Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Nguy cơ cạn vũ khí cản trở châu Âu tăng hỗ trợ Ukraine

Châu Âu đang vật lộn để có đủ vũ khí cho Ukraine và đảm bảo an ninh cho chính mình, dù có những tập đoàn quốc phòng lớn nhất thế giới.

Cuộc chiến tiêu hao giữa Nga và Ukraine hiện biến thành cuộc chạy đua vũ trang giữa Moskva và các thành viên châu Âu của NATO, những nước đang chạy đua để vừa củng cố hệ thống phòng thủ của chính họ, vừa nỗ lực viện trợ vũ khí cho Kiev.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh vấn đề vũ khí trong chuyến thăm bất ngờ tới Washington ngày 21/12. "Đối phương đang có lợi thế đáng kể về pháo binh, đạn dược. Họ có nhiều tên lửa và máy bay hơn", ông nói trước quốc hội Mỹ.

Gói viện trợ mới nhất của Mỹ cho Ukraine, trị giá khoảng 1,85 tỷ USD, có tổ hợp tên lửa Patriot lần đầu được Washington chuyển cho Kiev. Ngoài ra, gói viện trợ còn gồm thiết bị hoán cải bom thông thường thành vũ khí dẫn đường chính xác cao, đạn pháo và cối, cùng rocket tầm xa.

Tuy nhiên, năng lực quân sự của Ukraine cũng phụ thuộc vào các nước châu Âu, những nước đã giảm đầu tư cho ngành công nghiệp quốc phòng trong thời bình và hiện phải vật lộn để tăng sản xuất, giữa lúc họ phải tập trung đảm bảo nguồn cung năng lượng.

Lính Ukraine khai hỏa pháo 2S7 Pion tại Donetsk hôm 5/12. Ảnh: AP.

Lính Ukraine khai hỏa pháo 2S7 Pion tại Donetsk hôm 5/12. Ảnh: AP.

Xung đột Nga - Ukraine đang tiêu thụ đạn dược với tốc độ chưa từng thấy kể từ Thế chiến II. Theo các chuyên gia và quan chức tình báo, lực lượng Ukraine đã khai hỏa khoảng 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày và hiện cạn kiệt tên lửa phòng không giữa lúc phải liên tục chống đỡ các đòn tập kích của Nga.

Vào đỉnh điểm cuộc giao tranh ở Donbass, lượng đạn Nga sử dụng trong hai ngày nhiều hơn toàn bộ kho dự trữ của quân đội Anh, theo Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI).

Không quốc gia nào trong NATO ngoài Mỹ có đủ kho vũ khí để chống lại cuộc chiến pháo binh lớn hoặc có năng lực công nghiệp để tạo ra nguồn dự trữ như vậy, theo Nico Lange, cựu quan chức hàng đầu của Bộ Quốc phòng Đức. Điều đó đồng nghĩa NATO không thể bảo vệ lãnh thổ của họ nếu bị tấn công lúc này.

"Các nước châu Âu đã cắt giảm hợp đồng mua vũ khí trong nhiều thập kỷ, nên nhiều tập đoàn quốc phòng đã bỏ dây chuyền sản xuất", Lange, thành viên cấp cao của Hội đồng An ninh Munich, cho hay.

Tình trạng thiếu hụt đạn pháo và tên lửa hiện tại phần lớn do thay đổi trong học thuyết quân sự của các đồng minh NATO những thập kỷ gần đây. Thay vì chuẩn bị cho các trận chiến trên bộ như thời Thế chiến II, họ tập trung vào các cuộc chiến tranh bất đối xứng, theo Morten Brandtzæg, giám đốc điều hành Nammo AS, một trong những nhà sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới.

Chiến tranh bất đối xứng là cuộc xung đột trong đó nguồn lực của các bên tham chiến không đồng đều, do đó cả hai bên đều cố gắng khai thác điểm yếu của nhau.

Ukraine sử dụng khoảng 40.000 quả đạn pháo cỡ nòng 155 mm của NATO mỗi tháng, trong khi tổng đạn pháo được châu Âu sản xuất mỗi năm vào khoảng 300.000 quả, theo Michal Strnad, chủ sở hữu Czechoslovak Group AS, công ty Czech sản xuất khoảng 30% sản lượng đạn pháo của châu Âu.

"Năng lực sản xuất của châu Âu hoàn toàn không đủ đáp ứng nhu cầu của Ukraine", Strnad nói. Ngay cả khi chiến tranh kết thúc sớm, châu Âu sẽ cần tới 15 năm để bổ sung kho dự trữ vũ khí với tốc độ sản xuất hiện tại.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết cần thêm 500-600 triệu bảng Anh (hơn 600-700 triệu USD) cho ngân sách Anh để bắt đầu bổ sung kho dự trữ đạn dược. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu năm nay nói xung đột Ukraine khiến Pháp cần phải tăng cường năng lực sản xuất và quân sự. Trong phát biểu gần đây, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết "chúng tôi đã có những quyết định sai lầm về nguồn cung đạn dược trong những thập kỷ qua".

Hiện tại, lượng đạn dự trữ của Đức không đủ sử dụng hơn hai tuần nếu bị tấn công, không đáp ứng được yêu cầu của NATO rằng các thành viên phải đủ đạn chiến đấu trong ít nhất 30 ngày.

Dù là một trong những năm nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu toàn cầu, Đức không có ngành công nghiệp quốc phòng quy mô lớn, theo Wolfgang Schmidt, chánh văn phòng của Thủ tướng Scholz. Nền sản xuất quốc phòng quy mô lớn mà Đức từng sở hữu đã bị thu hẹp trong những năm qua.

Đức cần đầu tư khoảng 21,2 tỷ USD để đáp ứng yêu cầu đạn dược của NATO, theo Schmidt. Tuy nhiên, quan chức Bộ Quốc phòng Đức nói rằng ngân sách hiện tại chỉ dự kiến dành hơn một tỷ USD cho sản xuất đạn dược trong năm 2023.

Một trở ngại đối với nỗ lực tái vũ trang nhanh chóng là quy định gần đây của Liên minh châu Âu, trong đó nói rằng sản xuất vũ khí là hoạt động không bền vững và cần cắt giảm các nguồn tài trợ tư nhân, theo Hans Christoph Atzpodien, người đứng đầu hiệp hội công nghiệp quốc phòng Đức.

Lính Ukraine chuyển tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ lên xe tải. Ảnh: AFP.

Lính Ukraine chuyển tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ lên xe tải. Ảnh: AFP.

Châu Âu đang triển khai một số biện pháp để tăng khả năng sản xuất vũ khí trên khắp lục địa. Theo các quan chức Đức và Romania, Đức sẽ đồng tài trợ cho việc tân trang và mở rộng một nhà máy thời Liên Xô ở Romania để xuất xuất đạn pháo tiêu chuẩn NATO cũng như các loại tương thích với vũ khí Liên Xô mà Ukraine sử dụng. Dự án có thể được công bố vào cuối tháng này.

Các công ty cũng tăng cường sản xuất. Nammo, tập đoàn Na Uy, đang nỗ lực tăng sản lượng đạn pháo lên gấp 10 lần bình thường, theo Brandtzæg. Tập đoàn Czechoslovak dự kiến tăng gấp đôi sản lượng đạn pháo 155 mm lên mức 100.000 quả trong năm 2023, theo Strnad.

Nhà sản xuất BAE Systems PLC đã ký hợp đồng trị giá khoảng 2,9 tỷ USD để cung cấp đạn dược cho Bộ Quốc phòng Anh.

Rheinmetall AG của Đức đang mua lại nhà sản xuất vũ khí Tây Ban Nha Expal Systems SA với giá gần 1,3 tỷ USD. Nếu thành công, kế hoạch này sẽ giúp Rheinmetall thúc đẩy năng lực sản xuất. Công ty cũng sẽ xây dựng dây chuyền sản xuất mới để chế tạo đạn pháo 35 mm cho tổ hợp phòng không Gepard mà Đức viện trợ cho Ukraine.

"Cách tốt nhất mà châu Âu có thể hỗ trợ Ukraine là tăng sản xuất đạn pháo. Đây là vấn đề lớn nhất của năm tới", Rob Lee, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Mỹ, nói.

Thanh Tâm (Theo WSJ)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét