Năm 2022 chứng kiến cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II và hầu như tất cả lĩnh vực cuộc sống đều bị ảnh hưởng.
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Ukraine với mục tiêu "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa". Lực lượng Nga sau đó đồng loạt tập kích tên lửa vào Kiev, Kramatorsk, Kharkov, Odessa, Mariupol và nhiều thành phố khác tại Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi đó cảnh báo toàn châu Âu đang đứng trên bờ vực của cuộc chiến "có thể thiêu rụi mọi thứ".
Trái với những dự đoán rằng Nga sẽ "đánh nhanh thắng nhanh", chiến dịch đã vấp phải kháng cự quyết liệt của quân đội Ukraine, khiến xung đột kéo dài suốt 10 tháng qua.
Nga đã rút khỏi các khu vực quanh Kiev vào tháng 4, để lại các tòa nhà đổ nát, cuộc sống người dân bị đảo lộn và nhiều người thiệt mạng, những điều mà Ukraine và đồng minh xem là bằng chứng cho "tội ác chiến tranh".
Giao tranh cũng diễn ra ác liệt ở miền nam và đông Ukraine, nơi lực lượng Nga cũng hứng chịu nhiều bước lùi trên chiến trường. Cảng Mariupol bị sụp đổ sau cuộc vây hãm kéo dài ba tháng, biến thành phố thành đống đổ nát.
Cuộc chiến hồi sinh sự thù địch giữa Nga và phương Tây, thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin nhập NATO và khiến các nước thành viên liên minh quân sự này bố trí thêm lực lượng và vũ khí ở Đông Âu.
Khi mùa đông đến gần, quân đội Ukraine, với sự hỗ trợ của vũ khí và đạn dược từ Mỹ và đồng minh, đã gây áp lực khiến lực lượng Nga rút khỏi thành phố Kherson ở miền nam hồi đầu tháng 11, một chiến thắng thúc đẩy nhuệ khí trong bối cảnh xung đột chưa có dấu hiệu kết thúc.
"Chúng tôi đang chuẩn bị cho mùa đông tồi tệ nhất trong cuộc đời", Anastasia Pyrozhenko, cư dân Kiev, nói hôm 20/11.
Nga gần đây phát động các cuộc tập kích tên lửa vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine, gây mất điện và khiến hàng triệu người phải đối mặt với mùa đông tối tăm và lạnh cóng.
Xung đột đã đẩy giá năng lượng toàn cầu tăng vọt, khi Moskva siết chặt nguồn cung cho phương Tây để đáp trả những lệnh trừng phạt nhắm vào họ. Đức, Italy và các quốc gia dựa vào dầu khí Nga khác đã phải chạy đua để tìm nguồn cung thay thế. Các chính phủ cũng phải chịu nhiều áp lực để tìm cách can thiệp và hỗ trợ hàng triệu người đang vật lộn với hóa đơn năng lượng tăng cao.
Ukraine và Nga là hai nhà cung cấp quan trọng của toàn cầu về lúa mì, lúa mạch, dầu hướng dương. Cuộc chiến đã đẩy giá lương thực lên cao và làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu hụt toàn cầu. Một thỏa thuận do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho phép các tàu ngũ cốc rời cảng Ukraine ở Biển Đen, ngăn nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng hơn.
Cuộc chiến đã khiến hàng triệu người phải di tản. LHQ cho biết hơn 14 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 7 triệu người phải tị nạn ở các quốc gia khác.
Xung đột Ukraine cũng mang tới những tác động tiêu cực cho môi trường, khi cuộc khủng hoảng năng lượng buộc nhiều quốc gia phải xem xét lại kế hoạch dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Pháp đã tái khởi động nhà máy than bị đóng cửa, Czech đảo ngược kế hoạch ngừng khai thác than ở một khu vực quan trọng, Anh duyệt thêm hoạt động khoan dầu khí ở Biển Bắc. Các nhà môi trường cảnh báo châu Âu đang thụt lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một số khác cho rằng cuộc khủng hoảng cũng giúp nâng cao nhận thức của nhiều người về sự bất ổn của nguồn cung nhiên liệu hóa thạch, đồng thời thúc đẩy nhiều quốc gia nhanh chóng chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo. Những hiện tượng thời tiết cực đoan trong năm qua cũng là lời nhắc nhở về sự cần thiết của việc tránh sử dụng nhiên liệu hóa thạch để thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Bắc Âu đang hứng chịu những cơn bão mùa đông sau khi trải qua một mùa hè nắng nóng nghiêm trọng trên phần lớn lục địa. Tại Anh, đợt nắng nóng bất thường hồi mùa hè đã khiến nhiệt độ lần đầu vượt ngưỡng 40 độ C.
Những cơn mưa lớn đã ập đến vào mùa thu. Tại đảo Ischia của Italy, những trận mưa lớn hồi tháng 11 gây ra trận lở đất nghiêm trọng, nhiều ôtô và nhà cửa bị nhấn chìm xuống biển, khiến hơn 10 người thiệt mạng.
"Bất kỳ sự trì hoãn nào trong hành động toàn cầu sẽ khiến chúng ta để lỡ cánh cửa cơ hội đang dần khép lại trong nỗ lực đảm bảo một tương lai đáng sống và bền vững cho tất cả", Hội đồng liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu nhấn mạnh.
Thanh Tâm (Theo AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét