ kiểm soát. Phốt pho tự bốc cháy khi tiếp xúc oxy trong không khí, khiến da thịt của Erwin liên tục bong tróc cho đến khi hạ cánh và được chăm sóc y tế.

Erwin sau các cuộc phẫu thuật ở Mỹ. Ảnh: WATM.

Erwin sau các cuộc phẫu thuật ở Mỹ. Ảnh: WATM.

Các bác sĩ cho rằng không có nhiều hy vọng cứu sống Erwin. Các chỉ huy muốn đảm bảo Erwin sẽ nhận được Huân chương Danh dự, phần thưởng cao quý nhất của quân đội Mỹ, trước khi chết. Tuy nhiên, việc lấy huy chương sẽ mất nhiều thời gian và các bác sĩ đều cho rằng Erwin sẽ không thể chờ đợi được.

Căn cứ quân sự tại Trân Châu Cảng có một huy chương để trưng bày. Họ vội gửi nó đến Guam và trao cho Erwin ngày 19/4.

Trái với mọi dự đoán, Erwin sống sót và được đưa về Mỹ, trải qua 41 cuộc phẫu thuật trong 30 tháng. Anh khôi phục được thị lực và sử dụng được cánh tay phải của mình. Tháng 10/1947, Erwin xuất ngũ với cấp bậc thượng sĩ và nhiều huân huy chương cao quý trong quân đội.

Duy Sơn (Theo War History)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét