Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Lỗ hổng phòng không khiến Ukraine mất loạt máy bay quý giá

Lưới phòng không suy yếu khiến Ukraine không thể bảo vệ sân bay quân sự ở sâu trong hậu phương, cho phép Nga tung đòn đánh chính xác cao.

Tài khoản TWS trên Telegram chuyên đăng tư liệu về các đòn tập kích của Nga tại Ukraine hôm 2/7 công bố video từ máy bay không người lái (UAV) trinh sát tầm cao, cho thấy đòn tập kích bằng tên lửa Iskander-M mang đầu đạn chùm nhằm vào sân bay quân sự Poltava ở tỉnh cùng tên.

"UAV Nga bay lượn thoải mái để chỉ điểm mục tiêu cho tên lửa. Mục tiêu lần này là trực thăng vũ trang Mi-24 và các trang thiết bị hỗ trợ tại sân bay. Dữ liệu giám sát thực địa cho thấy chiếc Mi-24 cùng 4 xe kỹ thuật đã bị phá hủy, 20 binh sĩ đối phương chết hoặc bị thương", tài khoản này cho hay.

Lỗ hổng phòng không khiến Ukraine mất loạt máy bay quý giá

Đòn tập kích của Nga nhằm vào trực thăng Mi-24 Ukraine ở sân bay Poltava hôm 2/7. Video: Telegram/The_Wrong_Side

Đòn tập kích diễn ra chỉ một ngày sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công tên lửa nhằm vào sân bay quân sự Mirgorod cách đó 70 km, phá hủy 5 tiêm kích Su-27 và làm hư hỏng nặng 2 chiếc khác.

Sân bay Poltava là căn cứ của Lữ đoàn không quân lục quân số 18, đơn vị vận hành trực thăng đa dụng Mi-8MSB và trực thăng tấn công Mi-24. Trong khi đó, căn cứ Mirgorod là nơi đóng quân của Lữ đoàn Không quân Chiến thuật số 831 và 39 Ukraine, được biên chế gần 40 tiêm kích hạng nặng Su-27 trước khi chiến sự bùng phát.

Hai sân bay quân sự đều nằm sâu trong hậu phương của Ukraine, cách tiền tuyến khoảng 100-150 km. Đây đều là những căn cứ quan trọng và đáng lẽ phải được bảo vệ bởi hệ thống phòng không nhiều lớp của Ukraine.

Tuy nhiên, UAV Nga vẫn liên tục quần thảo trên bầu trời để chỉ thị mục tiêu cho tên lửa mà không bị ngăn chặn trong cả hai cuộc tập kích. Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhận định đây là dấu hiệu cho thấy phòng không Ukraine đang suy yếu nghiêm trọng, tạo ra lỗ hổng để Nga tận dụng và tung các đòn đánh có độ chính xác cao.

"Số đợt tập kích nhằm vào sân bay quân sự Ukraine đã tăng dần từ cuối năm ngoái, phá hủy nhiều phi cơ quý giá như tiêm kích Su-27 và MiG-29, cường kích Su-25 và trực thăng Mi-24. Không quân và không quân lục quân Ukraine đã thiệt hại nặng nề do chiến sự, khó lòng duy trì lực lượng chiến đấu nếu tình trạng này tiếp diễn", cây bút David Axe viết trên Forbes.

Không rõ số lượng chiến đấu cơ còn đủ khả năng vận hành trong biên chế quân đội Ukraine, nhưng Kiev gần như không còn nguồn cung máy bay hoàn chỉnh và phụ tùng đi kèm. Các nước phương Tây dự kiến viện trợ hàng chục tiêm kích hạng nhẹ F-16 và Mirage 2000 cho Ukraine, nhưng chúng cũng rất dễ tổn thương nếu hệ thống phòng không của Kiev tiếp tục bộc lộ lỗ hổng như vậy.

"Đây là cuộc khủng hoảng phòng không. Quân đội Ukraine thường bảo vệ những căn cứ quan trọng nhất bằng lưới phòng không đa tầng, với hàng loạt tổ hợp tên lửa từ tầm ngắn đến xa. Tuy nhiên, họ đang gặp rất nhiều khó khăn vì phải cùng lúc che chắn các thành phố, điểm tập kết binh lực cùng căn cứ chủ chốt như Mirgorod và Poltava", Axe nhận xét.

Khoảnh khắc Nga tấn công loạt tiêm kích Su-27 ở căn cứ Ukraine

Khoảnh khắc Nga tập kích loạt tiêm kích Su-27 Ukraine ở căn cứ Mirgorod hôm 1/7. Video: Telegram/Fighter_Bomber

Trước khi chiến sự bùng phát, quân đội Ukraine sở hữu khoảng 400 hệ thống tên lửa phòng không các loại. Họ đã mất ít nhất 140 hệ thống trong hơn hai năm giao tranh và tiếp nhận khoảng 100 tổ hợp thay thế.

Về lý thuyết, Ukraine chỉ mất 10% lực lượng phòng không so với trước xung đột, nhưng lưới phòng thủ này đang bị kéo giãn hơn rất nhiều. Nga giờ đây không chỉ tập kích căn cứ quân sự mà còn nhắm tới cơ sở hạ tầng năng lượng, công nghiệp và giao thông tại các thành phố lớn.

Quân đội Nga thời gian qua cũng liên tục tập kích những hệ thống phòng không tầm xa S-300PS, cùng loạt tổ hợp tên lửa hiện đại của phương Tây được Ukraine triển khai gần tiền tuyến như Patriot, IRIS-T và NASAMS. Điều đó buộc quân đội Ukraine rút những tổ hợp phòng không hiện đại nhất về quanh các đô thị trọng yếu, trong đó có thủ đô Kiev.

"Có vẻ quân đội Ukraine đã đánh đổi khả năng phòng thủ những căn cứ không quân chủ chốt để tăng cường bảo vệ các thành phố lớn. Điều này dẫn đến việc UAV Nga có thể quần thảo trên sân bay Mirgorod và Poltava trong suốt nhiều giờ, đến mức nhiều binh sĩ Ukraine có thể thấy rõ, nhưng không ai bắn hạ được chúng", Axe nói.

Nga cũng gặp vấn đề tương tự, khi thường xuyên hứng chịu những cuộc tập kích bằng UAV tầm xa và tên lửa của Ukraine. Tuy nhiên, Moskva có nhiều căn cứ và phi cơ hơn Kiev, cho phép họ áp dụng hàng loạt biện pháp đối phó và nhanh chóng bù đắp tổn thất.

Các xe bệ phóng Patriot Ukraine bị phá hủy trong đòn tập kích của Nga hồi tháng 3. Ảnh: Zvezda

Các xe bệ phóng Patriot Ukraine bị phá hủy trong đòn tập kích của Nga hồi tháng 3. Ảnh: Zvezda

Mỹ đang chuẩn bị gói viện trợ quân sự 2,3 tỷ USD cho Ukraine, trong đó bổ sung tên lửa cho hệ thống Patriot và NASAMS, nhưng nhiều khả năng chúng sẽ được sử dụng để tăng cường bảo vệ các thành phố lớn, thay vì sân bay quân sự. "Cần bảo đảm có lưới phòng không ở các khu vực bạn đang đầu tư", Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói.

Lỗ hổng phòng không nghiêm trọng buộc quân đội Ukraine áp dụng những giải pháp tình thế nhằm đối phó.

Một trong số đó là bố trí các tổ hỏa lực mang súng máy và tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) để ngăn UAV đối phương trinh sát và chỉ điểm mục tiêu. Dù vậy, phương án này dường như không phát huy hiệu quả, do UAV Nga hoạt động ở độ cao 5 km trên vùng trời tỉnh Poltava, ngoài tầm bắn của súng máy và MANPADS.

Video đòn tấn công nhằm vào sân bay Mirgorod hôm 1/7 cũng cho thấy quân đội Ukraine đã vẽ hình nhiều tiêm kích Su-27 trên nền bãi đỗ, dường như để đánh lừa UAV Nga. Biện pháp này từng được Nga áp dụng để đối phó vệ tinh do thám, cũng được cho là có thể đánh lừa một số loại cảm biến trên UAV tự sát và tên lửa hành trình của Ukraine.

Tuy nhiên, UAV trinh sát Nga hoạt động suốt nhiều giờ trong điều kiện ban ngày và tầm nhìn tốt, khiến các hình vẽ lộ rõ, không đạt tác dụng như mong muốn.

Vị trí căn cứ Mirgorod và Poltava. Đồ họa: WP

Vị trí căn cứ Mirgorod và Poltava. Đồ họa: WP

Giới chuyên gia quân sự phương Tây cảnh báo rằng việc để UAV Nga thoải mái hoạt động ở khu vực cách tiền tuyến hơn 150 km, liên tục chỉ điểm mục tiêu theo thời gian thực là điều rất đáng lo ngại với quân đội Ukraine.

"Vấn đề che chắn phi cơ và ngăn chặn UAV đối phương hoạt động trên sân bay sẽ ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Ukraine sắp tiếp nhận tiêm kích F-16 từ phương Tây, vì chúng sẽ là mục tiêu hàng đầu trong những đòn tập kích của Nga", cây bút Howard Altman viết trên chuyên trang quân sự War Zone của Mỹ.

Vũ Anh (Theo Forbes, War Zone)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét