Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng việc Thụy Điển từ chối dẫn độ một cựu phóng viên theo yêu cầu từ Ankara có thể phá hỏng nỗ lực gia nhập NATO của Stockholm.
"Việc từ chối yêu cầu của chúng tôi về dẫn độ Bulent Kenes là một diễn biến tiêu cực", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói hôm nay, đề cập đến cựu nhà báo mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn Thụy Điển dẫn độ về nước.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan muốn Thụy Điển trao trả hàng chục người mà ông nghi ngờ có liên quan đến cuộc đảo chính bất thành năm 2016 hoặc là thành viên lực lượng người Kurd, nhóm mà Ankara xem là khủng bố. Tuy nhiên, Kenes, cựu tổng biên tập tờ Zaman, là người duy nhất mà ông Erdogan chỉ đích danh với cáo buộc tham gia vào âm mưu đảo chính.
Tòa án Tối cao Thụy Điển ngày 19/12 chặn yêu cầu dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ, do lo ngại Kenes bị Ankara trừng phạt vì "niềm tin chính trị". Kenes đang làm việc cho Trung tâm vì Tự do Stockholm và phủ nhận cáo buộc do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra.
Ngoại trưởng Cavusoglu cho rằng phán quyết của Tòa án Tối cao Thụy Điển có nguy cơ phá hỏng những tiến bộ mà các bên đã đạt được sau nhiều tháng đàm phán về kết nạp Thụy Điển vào NATO.
Theo ông, việc Thụy Điển hồi đầu tháng dẫn độ một người đàn ông bị cáo buộc tham gia lực lượng người Kurd là "không đủ để được Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt kết nạp vào NATO".
"Nếu họ nghĩ rằng chỉ cần dẫn độ một người và kết thúc mọi chuyện, điều đó thật hão huyền", ông nói. "Chúng tôi không còn muốn nghe những lời xã giao từ Thụy Điển hay Phần Lan, chúng tôi muốn thấy hành động cụ thể".
Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ chính sách trung lập kéo dài hàng thập kỷ và quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là hai thành viên còn lại của NATO chưa phê duyệt đơn xin gia nhập của hai nước Bắc Âu.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông sẽ thảo luận thêm về vấn đề này khi Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom thăm Ankara vào ngày 22/12.
Thanh Tâm (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét