Tỷ phú Elon Musk đã mất khoảng 200 tỷ đô la trong năm 2022, trở thành người đầu tiên trên thế giới mất số tiền lớn đến vậy, Bloomberg đưa tin hôm 31/12.
Theo báo cáo, tỷ phú Musk có tài sản ròng trị giá 340 tỷ đô la sau khi giá trị vốn hóa thị trường của Tesla đạt 1 nghìn tỷ đô la vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, khối tài sản này hiện giảm xuống chỉ còn 146 tỷ đô la.
Các nhà phân tích cho rằng khoản lỗ này là do giá trị của cổ phiếu Tesla, vốn đã giảm mạnh 65% trong năm nay. Tình hình ngày càng trầm trọng hơn trong những tuần sau khi Elon Musk mua lại Twitter.
Để có tiền mua lại nền tảng truyền thông xã hội Twitter, Musk đã bán hàng loạt cổ phiếu Tesla khiến nhà đầu tư tin rằng ông đang ưu tiên Twitter hơn Tesla.
Tuy nhiên, tỷ phú này đã nhiều lần bác bỏ những lo ngại về Tesla, tuyên bố trên Twitter vào đầu tháng này rằng nó “đang hoạt động tốt hơn bao giờ hết”.
Cách đây không lâu, Elon Musk đã mất ngôi vị "người giàu nhất thế giới" trên bảng thống kê thời gian thực của Forbes. Theo bảng xếp hạng sáng 1/1, Elon Musk đang đứng ở vị trí thứ hai. Đứng đầu là Bernard Arnault (73 tuổi), Giám đốc điều hành LVMH, công ty mẹ của thương hiệu xa xỉ Louis Vuitton.
Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới trong danh sách của Forbes từ tháng 9/2021 sau khi vượt qua người sáng lập Amazon Jeff Bezos.
Các hoạt động "ngoại giao cây tre" trong năm 2022 giúp Việt Nam giữ vững thế ổn định và vươn lên giữa tình hình quốc tế biến động phức tạp, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.
Trong bài viết được Bộ Ngoại giao công bố hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định thế giới năm 2022 trải qua nhiều biến động lớn, có những diễn biến nhanh, phức tạp và ngoài dự báo thông thường, khiến nguyện vọng hòa bình, hợp tác và liên kết để phát triển của các quốc gia và dân tộc đứng trước nhiều thách thức.
Bộ trưởng nhận định những thách thức này do "cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, chạy đua vũ trang, bất ổn chính trị - xã hội gia tăng ở nhiều nước". Thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh, tiếp tục nổi lên, tiến trình phục hồi sau Covid-19 gặp trắc trở do hệ lụy kéo dài của đại dịch.
Tuy nhiên, với trường phái "ngoại giao cây tre", Việt Nam vẫn giữ vững thế ổn định và vươn lên nhờ "kiên định độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc".
Chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng "uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo, cơ động trong sách lược, ứng xử với phương châm 'dĩ bất biến, ứng vạn biến', bình đẳng, hợp tác cùng có lợi", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá.
Bộ trưởng nhận định thành tựu nổi bật nhất của hoạt động đối ngoại Việt Nam năm 2022 là củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Việt Nam cũng tiếp tục phát huy vai trò và đóng góp tích cực, có trách nhiệm tại các cơ chế cùng diễn đàn đa phương quan trọng như LHQ, ASEAN, APEC và hợp tác tiểu vùng Mekong.
Việt Nam năm qua được bầu vào nhiều vị trí tại các tổ chức quốc tế quan trọng như Phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022-2026.
Ngoại giao kinh tế góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút nhiều nguồn lực bên ngoài, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước.
Ngoại giao văn hóa kết hợp chặt chẽ với ngoại giao kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và thành tựu phát triển của Việt Nam ra thế giới.
Việt Nam cũng đạt kết quả quan trọng trong bảo hộ công dân như sơ tán an toàn hơn 6.000 công dân và kiều bào tại Ukraine, đưa về nước khoảng 1.200 công dân bị cưỡng bức lao động tại Campuchia, bảo hộ hàng trăm ngư dân, tàu cá cũng như quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định bản sắc "ngoại giao cây tre" Việt Nam được phát huy trong từng hoạt động đối ngoại, qua đó "khẳng định một Việt Nam bản lĩnh bản lĩnh, chân thành, thủy chung, tin cậy và có trách nhiệm".
Tổng thống Putin có bài phát biểu chúc mừng năm mới 2023 được đánh giá dài bất thường, chủ yếu xoay quanh chiến sự Nga - Ukraine.
"Các quân nhân, dân quân và tình nguyện viên Nga đang chiến đấu vì quê hương của chúng ta, vì sự thật và công lý để đảm bảo hòa bình, an ninh cho nước Nga", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong thông điệp năm mới được phát sóng đêm 31/12/2022.
"Tất cả họ là anh hùng của chúng ta. Họ đang mang gánh nặng lớn nhất. Bằng cả trái tim mình, tôi gửi lời chúc mừng năm mới tới mọi người đang tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Putin nói.
Bài phát biểu được đánh giá dài bất thường của ông Putin chủ yếu xoay quanh chiến sự Nga - Ukraine. Địa điểm phát biểu khác so với mọi năm, khi ông Putin đứng trước các quân nhân Nga tại trụ sở Quân khi miền Nam, thay vì sân Điện Kremlin như truyền thống.
Ông Putin nhận định các sự kiện trong năm 2022 cho thấy Nga, "đất nước đa sắc tộc của chúng ta thể hiện lòng dũng cảm và phẩm giá của mình, như đất nước này luôn thể hiện trong những thời kỳ khó khăn". Ông Putin cũng ca ngợi quân đội và nhân dân Nga.
Tổng thống Putin nhận định 2022 là năm "đầy lo lắng và băn khoăn", nhiều quyết định khó khăn nhưng cần thiết đã được đưa ra, đất nước "đã thực hiện những bước đi quan trọng để đạt được chủ quyền đầy đủ của Nga và củng cố xã hội của chúng ta".
"Đây là một năm của những sự kiện quan trọng và mang tính quyết định, đặt nền móng cho tương lai chung, cũng như nền độc lập thật sự của chúng ta. Đây là những gì chúng ta đang đấu tranh ngày hôm nay", ông Putin nói.
"Chúng ta đang bảo vệ người dân trên những vùng đất lịch sử của mình, những lãnh thổ cấu thành mới của Liên bang Nga", ông Putin đề cập tới 4 tỉnh Lugansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson mà Nga sáp nhập sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9/2022.
Ông Putin nói không chỉ Nga mà cả thế giới trong năm qua trải qua thay đổi đáng kể, đồng thời tuyên bố nỗ lực gây tổn hại Nga của phương Tây, vốn ủng hộ Ukraine trong xung đột đang diễn ra, đã thất bại.
"Nga đã sống dưới các lệnh trừng phạt từ sau sự kiện ở Crimea năm 2014. Tuy nhiên, cuộc chiến trừng phạt tổng lực nhằm vào chúng tôi năm nay được công bố. Những ai chủ mưu cuộc chiến này dự đoán các ngành công nghiệp, tài chính và giao thông vận tải của chúng tôi sẽ sụp đổ. Điều này đã không xảy ra", ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Putin cũng cáo buộc phương Tây nói dối Nga về hòa bình và kích động Moskva phát động chiến dịch quân sự. "Họ đã chuẩn bị cho một cuộc xâm lược và giờ họ đang lợi dụng Ukraine, cũng như người dân nước này, nhằm làm suy yếu và chia rẽ nước Nga", ông Putin nói. "Chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ cho phép bất cứ ai làm điều này với chúng tôi".
"Cầu mong những lời nói chân thành và tình cảm cao đẹp cho chúng ta tất cả sức mạnh tinh thần cùng niềm tin rằng chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, giữ cho đất nước chúng ta tiếp tục độc lập và vĩ đại, chúng ta sẽ tiến lên giành chiến thắng vì lợi ích của các gia đình và của nước Nga, vì tương lai của Tổ quốc yêu dấu và duy nhất của chúng ta. Chúc mừng năm mới, các bạn thân mến, chúc mừng năm mới 2023, ông Putin nói.
Tổng thống Putin đưa ra bài phát biểu trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine đã diễn ra hơn 10 tháng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ukraine gần đây mở các đợt phản công và tái kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ. Trong khi đó, Nga tăng cường tập kích quy mô lớn vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Các cuộc đàm phán của hai bên cũng đình trệ từ cuối tháng 3 khi không tìm được tiếng nói chung về điều kiện chấm dứt chiến sự.
Ông Benedict XVI đã đối mặt nhiều sóng gió của Giáo hội Công giáo trong 8 năm lãnh đạo và trở thành giáo hoàng đầu tiên từ chức kể từ thời Trung cổ.
Tòa thánh Vatican thông báo cựu giáo hoàng Benedict XVI đã qua đời tại Tu viện Mater Ecclesiae ngày 31/12, thọ 95 tuổi. Tang lễ dự kiến được tổ chức ở Vatican vào ngày 5/1/2023, do Giáo hoàng Francis chủ trì.
Cựu giáo hoàng Benedict XVI có tên thật là Joseph Aloisius Ratzinger, sinh vào ngày 16/4/1927, tại thị trấn nhỏ Marktl am Inn trong vùng Bavaria ở miền nam nước Đức.
Vào Thế chiến II, ông bị ép tham gia lực lượng bán quân sự Thanh niên Hilter vào năm 1941 dù gia đình có lập trường phản đối chủ nghĩa phát xít. Sau một thời gian, ông quyết định đi tu và đến năm 1951 được thụ phong linh mục. Ông giảng dạy tại một số trường đại học, trong đó có Bonn và Regensburg, sau đó đến Rome làm cố vấn cho Hội đồng Vatican II từ năm 1962 đến năm 1965.
Ông Ratzinger được chọn làm Tổng giám mục Tổng giáo phận Munich vào năm 1977, sau đó được tấn phong hồng y. Năm 1981, ông được chọn làm Tổng trưởng của Thánh bộ Giáo lý Đức tin, cơ quan thuộc Tòa thánh Vatican mà tiền thân là Tòa án thẩm giáo. Vị trí này trao cho ông trách nhiệm và quyền hạn tuyệt đối để điều tra những trường hợp vi phạm quy định đạo đức của chức sắc Công giáo.
Ngày Giáo hoàng John Paul II qua đời, truyền thông bắt đầu đồn đoán ông Ratzinger sẽ được bầu làm người kế nhiệm. Ngày 19/4/2005, Mật nghị Hồng y chọn nhà thần học 78 tuổi làm tân giáo hoàng. Giai đoạn 8 năm ông giữ vị trí giáo hoàng là lúc Vatican đứng trước nhiều thách thức to lớn.
Giáo hội trong thập niên đầu thế kỷ 21 bị đánh giá là mất dần sức ảnh hưởng lẫn số lượng tín đồ vì thiếu điều chỉnh để bắt kịp với những thay đổi của xã hội hiện đại. Ông Benedict được cho là không mang đến làn gió mới cho Vatican khi nổi tiếng là người bảo vệ các giá trị và đức tin truyền thống.
Ông nhận vị trí giáo hoàng vào thời điểm những bê bối về linh mục lạm dụng tình dục trong các nhà thờ, giáo phận Công giáo bị phanh phui trên khắp thế giới. Phần lớn nạn nhân là trẻ em. Vatican bị cuốn vào cơn bão chỉ trích với cáo buộc ém thông tin một cách có hệ thống các vụ bê bối, cho phép các giáo phận tự điều chuyển linh mục và dàn xếp bồi thường trong im lặng cho các nạn nhân.
Đứng ở tâm bão là Giáo hoàng Benedict do ông từng đứng đầu cơ quan điều tra nội bộ về đức tin của Tòa thánh Vatican. Giữa sức ép dư luận, ông Benedict đã công khai xin lỗi các tín đồ và nạn nhân về những vụ bê bối liên quan đến giáo hội trên khắp thế giới. Ông trở thành giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử trực tiếp nhìn nhận và bày tỏ "sự hối tiếc sâu sắc" về vấn nạn này tại các nhà thờ. Ông cũng gặp trực tiếp các nạn nhân.
Năm 2010, Giáo hoàng Benedict thừa nhận giáo hội "không tiến hành các biện pháp cần thiết nhanh chóng và cứng rắn" đối với vấn nạn lạm dụng tình dục, dẫn đến hậu quả làm hoen ố nghiêm trọng hình ảnh. Dù vậy, những chia sẻ của Giáo hoàng vẫn không đủ để làm nguôi ngoai dư luận. Nhiều nhà hoạt động tiếp tục chỉ trích ông Benedict chưa quyết tâm xử phạt những linh mục vi phạm và trả lại công bằng cho nạn nhân.
Bên cạnh cuộc khủng hoảng về uy tín của giáo hội giữa sóng gió bê bối, Giáo hoàng Benedict vẫn để lại nhiều dấu ấn về bảo vệ các diễn giải truyền thống trong Công giáo về vấn đề phá thai hay an tử. Ông cũng nỗ lực kìm chế xu hướng thế tục ở châu Âu và bảo vệ vai trò của nhà thờ trong dẫn dắt đời sống tinh thần của người dân châu lục.
Dù vậy, lập trường của cựu giáo hoàng cũng gây nhiều tranh cãi khi thiếu cởi mở với các vấn đề hôn nhân đồng tính, sắc phong linh mục cho nữ giới hay hôn nhân trong giới linh mục. Những quan điểm của Tòa thánh Vatican vào thời điểm đó chịu một số chỉ trích là xa cách với xu hướng mới của xã hội phương Tây.
Năm 2006, ông khiến cộng đồng Hồi giáo tức giận với phát ngôn gây tranh cãi, ủng hộ cách nhìn nhận rằng Hồi giáo có bản chất bạo lực. Mâu thuẫn này đã dẫn đến làn sóng biểu tình bạo lực ở một số nước và các vụ tấn công nhắm vào tín đồ Công giáo. Dù vậy, Giáo hoàng Benedict cũng nỗ lực đóng góp cho hòa bình ở Trung Đông khi đến thăm Jerusalem vào năm 2009, ủng hộ giải pháp hai nhà nước Israel - Palestine cùng tồn tại để chấm dứt xung đột.
Ông ủng hộ nâng cao vai trò của tôn giáo trong thế giới hiện đại, tăng cường đối thoại giữa những đức tin khác nhau và phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản thiếu kiểm soát. Những lời kêu gọi của ông thể hiện sự đồng cảm với người lao động khắp thế giới giữa giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Giáo hoàng Benedict cũng từng khiến các nhà hoạt động chống đại dịch AIDS tức giận với phát ngôn tại châu Phi rằng bao cao su khiến cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng. Tuy nhiên, ông sau đó trở thành giáo hoàng đầu tiên tán thành tín đồ sử dụng bao cao su trong một số trường hợp đặc biệt nhằm tránh lây nhiễm HIV.
Peter Seewald, người viết tiểu sử về cựu giáo hoàng Benedict, mô tả ông là "một người đàn ông hết mực bình dị, kẹt trong những vòng xoáy ở trên đỉnh cao nhất nhưng vẫn luôn giữ tính khiêm nhường và tấm lòng ấm áp".
Tuy nhiên, ông đã không thể kiểm soát được những mâu thuẫn trong nội bộ Vatican vào giai đoạn ông đứng đầu Tòa thánh. Năm 2012, thư ký của ông đã tiết lộ cho truyền thông nhiều mật thư, hành động được cho là phản bội lại niềm tin của Giáo hoàng và làm ông cảm thấy tổn thương nghiêm trọng. Nhiệm kỳ của ông lún sâu thêm trong rắc rối khi ngân hàng Vatican bị cáo buộc rửa tiền.
Tháng 2/2013, ông Benedict gây sốc với quyết định từ chức ở tuổi 85, với lý do sức khỏe và tinh thần không còn đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của Tòa thánh Vatican. Lần gần nhất một giáo hoàng từ chức là năm 1415, vào thời Trung cổ.
Ông chọn trở thành giáo hoàng danh dự và lui vào cuộc sống kín tiếng, dành thời gian cho nghiên cứu thần học, cầu nguyện và chơi đàn piano ở tu viện. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3/2021, ông bác bỏ tất cả hoài nghi từ giới tín đồ "cực đoan" rằng mình bị ép từ chức.
"Chỉ có một giáo hoàng", ông tuyên bố ủng hộ người kế nhiệm mình, Giáo hoàng Francis.
Cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc trao cho lãnh đạo Hong Kong quyền cấm luật sư nước ngoài tham gia các vụ án liên quan tới an ninh quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc (NPCSC) ngày 30/12 ra quy định các tòa án Hong Kong phải được trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lý Gia Siêu phê duyệt trước khi chấp nhận bất kỳ luật sư nước ngoài nào tham gia các vụ án liên quan an ninh quốc gia.
Việc bên công tố và bào chữa sử dụng luật sư nước ngoài từ lâu là một phần trong truyền thống pháp lý ở Hong Kong. Ông Lý nói trong cuộc họp báo ngày 31/12 rằng quy định "có phạm vi áp dụng rất nhỏ" vì họ chỉ xem xét liệu các luật sư nước ngoài có được phép tham gia các vụ án an ninh quốc gia hay không.
"Ngoài các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia, họ luôn được chào đón miễn là đáp ứng các thủ tục để được tòa án chấp thuận", ông nói, đề cập tới các luật sư nước ngoài.
Trước đó, tòa án ở Hong Kong tháng này hoãn phiên xét xử trùm truyền thông Jimmy Lai tới tháng 9 năm sau, để dành thời gian cho NPCSC ra quyết định về vấn đề luật sư nước ngoài. Hồi tháng 11, ông Lý đã đề nghị NPCSC cân nhắc vấn đề sau loạt nỗ lực thất bại của cơ quan tư pháp nhằm ngăn luật sư người Anh Timothy Owen bào chữa cho Lai.
Jimmy Lai bị cảnh sát Hong Kong bắt tháng 8/2020 do tình nghi cấu kết với thế lực nước ngoài và lừa đảo, có thể lĩnh án chung thân nếu bị kết tội. Ông Lai cũng đối mặt cáo buộc nổi loạn liên quan đến tờ Apple Daily, bị buộc phải đóng cửa tháng 6/2021 sau khi cảnh sát đột kích trụ sở và giới chức Hong Kong đóng băng tài sản tờ báo này.
Luật an ninh quốc gia được Trung Quốc ban hành ở Hong Kong vào cuối tháng 6/2020, hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hong Kong vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.
Cựu giáo hoàng Benedict qua đời tại Tu viện Mater Ecclesiae ở Vatican hôm nay, thọ 95 tuổi.
"Tôi vô cùng thương tiếc báo tin cựu giáo hoàng Benedict XVI đã qua đời lúc 9h34 (15h34 giờ Hà Nội) hôm nay tại Tu viện Mater Ecclesiae ở Vatican", Matteo Bruni, người phát ngôn của Tòa thánh Vatican, cho biết.
Vatican nói thêm rằng di hài cựu giáo hoàng sẽ được quàn tại Vương cung thánh đường Thánh Peter và các tín đồ có thể đến viếng từ ngày 2/1/2023. Tang lễ dự kiến được tổ chức tại Vatican vào ngày 5/1/2023 và do Giáo hoàng Francis chủ trì.
Ông Benedict, tên khai sinh là Joseph Ratzinger, sinh ra ở Bavaria và được phong giáo hoàng vào năm 2005. Ông thường chỉ trích việc tàn phá môi trường và là người bảo thủ về những vấn đề tôn giáo.
Ông đã từ chức vào năm 2013 với lý do sức khỏe ngày càng giảm sút và người kế nhiệm là Giáo hoàng Francis. Ông là giáo hoàng gốc Đức đầu tiên trong 500 năm qua và cũng là giáo hoàng đầu tiên từ chức kể từ thời Trung cổ.
Cựu giáo hoàng đã có cuộc sống bình lặng tại tu viện Mater Ecclesiae sau khi từ chức. Sức khỏe của ông giảm sút trong thời gian dài, nhưng Vatican hôm 28/12 tiết lộ tình hình của ông ngày càng nghiêm trọng. Giáo hoàng Francis đã kêu gọi người Công giáo trên toàn thế giới cầu nguyện cho ông.
Hồng y Vincent Nichols, người đứng đầu Giáo hội Công giáo La Mã ở Anh và xứ Wales, gọi ông Benedict là "một trong những nhà thần học vĩ đại nhất thế kỷ 20". "Với những người ông gặp, ông luôn thể hiện sự lịch thiệp, hòa nhã, tinh tế và cởi mở", Hồng y Nichols nói.
Tay nắm cửa phòng tắm bất ngờ rơi ra khiến Yang mắc kẹt trong phòng tắm 4 ngày trước khi được lực lượng cảnh sát Singapore giải cứu.
Lực lượng cảnh sát Singapore tuần này công bố trên mạng xã hội câu chuyện về Yang, người phụ nữ Trung Quốc 31 tuổi, sống một mình trong căn hộ ở chung cư Nottinghill Suites tại đường Toh Tuck, Singapore. Chiều 24/11, cô bước vào phòng tắm và đóng cửa. Tay nắm cửa rơi ra khiến Yang không thể mở lại cửa.
Không mang theo điện thoại, Yang chỉ biết dựa vào chính mình. Đầu tiên cô cố gắng đập cửa thật to, hy vọng âm thanh sẽ thu hút sự chú ý của những người ở gần đó. Tuy nhiên, cách này không có kết quả.
Yang sau đó cố gắng lắp lại tay nắm cửa bằng kim loại vào cánh cửa gỗ của phòng tắm, nhưng cũng không thành công. Cô thử sử dụng cả hóa chất làm sạch đường ống vì nghĩ rằng nó có thể ăn mòn cánh cửa, nhưng vô dụng.
"Tôi bắt đầu đập phá cánh cửa từ sáng sớm, hy vọng có ai đó nghe thấy tiếng", Yang kể sau khi được cứu, thêm rằng cô thậm chí còn đập vào mọi thứ có trong phòng tắm nhưng không hiệu quả.
"Tôi không đặt quá nhiều hy vọng. Tôi thậm chí không biết liệu mọi người có thể nghe thấy tiếng ồn mà tôi tạo ra hay không. Tôi chỉ cố nắm lấy mọi cơ hội và thử vận may của mình", cô nói.
Tuy nhiên, cô không la hét để tìm kiếm giúp đỡ. "Nhà vệ sinh của tôi không có cửa sổ, nên tôi thấy việc la hét cầu cứu rất kỳ cục", cô nói.
Lúc này, cô chỉ có thể đặt hy vọng vào bố mẹ đang sống ở Trung Quốc, những người luôn liên lạc với cô mỗi ngày qua điện thoại. Cô tin họ chắc chắn sẽ cảm thấy bất thường khi không liên lạc được với con gái và tìm ra cách giải cứu cô.
Yang sau đó cố kiềm chế hoảng loạn trong thời gian chờ đợi. Cô nhớ một số lời dạy của cha. "Ông từng nói với tôi rằng con người có thể sống mà không cần thức ăn trong ba ngày, nhưng không thể thiếu nước uống. Phòng tắm có nước và có thể trao đổi không khí. Với cân nặng hiện tại, tôi có thể sống sót trong nhiều ngày", Yang tự mô tả mình hơi "thừa cân" và không cảm thấy đói trong những ngày bị mắc kẹt.
Cô chia sẻ trong thời gian đó, cô dành phần lớn thời gian để ngủ khi ngồi trên bồn cầu. Những lúc thức, cô suy nghĩ về các vấn đề trong công việc và cách giải quyết chúng. Đồng thời, cô cũng nghĩ cách để ngăn mình rơi vào tình huống tương tự lần nữa.
Yang chia sẻ rằng sự cố đáng lẽ đã không xảy ra nếu cô chịu thay tay nắm cửa sớm hơn. Cô biết tay nắm có dấu hiệu hỏng từ lâu, nhưng vẫn cố sử dụng. "Một phần vì tôi thấy nó vẫn có thể dùng được và một phần vì bận rộn", cô nói.
Yang nghĩ cô có lẽ cần đặt thêm một chiếc điện thoại và thường xuyên sạc đầy pin trong nhà tắm, hoặc đeo đồng hồ thông minh để có thể cầu cứu khi cần.
Sự tin tưởng của cô dành cho bố mẹ cuối cùng đã được đền đáp. Sau khi không liên lạc được với con gái, bố mẹ Yang đã liên hệ với anh họ cô ở Singapore. Người này đã tới căn hộ để tìm cô, nhưng không có được thông tin gì. Anh của Yang đã nhanh chóng liên hệ với cảnh sát vào ngày 27/11, nói rằng anh và gia đình không thể liên lạc với cô trong 4 ngày qua.
Khi tới khu chung cư, cảnh sát đã hỏi hàng xóm và họ nói không thấy Yang trong 3-4 ngày. Họ cũng thấy có bưu kiện được để bên ngoài căn hộ nhưng chưa có người nhận.
"Linh tính và kinh nghiệm mách bảo chúng tôi rằng cô ấy có thể vẫn ở trong nhà nhưng gặp sự cố", sĩ quan cảnh sát Singapore Ibnu Musalli nói.
Với sự giúp đỡ của bảo vệ tòa nhà, cảnh sát đã tiếp cận căn hộ và nghe thấy những âm thanh gõ cửa yếu ớt phát ra từ phòng tắm. Yang đã được giải cứu vào đêm 27/11.
Sau khi được giải cứu và được nhân viên y tế kết luận không có gì đáng ngại về sức khỏe, Yang đã tự đặt một bữa lẩu để lấy lại sức. Cô cũng nhanh chóng liên hệ với cha mẹ để báo rằng bản thân vẫn ổn.
"Tôi rất biết ơn cha mẹ tôi. Tôi nói mình rất cảm kích những gì họ đã làm và tôi rất vui vì có họ", cô kể.
Sau khi được ân xá, cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak xin lỗi và cảm ơn những người ủng hộ đã cầu nguyện cho ông 5 năm qua.
"Tôi vô cùng xin lỗi vì đã khiến mọi người phải lo lắng", cựu tổng thống 81 tuổi nói hôm 30/12, khi chuẩn bị trở về nhà từ một bệnh viện ở thủ đô Seoul, nơi ông đang điều trị bệnh tiểu đường và các bệnh mạn tính khác.
Khoảng 300 người ủng hộ đã tập trung chào đón ông Lee Myung-bak sau khi quyết định ân xá cho cựu tổng thống được công bố. Họ hô tên ông Lee và giơ các khẩu hiệu như "Chúng tôi yêu ngài. Hãy luôn khỏe mạnh", "Ngài đã phải trải qua nhiều chuyện", khi ông Lee từ bệnh viện về nhà.
"Tôi cũng xin cảm ơn nhiều người, kể cả những người trẻ tuổi, đã ủng hộ và cầu nguyện cho tôi 5 năm qua", ông nói thêm với giọng điềm tĩnh trong bài phát biểu chưa đầy ba phút, kết thúc bằng cái cúi đầu nhẹ.
Cựu tổng thống có vẻ đi khập khiễng, nhưng ông cố gắng đi bộ khoảng 10 phút về nơi ở để bắt tay người ủng hộ đang đợi phía sau hàng rào cảnh sát.
Ông Lee, người giữ chức tổng thống Hàn Quốc từ năm 2008 đến 2013, bị bắt hồi tháng 3/2018 và bị truy tố với 16 cáo buộc hình sự, trong đó có tham ô liên quan đến công ty phụ tùng ô tô DAS, và nhận hối lộ.
Công tố viên cho biết hầu hết các hành vi sai phạm của ông Lee diễn ra trong thời gian làm tổng thống, hoặc khi còn là ứng viên trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007. Ông Lee còn bị cáo buộc nhận khoảng 10 triệu USD tiền hối lộ từ Samsung Electronics, cơ quan tình báo Hàn Quốc và cựu giám đốc điều hành một ngân hàng lớn.
Ông Lee Myung-bak phủ nhận các cáo buộc, khẳng định mình vô tội và việc truy tố ông là đòn "trả thù chính trị" của chính quyền tổng thống khi đó là Moon Jae-in, do cái chết của cựu tổng thống Roh Moo-hyun, người tiền nhiệm của Lee.
Ông Moon Jae-in từng là trợ lý cấp cao của ông Roh. Cựu tổng thống Roh tự sát năm 2009 khi bị điều tra về hành vi tham nhũng liên quan tới gia đình ông.
Năm 2020, Tòa án Tối cao tuyên án ông Lee Myung-bak 17 năm tù, nộp phạt 13 tỷ won (10,9 triệu USD) và bị tịch thu 5,7 tỷ won (5 triệu USD). Kể từ tháng 6, ông Lee phải nằm viện sau khi được cơ quan công tố đình chỉ án tù vì lý do sức khỏe.
Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Han Dong-hoon hôm 27/12 cho biết cựu tổng thống Lee Myung-bak nằm trong danh sách hơn 1.300 người được ân xá đặc biệt "theo quan điểm đoàn kết dân tộc thông qua hòa giải, khoan dung và suy xét kỹ càng". Tuyên bố được ông Han đưa ra sau cuộc họp nội các với Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Lệnh ân xá đặc biệt này đồng nghĩa ông Lee được miễn chấp hành khoảng 15 năm tù còn lại, cũng như khoảng 8,2 tỷ won (6,5 triệu USD) tiền phạt chưa nộp.
Theo các nguồn tin, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã nói chuyện điện thoại với ông Lee khoảng hai phút sau khi ông về nhà. Tổng thống chúc ông Lee chóng khỏe và đề nghị ông đóng góp cho đất nước và người dân. Ông Lee cảm ơn ông Yoon và nói rằng chân thành cầu mong chính quyền Tổng thống Yoon sẽ thành công.
Ông Lee không đề cập cảm nhận về lệnh ân xá đặc biệt, nói rằng sẽ có cơ hội khác để nói về vấn đề này.
Tổng thư ký NATO nói Tổng thống Putin chưa từ bỏ kế hoạch "kiểm soát Ukraine" và cảnh báo không nên đánh giá thấp Nga.
"Không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Putin thay đổi mục tiêu tổng thể của mình trong cuộc xung đột này, đó là kiểm soát Ukraine", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 30/12 đánh giá, đồng thời cho biết Nga "đã huy động thêm nhiều quân nhân và thể hiện sẵn sàng chịu đựng những tổn thất đau đớn".
Tổng thư ký NATO cũng kêu gọi các đồng minh hỗ trợ quân sự cho Ukraine "để thuyết phục Tổng thống Putin rằng ông ấy sẽ không đạt được mục tiêu kiểm soát Ukraine". Ông Stoltenberg nhận định hỗ trợ quân sự cho Ukraine "là con đường ngắn nhất dẫn đến hòa bình, dù điều này nghe có vẻ nghịch lý".
"Đây chưa phải kết thúc. Chiến sự không thể đoán trước, song chúng ta phải chuẩn bị cho chặng đường dài và cả những đợt tiến công mới của Nga. Chúng ta không nên đánh giá thấp Nga", ông Stoltenberg nói.
Tổng thư ký NATO cho rằng gần như mọi cuộc chiến đều kết thúc trên bàn đàm phán và chiến sự Nga - Ukraine cũng vậy, đồng thời nhận định những gì Kiev có thể đạt được trong những cuộc đàm phán phụ thuộc chặt chẽ vào tình hình chiến sự.
Nga chưa bình luận về nhận định của Tổng thư ký NATO.
Xung đột Nga - Ukraine chưa hạ nhiệt sau hơn 10 tháng. Ukraine gần đây mở đợt phản công và tái kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ. Lực lượng Nga củng cố phòng tuyến tại nhiều nơi sau khi rút quân khỏi một số khu vực, đồng thời phát động các đợt tập kích quy mô lớn vào hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/12 thông báo quân đội nước này một ngày trước đó "mở đợt tập kích quy mô lớn với vũ khí chính xác cao phóng từ trên không và trên biển nhằm vào hệ thống kiểm soát quân sự và các cơ sở năng lượng đảm bảo hoạt động của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine".
Nga tuyên bố vô hiệu hóa toàn bộ mục tiêu được chỉ định trong đợt tập kích ngày 29/12, "làm đình trệ hoạt động sản xuất hoặc bảo trì vũ khí, cũng như tái triển khai lực lượng dự bị của Ukraine từ các khu vực phía tây". Trong khi đó, Ukraine tuyên bố bắn hạ 54 trong số 69 tên lửa của Nga trong đợt tập kích này.
Vụ hỏa hoạn ở tổ hợp khách sạn - sòng bạc Grand Diamond City của Campuchia khiến ít nhất 19 người chết, hơn 70 người bị thương, trong đó có nạn nhân người Việt Nam.
Tổ hợp khách sạn - sòng bạc ở Campuchia chìm trong biển lửa đêm 28/12 (Ảnh: KhmerTimes).
Trang tin Khmer Times dẫn lời ông Sek Sokhom, người đứng đầu Sở thông tin tỉnh Banteay Meanchey (Campuchia) cho hay, tính đến sáng nay 30/12, ít nhất 19 người thiệt mạng và 73 người bị thương nặng trong vụ cháy tổ hợp khách sạn - sòng bạc Grand Diamond City ở thị trấn biên giới Poipet.
Các nạn nhân chủ yếu là người Campuchia và Thái Lan, ngoài ra còn có người Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chức địa phương không công bố cụ thể danh tính cũng như số nạn nhân ở từng nước.
Ngọn lửa bùng lên ở tổ hợp khách sạn - sòng bạc Grand Diamond City từ khoảng 23h30 ngày 28/12. Đến tận 18h ngày 29/12, ngọn lửa mới cơ bản được khống chế dù vẫn còn những đám cháy nhỏ lẻ.
"Đám cháy rất lớn, lại ở bên trong sòng bạc, nên các vòi rồng rất khó tiếp cận", một lính cứu hỏa cho biết.
Cảnh sát trưởng Sao Saroeun cũng cho hay, rất khó để dập tắt hoàn toàn ngọn lửa bởi vì tổ hợp này cao 17 tầng, có nhiều phòng ốc, khiến lực lượng cứu hộ cũng rất khó tiếp cận những người còn mắc kẹt bên trong. Ông cho rằng, một số nạn nhân có thể vẫn đang mắc kẹt dưới đống đổ nát hoặc trong các phòng bị bít kín.
Có nạn nhân người Việt trong vụ cháy sòng bạc ở Campuchia
Một số video chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy một số nạn nhân nhảy từ tầng cao của tòa nhà xuống để thoát khỏi đám cháy. Trong khi đó, một video do lực lượng cứu hộ đăng tải cho thấy những tiếng gào thét cầu cứu người mắc kẹt trên tầng thượng của tòa nhà.
Ngoài ra, lực lượng cứu hộ cũng nghe được tiếng cầu cứu phát ra từ tầng 13, 14, 15 của tòa nhà, một số nạn nhân ra hiệu bằng cách vẫy tay hoặc dùng đèn flash của điện thoại.
Đến chiều tối 29/12, ngọn lửa mới cơ bản được khống chế (Ảnh: AP).
Khoảng 11 xe cứu hỏa cùng với các trực thăng và hơn 300 cảnh sát, lính cứu hộ đã tham gia dập lửa và giải cứu nạn nhân. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp không ít khó khăn do tòa nhà nhiều phòng ốc, khói dày đặc.
"Hiện giờ, chúng tôi cố gắng đưa thi thể các nạn nhân ra ngoài. Tôi e rằng khó tìm thấy người sống sót bởi vì khói rất dày", Montri Khaosa-ard, thành viên một tổ chức tình nguyện tham gia cứu hộ, cho biết chiều 29/12.
Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn, song theo đánh giá ban đầu, đây có thể là hậu quả của một vụ chập điện do sử dụng quá tải cho hoạt động trang trí dịp năm mới.
Soth Kimkolmony, người phát ngôn Ủy ban Quản lý Thảm họa Campuchia, cho hay Grand Diamond City có khoảng 500 nhân viên và thời điểm xảy ra hỏa hoạn có tới 1.000 khách thuê phòng tại đây.
Tổ hợp khách sạn - sòng bạc này rất gần biên giới Thái Lan và chỉ cách thủ đô Bangkok của Thái Lan khoảng 4 giờ lái xe.
Thị trấn Poipet của Campuchia nằm gần biên giới Thái Lan (Đồ họa: AFP).
Giới chức Campuchia cho biết vụ cháy tổ hợp sòng bạc - khách sạn ở Poipet khiến 19 người chết, khoảng 60 người bị thương, trong đó có người mang quốc tịch Việt Nam.
Ông Sek Sokhom, đứng đầu sở thông tin tỉnh Banteay Meanchey, miền tây Campuchia, nơi có thành phố Poipet, ngày 30/12 xác nhận ít nhất 19 người thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương trong vụ hỏa hoạn tại tổ hợp sòng bạc và khách sạn Grand Diamond City hôm 28/12.
Các nạn nhân thiệt mạng và bị thương là công dân đến từ nhiều nước, gồm Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam và Campuchia, ông Sek Sokhom cho hay. Ông không nói rõ nạn nhân người Việt trong vụ cháy thiệt mạng hay bị thương.
Trong khi đó, nhân viên cứu hộ Somboon Kwanoum, 53 tuổi, cho biết các nạn nhân tử vong được tìm thấy đều là người Thái Lan, dựa vào căn cước công dân của họ.
Đám cháy được dập tắt lúc 14h ngày 29/12 và giới chức đang tiếp tục tìm kiếm nhiều người mất tích.
Tổ hợp Grand Diamond City có 500 nhân viên và tiếp đón 1.000 khách hôm 28/12, Soth Kimkolmony, người phát ngôn Ủy ban Quản lý Thảm họa Quốc gia Campuchia, cho biết. Hiện chưa rõ có bao nhiêu người trong tòa nhà 17 tầng khi ngọn lửa bùng lên.
Ông Sek Sokhom cảnh báo thương vong có thể tăng khi lực lượng cứu hộ tiếp cận các khu vực trong tòa nhà. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy nguyên nhân hỏa hoạn có thể là tổ hợp trang trí mừng năm mới tiêu thụ quá nhiều điện, khiến dây điện quá tải và chập cháy.
Thái Lan đã triển khai lực lượng cứu hộ đến hỗ trợ giới chức Campuchia. Hoạt động tìm kiếm cứu hộ phải tạm dừng khi đêm xuống do không đảm bảo an toàn. Các bệnh viện ở tỉnh Sa Kaeo của Thái Lan cũng đã tiếp nhận điều trị hàng chục người.
Poipet là đầu mối giao thông nằm giữa thành phố Siem Reap của Campuchia và thủ đô Bangkok của Thái Lan, nổi tiếng với nhiều sòng bạc và là nơi sinh sống của nhiều công dân Thái Lan làm việc trong ngành này. Thái Lan cấm gần như toàn bộ hình thức đánh bạc, nhiều người nước này sang Campuchia để vào các sòng bạc tại đây.
Campuchia từ cuối thập niên 1990 bắt đầu phát triển ngành casino, dù cấm công dân nước này tham gia hoạt động bài bạc. Nhiều tổ hợp khách sạn - sòng bạc được Campuchia xây dựng dọc khu vực biên giới để thu hút du khách nước ngoài.
Nhiều chính trị gia trên thế giới như Tổng thống Mỹ, Tổng thống Pháp bày tỏ kính trọng và vinh danh Pele sau khi ông qua đời ở tuổi 82.
"Tôi có đặc ân mà những thanh niên Brazil không có, đó là tôi được xem trực tiếp Pele thi đấu ở Pacaembu và Morumbi. Chơi bóng ư, không phải. Tôi đã thấy Pele biểu diễn. Bởi khi có bóng, ông luôn làm điều gì đó đặc biệt, thường dẫn đến bàn thắng", Tổng thống đắc cử Brazil Luiz Inacio Lula da Silva chia sẻ hôm 29/12, sau khi gia đình Pele xác nhận ông qua đời ở bệnh viện thành phố Sao Paulo.
Chính phủ Brazil ra tuyên bố gọi Pele là một trong những vận động viên vĩ đại nhất mọi thời đại.
"Nhà vô địch thế giới ba lần duy nhất đã thể hiện bằng hành động rằng ngoài việc là vận động viên cừ khôi, ông còn là công dân và một người yêu nước vĩ đại, mang tên Brazil đến bất cứ nơi nào ông đến. Tổng thống Jair Bolsonaro cầu nguyện Chúa đón nhận ông trong vòng tay Ngài và ban cho tất cả gia đình, bạn bè của ông sức mạnh, niềm tin để vượt qua thời khắc khó khăn này", tuyên bố cho hay.
Trong các bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Bolsonaro cho rằng Pele đã giúp Brazil "được cả thế giới biết đến".
"Pele đã biến bóng đá thành hạnh phúc và nghệ thuật", Tổng thống sắp mãn nhiệm đăng trên các tài khoản mạng xã hội, cùng bức ảnh huyền thoại quá cố tạo dáng với chiếc áo thi đấu mà ông ký tặng ông Bolsonaro.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ca ngợi Pele là huyền thoại bóng đá và gửi lời chia buồn với gia đình ông.
"Đối với môn thể thao gắn kết thế giới lại với nhau, không giống bất kỳ môn thể thao nào khác, sự vươn lên của Pele từ khởi đầu khiêm tốn trở thành huyền thoại bóng đá là câu chuyện về những gì có thể", Tổng thống Mỹ bày tỏ.
Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina, quốc gia cùng khu vực Mỹ Latinh và được xem là đối thủ truyền kiếp của Brazil về bóng đá, cũng mô tả Pele là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử.
"Chúng tôi sẽ luôn nhớ những năm tháng khi Pele khiến cả thế giới kinh ngạc với kỹ năng của mình. Xin gửi cái ôm thật chặt tới gia đình của Pele và người dân Brazil, những người sẽ luôn nhớ đến ông", ông Fernandez đăng trên mạng xã hội.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi Pele là "Nhà vua" và cho rằng sự nghiệp cũng như danh tiếng của ông là "vĩnh cửu".
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni gửi lời cảm ơn đến những đóng góp của Pele cho thể thao thế giới. "Ông để lại dấu ấn ngay cả với những thế hệ không đủ may mắn để xem ông thi đấu. Hôm nay cả thế giới thương tiếc một huyền thoại mang tên Pele", ông Meloni cho hay.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama cũng mô tả Pele là "một trong những người vĩ đại nhất từng chơi những trận đấu đẹp.
"Là một trong những vận động viên nổi tiếng nhất trên thế giới, ông hiểu sức mạnh của thể thao trong việc gắn kết mọi người. Xin gửi lời chia buồn với gia đình ông và tất cả những người yêu mến, ngưỡng mộ ông", ông Obama cho hay.
Pele qua đời ở tuổi 82 sau thời gian chống chọi bệnh ung thư ruột kết. Trong những ngày được điều trị tại bệnh viện, ông vẫn giữ tinh thần lạc quan và theo dõi các trận đấu World Cup 2022.
"Chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự ra đi của Pele và xin gửi lời chia buồn tới người dân Brazil cùng gia đình ông. Pele làm việc không ngừng nghỉ để thúc đẩy thể thao như một công cụ cho hòa bình. Ông sẽ mãi được nhớ đến", Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) chia sẻ.
Biểu tượng bóng đá Brazil Pele, người ba lần vô địch World Cup và được xem là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại, qua đời ngày 29/12 ở tuổi 82.
Kely Nascimento, con gái của Pele, xác nhận trên Instagram rằng ông đã qua đời sau thời gian được điều trị tại Bệnh viện Albert Einstein, thành phố Sao Paulo, Brazil vì ung thư ruột kết, suy thận và tim.
"Tất cả những gì chúng con có là nhờ bố. Chúng con yêu bố vô cùng. Mong bố yên nghỉ", Kely đăng Instagram, cùng bức ảnh các thành viên gia đình nắm bàn tay Pele đang nằm trên giường bệnh.
Bệnh viện Albert Einstein cũng cho biết trong một tuyên bố rằng Pele qua đời do "suy đa tạng" sau thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư.
Những siêu sao bóng đá hiện nay như Messi, Neymar, Kylian Mbappe, hay cựu cầu thủ vĩ đại Franz Beckenbauer và Tổng thống đắc cử Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đều đồng loạt đăng lời chia buồn trên mạng xã hội.
"Yên nghỉ nhé, Pele", Messi cho hay, trong khi ngôi sao đồng hương với Pele, Neymar cho rằng ông đã "biến bóng đá thành nghệ thuật". Mbappe nhận định di sản của Pele "sẽ không bao giờ bị lãng quên" và Cristiano Ronaldo gọi ông là "nguồn cảm hứng cho hàng triệu người".
Thành phố Santos, quê hương của câu lạc bộ mà Pele đã chơi phần lớn sự nghiệp, tuyên bố 7 ngày để tang và người hâm mộ đổ xô đến sân vận động của đội để đặt hoa tưởng nhớ ông.
Nhiều người Brazil cũng đến bệnh viện nơi ông qua đời. "Pele là thần tượng vĩ đại nhất của chúng tôi, cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất mọi thời đại", Antonio Perera, 46 tuổi, người tới bệnh viện cùng con trai Luis Eduardo, 12 tuổi, cho hay.
Pele sinh ngày 23/10/1940 tại thành phố Tres Coracoes, đông nam Brazil và được đặt tên Edson Arantes do Nascimento, theo tên nhà phát minh người Mỹ Thomas Edison. Ông lớn lên bằng nghề bán đậu phộng trên đường phố để giúp gia đình nghèo khó của mình trang trải cuộc sống. Ông sớm được đặt biệt danh Pele do phát âm sai từ Bile, tên thủ môn tại Vasco de Sao Lourenco, nơi cha của ông từng thi đấu.
Pele chói sáng từ năm 15 tuổi, khi bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp với Santos. Ông dẫn dắt câu lạc bộ giành được vô số danh hiệu, bao gồm cả Cúp Liên lục địa vào các năm 1962-1963. Pele là hình ảnh thu nhỏ của lối chơi được gọi là "bóng đá samba" ở Brazil.
Ông ghi kỷ lục mọi thời đại với 1.281 bàn sau 1.363 trận cho Santos (1956-1974), đội tuyển quốc gia Brazil và New York Cosmos (1975-1977). Ngoài những kỷ lục, ông còn được nhớ đến vì đã cách mạng hóa môn thể thao này.
Là ngôi sao bóng đá toàn cầu đầu tiên, Pele đóng vai trò chính trong quá trình chuyển đổi bóng đá thành môn thể thao vua, tận dụng khả năng phi thường của mình dù chỉ cao 1m7. Ông chơi bóng bằng cả trái tim, điều có thể thấy rõ trong đoạn phim đen trắng mang tính biểu tượng về chàng trai 17 tuổi bật khóc sau khi giúp Brazil giành chức vô địch World Cup đầu tiên vào năm 1958.
Tám năm trước đó, chứng kiến cha mình khóc khi Brazil thua Uruguay trong trận chung kết World Cup 1950 trên sân nhà, Pele đã hứa một ngày nào đó sẽ mang chiếc cúp về cho đất nước.
Pele đạt đến đỉnh cao của sự vĩ đại tại World Cup 1970 ở Mexico, nơi ông góp mặt trong đội hình mà nhiều người coi là đội bóng vĩ đại nhất mọi thời đại, với những tài năng như Rivellino, Tostao và Jairzinho.
Ông thường được chào đón nồng nhiệt khi ra nước ngoài cùng Santos hay đội tuyển quốc gia. Pele từ chối những lời đề nghị chơi bóng ở châu Âu và ký hợp đồng với New York Cosmos khi gần kết thúc sự nghiệp.
Ông từng giữ chức bộ trưởng thể thao từ 1995 đến 1998, là một trong những thành viên nội các da màu đầu tiên ở Brazil. Pele cũng được coi là thân thiết với các chính phủ ở Brazil.
Những lần xuất hiện trước công chúng của Pele ngày càng hiếm hoi và ông thường phải sử dụng khung tập đi hoặc xe lăn. Ông nhập viện nhiều lần vì nhiễm trùng tiết niệu. Tháng 9/2021, Pele phải phẫu thuật cắt bỏ khối u ruột kết và đến tháng 11 vừa qua, ông nhập viện để đánh giá lại phương pháp hóa trị, song diễn biến ngày càng xấu đi.
Dù phải nằm trên giường bệnh, Pele luôn duy trì tinh thần lạc quan. "Tôi sẽ đối mặt trận chiến này với nụ cười trên môi", ông đăng Instagram sau ca phẫu thuật cắt bỏ khối u ruột kết.
Pele thường xuyên đăng bài trên mạng xã hội trong thời gian diễn ra World Cup Qatar, trong đó có bài chúc mừng đội trưởng Messi khi Argentina giành ngôi vô địch.
Lyman trở thành "vùng đất chết" bị tàn phá nghiêm trọng trong các đợt giao tranh trước đây và tiếp tục rơi vào tầm ngắm của lực lượng Nga.
Tamara Klimashenko đứng tại nơi từng là vườn hoa mà bà rất yêu quý, rút điện thoại để khoe những tấm hình hoa mẫu đơn, dạ yến thảo và cúc từng khoe sắc trên mảnh đất giờ đây chỉ còn toàn hố bom đạn. Chồng bà, ông Anatoly Klimashenko, chỉ tay về phía những nơi đạn pháo phát nổ và cho biết ở đó từng có một vườn bắp cải, một vườn dâu tây và một garage.
Lyman, thành phố ở tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, từng là nơi giao tranh ác liệt hồi tháng 5, khi lực lượng Nga kiểm soát thành phố. Nga kiểm soát Lyman tới ngày 1/10, trước khi bị quân đội Ukraine đẩy lùi trong chiến dịch phản công chớp nhoáng.
Đứng giữa căn nhà đổ nát, vợ chồng Klimashenko lo sợ kịch bản tồi tệ hơn, đó là nguy cơ Nga mở đợt tấn công tiếp theo vào Lyman, khi mục tiêu "giải phóng toàn bộ Donbass" một lần nữa đặt thành phố vào tầm ngắm.
"Lần tấn công tới, họ sẽ gây ra sự hủy diệt lớn hơn. Nhưng vùng đất chết này đã không còn gì để phá hủy", Anatoly, 62 tuổi, nói.
Giống như nhiều người khác ở Lyman, vợ chồng Klimashenko đã trải qua khoảng 6 tháng ngủ trong nhà kho dưới lòng đất để tránh pháo kích và hiện sống nhờ nguồn hỗ trợ nhân đạo.
Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin kiên định theo đuổi các mục tiêu của chiến dịch quân sự đồng nghĩa cuộc chiến giành giật Lyman hoặc những gì còn lại của nó vẫn chưa kết thúc. Tổng thống Putin gần đây tuyên bố những người như vợ chồng Klimashenko hiện là công dân Nga bởi họ sống tại tỉnh Nga đã sáp nhập, dù lực lượng Nga không còn kiểm soát Lyman.
Lyman và nhiều thành phố, thị trấn, làng mạc gần đó giờ chỉ còn những đống đổ nát. Ở Lyman và Yampil, toàn bộ các khu dân cư đã bị san bằng, tầng trên của các tòa chung cư bị đạn pháo thổi bay. Cả thành phố chỉ còn vài chục người cao tuổi bám trụ, bất chấp đạn pháo liên tục trút xuống. Dolyna, thị trấn từng có khoảng 21.000 dân sinh sống, giờ không còn bóng người.
Nga tuyên bố sáp nhập 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia hồi tháng 9, bất chấp sự phản đối của Ukraine và các đồng minh phương Tây. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cam kết giành lại tất cả các vùng đất bị kiểm soát, nhưng nhiều người Lyman lo rằng giao tranh ác liệt sẽ tiếp tục tàn phá thành phố của họ.
Larisa, cư dân Lyman 62 tuổi, nhớ lại bà và 9 người hàng xóm từng bị mắc kẹt trong một tầng hầm giữa phòng tuyến Nga và Ukraine trong năm tuần hồi đầu mùa thu. Larisa kể 200 quả đạn pháo trút xuống khu vực mỗi ngày.
"Đó là địa ngục. Chúng tôi đã sống qua những ngày đó", Larisa nói. "Liệu thành phố đã thực sự được giải phóng hay chưa?".
Trước khi đạn pháo giết chết con trai và phá hủy căn nhà đang sống, Tamara Kovalenko, 65 tuổi, không quan tâm nhiều đến việc thành phố do Nga hay Ukraine kiểm soát. Nhưng sau 7 tháng phải sống dưới tầng hầm, bà giờ không còn nghĩ như vậy nữa.
"Năm 2014, tôi không ghét người Nga", Kovalenko nói khi nhận túi đồ ăn mà Liên Hợp Quốc hỗ trợ. "Nhưng giờ tôi đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình".
Sau khi nhận đồ viện trợ, Kavalenko trở về tầng hầm không có điện, nhiệt sưởi ấm hay nước sinh hoạt. Đạn pháo trút xuống khoảng 30 giây mỗi lần và súng máy khai hỏa sau vài phút từ tiền tuyến cách đó gần 10 km. "Bây giờ, chúng tôi sợ họ quay lại đến nỗi không dám nghĩ về điều đó".
Sau khi lực lượng ly khai kiểm soát nhiều khu vực ở Donbass vào năm 2014, giới chức ly khai được Nga hậu thuẫn cấm dạy ngôn ngữ Ukraine trong trường học và biến đồng ruble thành tiền tệ chính thức, theo Sergei Anatolyevich Garmash, nhà báo kiêm chính trị gia Ukraine.
Nga hiện kiểm soát khoảng 75% vùng Donbass, theo Paul D’Anieri, giáo sư chính trị Đông Âu tại Đại học California. Lực lượng Nga đang dồn sức tấn công Bakhmut, thành phố đang chứng kiến giao tranh ác liệt, nhằm có thêm bàn đạp vững chắc để kiểm soát toàn bộ Donbass.
Trong một buổi lễ tại Điện Kremlin ngày 28/12, Tổng thống Putin đã trao thưởng cho các lãnh đạo mới được bổ nhiệm ở bốn khu vực mới sáp nhập, trong đó có Donetsk và Lugansk. Nhưng một số khu vực ở Donbass mà Nga tuyên bố sáp nhập hầu như không còn cư dân để họ quản lý.
Một số thành phố ở Donbass từng có vài nghìn dân, như Toshkivka, Novotoshkivske, Bilohorivka, Makiivk, gần như không còn người, theo Serhiy Haidai, tỉnh trưởng Lugansk.
Tại các thành phố khác ở Donbass, nơi dân số đã giảm ít nhất một nửa, cơ sở hạ tầng quan trọng đã bị tàn phá. Trên khắp khu vực, hầu hết mọi trường học đều bị pháo kích. Các đường ống dẫn khí đốt hầu như cũng bị phá hủy hoàn toàn.
Tại Kreminna, thành phố gần chiến tuyến, hệ thống cung cấp nước đã bị phá hủy. Ở một số khu vực của tỉnh Lugansk, cư dân phải đi thu gom củi để sưởi ấm và tắm trong các lều dựng tạm ngoài trời.
Nhiều cư dân địa phương ở các thành phố phía tây Donbass cho biết cuộc sống đã cải thiện một chút kể từ khi quân Nga bị đẩy lùi hồi tháng 9, tháng 10. Hàng viện trợ của phương Tây được chuyển đến hàng ngày, gồm thực phẩm và vật tư y tế.
Nhiều ngôi nhà đã bắt đầu được sửa chữa. Tại Yampil, cửa hàng tiện lợi Bon Appetite mở cửa trở lại hai tuần trước, sau khi đóng cửa suốt thời gian lực lượng Nga kiểm soát. Đây là cửa hàng duy nhất trong thị trấn mở cửa.
Nhưng quá trình khôi phục cuộc sống diễn ra rất chậm và những vết sẹo chiến tranh luôn hiện hữu.
Tại Lyman, Zoya Konstantinovna, 67 tuổi, bật khóc khi kể lại cảnh đạn pháo xé toạc căn nhà cũ. Ba tháng sau khi lực lượng Ukraine giành lại thành phố, bà vẫn phải tắm bằng nước đựng trong các túi nilon. Khoảng 20 người từng sống trong khu chung cư của bà hiện vẫn phải dành phần lớn thời gian mỗi ngày trong hầm trú ẩn.
"Chúng tôi giống như những con chuột sống dưới lòng đất", Konstantinovna nói. "Chúng tôi không quan tâm tới chính trị. Tất cả những gì tôi muốn là hòa bình và sức khỏe. Chúng tôi không muốn phải sống trong cảnh này nữa", bà nói.
Sau khi trở về nhà sau mỗi ngày làm việc, Victoria Svichinskaya cho biết cô đều nghe tin tức từ tiền tuyến cho tới khi điện thoại hết pin. Lực lượng Nga đã biến ngôi nhà của cô thành doanh trại trong suốt năm tháng Lyman bị kiểm soát. Họ lấy bếp lò và phá hủy một phần căn nhà của cô.
Svichinskaya từng là chủ của hai cửa hàng quần áo trước khi chúng bị phá hủy trong giao tranh. Cô giờ đây đứng bán nước giải khát và xúc xích đóng gói tại khu chợ ngoài trời đối diện hai cửa hàng trước đây.
"Lần tới, nếu họ quay lại, chưa chắc chúng tôi có thể giữ được mạng sống của mình", Svichinskaya nói.
Cựu thủ tướng Israel Netanyahu trở lại nắm quyền bằng lễ tuyên thệ nhậm chức, sau khi quốc hội phê duyệt chính phủ mới của ông.
120 thành viên quốc hội Israel hôm nay bỏ phiếu thông qua chính phủ mới do Thủ tướng đắc cử Benjamin Netanyahu thành lập. Kết quả kiểm phiếu cho thấy 63 người ủng hộ chính phủ mới và 54 người bỏ phiếu chống.
Vài phút sau khi quốc hội phê duyệt chính phủ mới, ông Netanyahu, 73 tuổi, tuyên thệ nhậm chức, đánh dấu nhiệm kỳ thứ sáu.
"Đây là lần thứ sáu tôi đại diện cho một chính phủ mà tôi đang muốn nhận được sự ủng hộ của quốc hội. Tôi vẫn vô cùng phấn khích như lần đầu tiên", ông Netanyahu nói trước khi quốc hội bỏ phiếu.
Ông thành lập chính phủ mới sau khi ký kết thỏa thuận với các đảng cực hữu và đảng Do Thái Chính thống, những bên đã ủng hộ để ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 11.
Tân Thủ tướng Israel nhấn mạnh mục tiêu hàng đầu của ông sẽ là "ngăn cản nỗ lực phát triển kho vũ khí hạt nhân của Iran" và "đảm bảo ưu thế quân sự của Israel trong khu vực". Nhưng ông cũng bày tỏ hy vọng "mở rộng vòng hòa bình với các nước Arab" sau các thỏa thuận bình thường hóa do Mỹ làm trung gian với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Morocco.
Việc ông Netanyahu đắc cử thủ tướng đã chấm dứt kỷ nguyên bế tắc chính trị chưa từng có của Israel, quốc gia đã phải tổ chức 5 cuộc bầu cử trong vòng chưa đầy 4 năm.
Ông Netanyahu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sau 14 tháng bị lật đổ. Ông giữ chức vụ thủ tướng lâu hơn bất kỳ ai trong lịch sử Israel, lãnh đạo đất nước từ năm 1996-1999 và 2009-2021.
Netanyahu vẫn bị xét xử về các cáo buộc tham nhũng, dù ông phủ nhận.
Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt thương vụ tiềm năng bán tổ hợp rải mìn chống tăng Volcano cho Đài Loan với giá ước tính 180 triệu USD.
Lầu Năm Góc hôm 28/12 cho biết tập đoàn quốc phòng Northrup Grumman và Oshkosh là những nhà thầu chính cho thương vụ cung cấp hệ thống rải mìn chống tăng Volcano cho Đài Loan.
Volcano là hệ thống rải mìn tự động do quân đội Mỹ phát triển vào những năm 1980. Hệ thống được đặt trên xe tải hoặc trực thăng, có thể rải 960 quả mìn chống tăng hoặc chống bộ binh trên khu vực dài 1.100 m, rộng 120 m trong khoảng thời gian ngắn. Những quả mìn này có chế độ tự hủy theo thời gian được cài đặt sẵn.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết thương vụ sẽ được thực hiện trong khoảng một tháng và hệ thống này sẽ giúp tăng cường năng lực "tác chiến bất đối xứng" của hòn đảo. "Các hoạt động quân sự thường xuyên của Trung Quốc gần Đài Loan đã gây ra mối đe dọa quân sự nghiêm trọng đối với chúng tôi", cơ quan này cho hay.
Động thái của Bộ Ngoại giao Mỹ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan gần đây liên tục leo thang, khi quân đội Trung Quốc gia tăng sức ép quân sự lên hòn đảo bằng các biện pháp truyền thống và phi truyền thống. Ngoài những chuyến bay áp sát hòn đảo với lượng phi cơ cao kỷ lục, quân đội Trung Quốc còn tiến hành nhiều cuộc diễn tập đổ bộ chiếm bờ biển ở khu vực gần Đài Loan.
Giới chuyên gia nhận định hoạt động với tần suất ngày càng tăng của không quân Trung Quốc là chiến thuật nhằm gây quá tải lực lượng phòng vệ trên không Đài Loan, khi họ phải liên tục xuất kích để giám sát, khiến các máy bay dễ bị hao mòn hơn.
Mỹ không thiết lập quan hệ chính thức với đảo Đài Loan, song là bên cung cấp vũ khí lớn nhất để hòn đảo phòng thủ. Giới chức Mỹ đang thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa lực lượng phòng vệ Đài Loan để quân đội Trung Quốc khó tấn công hòn đảo.
Bộ Ngoại giao Mỹ đầu tháng này duyệt bán loạt phụ tùng trị giá 428 triệu USD để giúp lực lượng phòng vệ Đài Loan bảo dưỡng phi đội máy bay quân sự gồm tiêm kích F-16, chiến đấu cơ nội địa F-CK-1 và các loại máy bay nội địa sử dụng hệ thống do Mỹ sản xuất.
Dừng xe trên đường cao tốc đi vệ sinh, xong việc chồng phóng xe đi luôn, người vợ bị bỏ quên phải đi bộ hơn 20 km đến đồn cảnh sát trong lúc trời chưa sáng.
Khoảng 5h ngày 25/12, một người phụ nữ đến đồn cảnh sát ở quận Kabinburi, tỉnh Prachinburi, Thái Lan để nhờ giúp đỡ. Chị bị chồng bỏ quên trên đường cao tốc trên hành trình về quê ăn Tết.
Thông tin từ cảnh sát tiết lộ, người phụ nữ tên là Anna, 49 tuổi. Hôm 24/12, vì xong việc muộn nên hai vợ chồng Anna bắt đầu lên đường về quê vào buổi tối. Họ quyết định đi ban đêm cho đỡ tắc đường thay vì chờ sáng hôm sau. Chồng Anna - anh Bingjie, 55 tuổi - phụ trách việc lái xe.
Chị Anna tại đồn cảnh sát, đang chờ chồng đến đón.
Do muốn đi vệ sinh nên họ dừng xe trên con đường cao tốc dẫn tới tỉnh Nakhon Ratchasima. Khi Anna xong việc quay ra thì phát hiện chồng mình đã lái xe đi từ lâu.
Bị bỏ rơi trên đường cao tốc lúc 3 h, không biết chính xác địa điểm, lại không có điện thoại di động, Anna vừa sợ vừa tức, đành cuốc bộ hơn 20 cây số đến đồn cảnh sát gần nhất, nhờ họ giúp liên lạc với gia đình. Các cảnh sát trực hôm ấy cho biết, khi đến đồn, trông chị cực kỳ mệt mỏi và lo lắng.
Còn Anna sau đó chia sẻ, trong khi đi bộ trên đường cao tốc, chị đã tính toán cho tình huống cảnh sát không liên lạc được với gia đình. Khi đó chị sẽ bán sợi dây chuyền vàng đang đeo để làm chi phí đi lại. Được hỏi về mối quan hệ vợ chồng, Anna cho biết họ đã chung sống 27 năm, con trai lớn đã 26 tuổi. Người phụ nữ nhấn mạnh, vào cái hôm bị bỏ rơi trên đường ấy, hai vợ chồng không hề cãi vã.
Anh Bingjie và cô Anna cùng nhau về quê sau sự cố bi hài.
Biết tin, giới truyền thông giúp Anna liên lạc với chồng. Người đàn ông này vẫn luôn yên tâm rằng vợ mình đang ngủ ở ghế sau. Mãi đến 8h, anh mới biết vợ "mất tích". Khi đó, Bingjie đã lái xe đến Nakhon Ratchasima.
Lập tức, anh Bingjie quay xe, lái đến đồn cảnh sát nơi Anna đang trú nhờ để đón vợ. Khi hai người gặp lại, Bingjie lập tức xin lỗi vợ và cho biết anh cảm thấy áy náy vô cùng vì đã bỏ quên vợ trên đường cao tốc.
Dù chồng tỏ ra hối lỗi nhưng Anna vẫn rất bực bội khi trả lời phỏng vấn. Cô nói: "Chồng tôi là người trầm tính, không thích nói nhiều, cũng không thích đi chơi. Mặc dù chồng là người chăm chỉ đáng khen song lần này, tôi thực sự không muốn nói bất cứ điều gì về anh ấy. Sau khi về nhà, tôi và anh ấy sẽ phải nghiêm túc nói lại chuyện này".