Các hoạt động "ngoại giao cây tre" trong năm 2022 giúp Việt Nam giữ vững thế ổn định và vươn lên giữa tình hình quốc tế biến động phức tạp, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.
Trong bài viết được Bộ Ngoại giao công bố hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định thế giới năm 2022 trải qua nhiều biến động lớn, có những diễn biến nhanh, phức tạp và ngoài dự báo thông thường, khiến nguyện vọng hòa bình, hợp tác và liên kết để phát triển của các quốc gia và dân tộc đứng trước nhiều thách thức.
Bộ trưởng nhận định những thách thức này do "cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, chạy đua vũ trang, bất ổn chính trị - xã hội gia tăng ở nhiều nước". Thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh, tiếp tục nổi lên, tiến trình phục hồi sau Covid-19 gặp trắc trở do hệ lụy kéo dài của đại dịch.
Tuy nhiên, với trường phái "ngoại giao cây tre", Việt Nam vẫn giữ vững thế ổn định và vươn lên nhờ "kiên định độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đề cao các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc".
Chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng "uyển chuyển, linh hoạt, sáng tạo, cơ động trong sách lược, ứng xử với phương châm 'dĩ bất biến, ứng vạn biến', bình đẳng, hợp tác cùng có lợi", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá.
Bộ trưởng nhận định thành tựu nổi bật nhất của hoạt động đối ngoại Việt Nam năm 2022 là củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Việt Nam cũng tiếp tục phát huy vai trò và đóng góp tích cực, có trách nhiệm tại các cơ chế cùng diễn đàn đa phương quan trọng như LHQ, ASEAN, APEC và hợp tác tiểu vùng Mekong.
Việt Nam năm qua được bầu vào nhiều vị trí tại các tổ chức quốc tế quan trọng như Phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO nhiệm kỳ 2022-2026.
Ngoại giao kinh tế góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút nhiều nguồn lực bên ngoài, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước.
Ngoại giao văn hóa kết hợp chặt chẽ với ngoại giao kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và thành tựu phát triển của Việt Nam ra thế giới.
Việt Nam cũng đạt kết quả quan trọng trong bảo hộ công dân như sơ tán an toàn hơn 6.000 công dân và kiều bào tại Ukraine, đưa về nước khoảng 1.200 công dân bị cưỡng bức lao động tại Campuchia, bảo hộ hàng trăm ngư dân, tàu cá cũng như quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định bản sắc "ngoại giao cây tre" Việt Nam được phát huy trong từng hoạt động đối ngoại, qua đó "khẳng định một Việt Nam bản lĩnh bản lĩnh, chân thành, thủy chung, tin cậy và có trách nhiệm".
Nguyễn Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét