Thứ Hai, 26 tháng 12, 2022

Chính sách đối ngoại Trung Quốc năm 2023

Trung Quốc năm 2023 sẽ củng cố quan hệ với Nga, hàn gắn với châu Âu, châu Á, đồng thời tăng cạnh tranh với Mỹ và ảnh hưởng trên toàn cầu.

Đánh giá về các hoạt động ngoại giao của Trung Quốc trong năm qua, Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 25/12 mô tả 2022 là năm có nhiều "thành tựu lịch sử" của Bắc Kinh và nước này đã vượt qua "sóng to, gió lớn của môi trường toàn cầu nhiều thách thức".

Ông tuyên bố Trung Quốc trong năm 2023 sẽ tăng cường quan hệ đối tác chiến lược "vững như bàn thạch" với Nga, hàn gắn quan hệ với châu Âu và các nước láng giềng châu Á, đồng thời tiếp tục duy trì "tinh thần chiến đấu" trước những động thái "phong tỏa, đàn áp và khiêu khích" do Mỹ dẫn đầu.

Ngoại trưởng Trung Quốc đồng thời cho biết nước này sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới trong giai đoạn chống đại dịch Covid-19 để "tạo điều kiện thuận lợi" cho dòng luân chuyển lao động và giúp phục hồi kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bali, Indonesia, hồi tháng 11. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bali, Indonesia, hồi tháng 11. Ảnh: Reuters.

Tuyên bố được Ngoại trưởng Vương đưa ra trong một hội nghị của các chuyên gia chính sách ở Bắc Kinh, trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản, Australia và các cường quốc châu Âu đang có dấu hiệu ấm lên sau quãng thời gian dài đối đầu về hàng loạt vấn đề như Đài Loan, Tân Cương, Hong Kong hay xung đột Nga - Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến đến Bắc Kinh vào đầu năm tới, trở thành quan chức cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden thăm Trung Quốc trong hai năm qua. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Trung năm 2023 được dự báo sẽ đối mặt nhiều thách thức.

Dù nhất trí với Ngoại trưởng Blinken về việc duy trì các đường dây liên lạc song phương, ông Vương vẫn cảnh báo Bắc Kinh sẽ kiên quyết chống lại những hành vi "kiềm tỏa và chèn ép" của Washington. Ông mô tả cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden với Trung Quốc là hành vi "bắt nạt", đồng thời kêu gọi Washington "thay đổi hướng đi".

Ông Vương cho rằng tình cảnh "khó khăn nghiêm trọng" trong quan hệ hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington xuất phát từ chính sách "coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính" mà Mỹ đưa ra. "Cạnh tranh cường quốc chỉ lợi bất cập hại, còn hợp tác là điều cần thiết, chứ không phải một lựa chọn", ông nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Vương đưa ra những bình luận cứng rắn về Mỹ sau khi Daniel Kritenbrink, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á, tuần trước bày tỏ hy vọng rằng chuyến thăm sắp tới của Ngoại trưởng Blinken đến Trung Quốc sẽ là "bước tiếp theo" giúp hai bên thúc đẩy các cuộc thảo luận nhằm ổn định mối quan hệ.

Cũng trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Vương đã bảo vệ chính sách của Trung Quốc với xung đột Ukraine, đồng thời ca ngợi mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp" giữa Bắc Kinh với Moskva là "miễn nhiễm với những biến động trong môi trường quốc tế".

"Chúng tôi sẽ tăng cường lòng tin chiến lược và hợp tác cùng có lợi, đồng thời củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung - Nga", ông tuyên bố.

Về mối quan hệ với châu Âu, Ngoại trưởng Vương cho biết Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các cuộc trao đổi cấp cao với khu vực vào năm tới, sau những chuyến thăm gần đây tới Bắc Kinh của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel.

"Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc và châu Âu là đối tác chứ không phải đối thủ của nhau, chúng ta là cơ hội của nhau chứ không phải mối đe dọa", ông nhấn mạnh.

Zhao Ma, phó giáo sư về lịch sử và văn hóa Trung Quốc hiện đại tại Đại học Washington ở St. Louis, bang Missouri, Mỹ, nhận định những tuyên bố của ông Vương về chính sách đối ngoại của Trung Quốc năm 2023 là một nỗ lực nhằm khắc họa hình ảnh tích cực của đất nước trên trường quốc tế.

Theo Tong Zhao, thành viên cấp cao của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, học giả tại Đại học Princeton, Mỹ, bình luận của Ngoại trưởng Vương về thúc đẩy quan hệ với Nga và hàn gắn với châu Âu, châu Á cho thấy trọng tâm ngoại giao của Trung Quốc năm tới là mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trên thế giới, nhằm làm suy yếu nỗ lực của chính quyền Biden trong tạo dựng vị thế Mỹ thông qua các liên minh mạnh mẽ hơn.

Trung Quốc "đang bắt tay vào một chiến dịch quốc tế quy mô lớn, rõ ràng và đầy tham vọng nhằm làm xói mòn dần ảnh hưởng và ưu thế của Mỹ trên toàn cầu", Tong Zhao nói.

Tuy vậy, Craig Singleton, chuyên gia cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ, trụ sở tại Washington, nhận định quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ ổn định phần nào vào đầu năm 2023 nhờ chiến dịch "tấn công quyến rũ" mà ông Tập đang thúc đẩy nhằm xây dựng lại hình ảnh của Bắc Kinh trên toàn cầu.

"Dù những bất đồng về vấn đề Đài Loan, cạnh tranh công nghệ và thương mại vẫn chiếm ưu thế, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ né được nhiều áp lực khi chính quyền Biden chuyển trọng tâm chính sách từ ngăn chặn sang duy trì ổn định", Singleton nhận xét.

Theo Singleton, cả Mỹ và Trung Quốc đều không có các sự kiện chính trị lớn vào năm tới, như đại hội đảng hay bầu cử giữa kỳ, điều có thể mang lại cho hai bên một số không gian để cải thiện quan hệ.

"Tuy nhiên, việc hòa giải sẽ tùy thuộc vào các sự kiện ngoài tầm kiểm soát của hai lãnh đạo, như chuyến đi dự kiến của tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Keven McCarthy tới Đài Loan. Điều đó sẽ gây thêm căng thẳng cho quan hệ Mỹ - Trung và đòi hỏi hai lãnh đạo cần cẩn trọng điều hướng mối quan hệ", Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington, cho hay.

Phó giáo sư Zhao Ma cho rằng bất chấp những tuyên bố của Ngoại trưởng Vương, thế giới trong năm tới có lẽ khó thay đổi quan điểm về Bắc Kinh, khi Trung Quốc nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì giọng điệu cứng rắn trong các vấn đề "lợi ích cốt lõi" như Đài Loan, Tân Cương...

Trung Quốc "vẫn sẽ sẵn sàng sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để định hình lại trật tự khu vực, thậm chí là toàn cầu. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra", Zhao Ma nói. Tuy nhiên, tham vọng toàn cầu của Trung Quốc sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng khi kinh tế nước này suy giảm sau gần ba năm duy trì hạn chế ngăn Covid-19.

Về mối quan hệ với Nga, Sourabh Gupta, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ ở Washington, đánh giá hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ quay lưng lại với Moskva.

"Họ đang đứng đúng vị trí của mình trước khi xung đột nổ ra, đó là mong muốn có mối quan hệ chiến lược sâu sắc, toàn diện và nhiều mặt với Moskva, nhưng mục tiêu này buộc phải tạm dừng vì chiến sự Nga - Ukraine", ông nói. "Bắc Kinh sẽ hủy nút tạm dừng đó vào thời điểm thích hợp".

Vũ Hoàng (Theo SCMP, Politico)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét