Người dân Argentina đang đối mặt nhiều khó khăn kinh tế, nhưng điều duy nhất họ quan tâm hiện nay là hành trình của đội nhà ở World Cup 2022.
Hồi tháng 9, Bộ trưởng Tài chính Argentina Sergio Massa tới thăm Washington trong nỗ lực tìm cách giải cứu nền kinh tế gặp khó khăn. Argentina khi đó bị bủa vây trong nợ nần, dự trữ ngoại hối cạn kiệt và bên bờ vực siêu phạm phát. Những thỏa thuận thương mại đã được dàn xếp và các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng sắp được tiến hành.
Trong những tháng sau đó, ông Massa đã cố ngăn những kịch bản tồi tệ nhất mà các nhà phân tích kinh tế vạch ra. Ông hiện là một trong những ứng viên sáng giá trong cuộc tổng tuyển cử năm tới.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế Argentina hiện còn ảm đạm, khi lạm phát chưa có dấu hiệu giảm và gần 40% dân số sống dưới mức nghèo khổ.
"Lạm phát sẽ chạm ngưỡng gần 100% trong năm nay và trong thị trường chợ đen, đồng peso có giá trị chưa bằng 1/4 cách đây ba năm", các chuyên gia của Economist cho biết trong bài bình luận hôm 15/12.
Tuy nhiên, World Cup tới, giúp người dân Argentina quên đi những khó khăn hiện tại. Trong tháng qua, người dân Argentina sống từng phút giây với hành trình của đội bóng quốc gia trong kỳ World Cup 2022 ở Qatar.
Ngày 18/12, đội tuyển Argentina có cuộc đối đầu quyết định với Pháp trong trận chung kết. Chiến thắng sẽ giúp Argentina mang về chức vô địch World Cup thứ ba cho quốc gia Nam Mỹ yêu bóng đá. Chiến thắng cũng sẽ giúp mang về danh hiệu cao quý cho Lionel Messi, một trong những cầu thủ được xem là vĩ đại nhất của bóng đá hiện đại.
Viễn cảnh chiến thắng đó đã chiếm hết tâm trí của người Argentina. Dù sống cách xa Qatar hàng nghìn km, Argentina vẫn là một trong những đội có lượng cổ động viên lớn nhất tới Qatar.
"World Cup là cơ hội để khôi phục tinh thần ở quốc gia đang chứng kiến nhiều nỗi thất vọng. Đó là cơ hội chiến thắng và được thế giới thừa nhận trình độ bóng đá của chúng tôi, chứ không phải là số tiền mà chúng tôi đang nợ", José Abadi, bác sĩ ở Buenos Aires, nói.
Sự cuồng nhiệt dành cho giải bóng đá này lớn đến mức nhiều tuần trước khi World Cup khởi tranh, những tấm thẻ in hình các cầu thủ cháy hàng và khan hiếm đến mức chính phủ Argentina phải can thiệp.
"Chính phủ đã phải họp khẩn để tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt thẻ cầu thủ này vì nó ảnh hưởng tới tâm lý của người dân", nhà báo người Argentina Martin Mazur chia sẻ. "Ngay cả khi lạm phát cao, hàng nghìn người Argentina vẫn cố gắng tới Qatar để theo dõi trận bán kết và chung kết, mang theo tất cả số tiền họ tiết kiệm trong nhiều năm".
Đối với Bộ trưởng Tài chính Massa và các đồng minh, World Cup giúp họ giảm bớt áp lực từ dư luận. "Ở Argentina, mọi người hiện tại không nói về điều gì khác ngoài bóng đá", bình luận viên Federico Rivas Molina viết trên nhật báo El Pais.
Argentina vẫn sống dưới cái bóng quá lớn của huyền thoại bóng đá Diego Maradona, người đã tiếp sức mạnh cho đội tuyển quốc gia Argentina giành chức vô địch World Cup năm 1986. Đồng thời, sự nổi tiếng của ông cũng giúp xây dựng một nền tảng ủng hộ Argentina trên toàn thế giới. Trong con mắt của những người hâm mộ ở các nước xa xôi như Ấn Độ và Bangladesh, Messi chỉ là người tiếp bước Maradona.
Với những nỗ lực và danh hiệu đạt được trong sự nghiệp bóng đá, Messi cũng dần khẳng định được vị thế và dành được nhiều tình cảm yêu mến. Tại kỳ World Cup được cho là cuối cùng này của Messi, người hâm mộ Argentina đã ca ngợi đất nước của họ là "vùng đất của Diego và Leo", cũng như sẵn sàng hướng tới chiến thắng cuối cùng.
Trong phòng họp báo trước trận Argentina gặp Ba Lan, một phóng viên Argentina đã nói rằng quốc gia của anh ấy đã chờ đợi nhiều năm để Messi giành chức vô địch World Cup cho họ. Nhưng giờ đây, Argentina muốn giành chiếc cúp cho Messi.
Sự cuồng nhiệt này có thể sẽ khiến người Argentina khó chấp nhận một thất bại trước đương kim vô địch Pháp. Bộ trưởng Lao động Argentina Kelly Olmos nhắc lại chiến thắng năm 1978 như một dẫn chứng cho thấy bóng đá có thể kéo người dân ra khỏi bế tắc hiện tại.
"Chúng tôi khi đó thậm chí không biết ngày mai sẽ thế nào, nhưng khi Argentina vô địch, tất cả đã đổ ra khắp các tuyến phố để ăn mừng", ông chia sẻ.
Điều kỳ diệu của bóng đá là "nó mang tới cho chúng tôi sự hạnh phúc vừa thoáng qua vừa vĩnh cửu. Sẽ không có vấn đề nào được giải quyết hay mất đi, nhưng thậm chí chỉ trong thời gian ngắn, nó làm chúng tôi ngây ngất với điều gì đó để lại ký ức lâu dài", nhà văn người Argentina Ariel Scher nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét