Các nhà điều tra nghi ngờ phanh khẩn cấp của hệ thống cáp treo đã bị vô hiệu hóa nhiều lần trong nhiều năm để tránh phải dừng hoạt động.
Báo chí Italy hôm 28/5 đưa tin công tố viên nghi ngờ nhiều công nhân tại điểm vận hành cáp treo ở miền bắc đất nước, nơi xảy ra thảm họa rơi cáp treo khiến 14 người thiệt mạng hôm 23/5, từ lâu đã biết hệ thống phanh khẩn cấp bị vô hiệu hóa nhưng không lên tiếng hoặc hành động để giải quyết vấn đề này.
Các nhà điều tra cho rằng phanh có thể bị vô hiệu hóa nhiều lần suốt nhiều năm để tránh phải dừng hoạt động. Ba người thuộc công ty quản lý cáp bị bắt thừa nhận đã cố tình tắt phanh khẩn cấp sau nhiều lần phanh khặp sự cố, thay vì sửa nó, vì không muốn bị thiệt hại kinh tế khi cáp treo phải ngừng hoạt động kéo dài để sửa chữa.
Giới chức Italy sẽ tiếp tục điều tra hệ thống cáp gắn với cabin để xem nguyên nhân đứt cáp phải chăng do hệ thống phanh bị vô hiệu hóa. Có thể sẽ thêm nhiều người nữa bị bắt giữ.
"Đó là lỗi của tôi. Tôi vô cùng cắn rứt lương tâm. Tôi đã cầu nguyện, đã dằn vặt bản thân. Tôi sẽ tạ lỗi với Chúa", Gabriele Tadini, giám đốc công ty vận hành cáp treo, nói.
Tadini không ngờ tuyến cáp treo sẽ gây tai nạn.
"Cáp ở trong tình trạng tốt, không có dấu hiệu bị mòn. Tai nạn xảy ra là xác suất một trên một triệu", ông ta nói.
Cáp treo chở 15 người chiều 23/5 đã đi đến gần ga cuối trên đỉnh núi Mottarone cao 1.500 mét thì bất ngờ trôi về phía sau. Xe cáp trượt dài hàng trăm mét ở độ cao hơn 12 mét, va vào trụ cáp và lao xuống đất.
Xe cáp đâm mạnh xuống sườn núi, khiến một số người bên trong văng ra ngoài. Nó tiếp tục lăn nhiều vòng trước khi mắc vào rừng thông. Tổng cộng 14 người thiệt mạng, chỉ một bé trai 5 tuổi sống sót nhờ được bố ôm chặt vào lòng, đang điều trị trong bệnh viện và đã tỉnh lại.
Hồng Hạnh (Theo Time of Israel)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét