Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Sunak đã khiến người Anh thất vọng vì kinh tế sa sút cùng nhiều bê bối nội bộ và phải trả giá trong cuộc bầu cử sớm.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 5/7 thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử và chúc mừng lãnh đạo Công đảng Keir Starmer đã giành chiến thắng. Kết quả sơ bộ cho thấy Công đảng đã giành được 412 ghế nghị sĩ quốc hội, giành thế đa số tuyệt đối để thành lập nội các và bầu tân thủ tướng thay thế ông Sunak.
Thất bại này khép lại hơn một thập kỷ nắm quyền liên tiếp của đảng Bảo thủ từ năm 2010 với 5 đời thủ tướng. Lịch sử cầm quyền của đảng cũng chứng kiến những thời khắc mang tính lịch sử, như cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 để Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Nhưng hậu Brexit, nền kinh tế Anh gặp nhiều khó khăn và sau đó bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 cùng xung đột Ukraine. Đảng Bảo thủ đã không khắc phục được tình trạng này, trong khi thường xuyên đối mặt tình trạng chia rẽ vì những mâu thuẫn và bê bối nội bộ, khiến họ dần đánh mất lòng tin của cử tri.
Hồi tháng 5, ông Sunak khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định tổ chức bầu cử quốc hội ngày 4/7, sớm hơn so với quy định là tháng 1/2025. Thời điểm đó, đảng Bảo thủ đang kém xa các đối thủ trong những cuộc thăm dò dư luận, nhưng Thủ tướng Sunak đang đặt một ván cược lớn khi kinh tế Anh có dấu hiệu khởi sắc.
Nhưng đảng Bảo thủ đã không tận dụng được điều đó, các ứng viên của họ vẫn tiến hành chiến dịch tranh cử đầy rẫy sai lầm, theo Max Colchester và David Luhnow, hai nhà phân tích của WSJ. Điều này khiến các phóng viên đã ví ông Sunak như "thuyền trưởng của con tàu đang chìm dần".
Bất chấp những cam kết cắt giảm thuế và áp dụng chính sách nhập cư cứng rắn mà ông Sunak đưa ra, kết quả thăm dò dư luận vẫn không cải thiện với đảng Bảo thủ.
Ông Sunak đã "đi khắp đất nước để hứng thêm những cú đánh", Andrew Cooper, thành viên đảng Bảo thủ ở Hạ viện kiêm nhà khảo sát dư luận, nói trước cuộc bỏ phiếu. "Nếu đây là trận đấu quyền anh, họ đã tuyên bố kết thúc ngay bây giờ".
Tuy nhiên, ông Sunak và các thành viên cấp cao của đảng Bảo thủ khi đó vẫn bảo vệ chiến dịch tranh cử và nói rằng kết quả là điều không thể đoán trước.
Cuộc khảo sát của Ipsos tuần trước chỉ ra có tới 75% người được hỏi cho rằng ông Sunak không làm tốt công việc, tỷ lệ không tín nhiệm cao nhất trong bất kỳ thủ tướng nào của Anh suốt 50 năm qua. Giới quan sát thậm chí dự báo ông Sunak, người từng được ca ngợi là ngôi sao đang lên của đảng Bảo thủ, có chưa tới 0,7% cơ hội tiếp tục làm thủ tướng.
Ngoài lý do khách quan là cử tri Anh dường như muốn tìm kiếm sự thay đổi sau nhiều nhiệm kỳ liên tiếp của đảng Bảo thủ, đảng của ông Sunak cũng bị đánh gục bởi chính sách điều hành kinh tế của họ. Trong 5 năm qua, tiền lương thực tế ở Anh đã liên tục giảm vì Brexit, đại dịch và xung đột Ukraine, trong khi giá năng lượng và lạm phát tăng vọt.
Để bảo vệ nền kinh tế khỏi khủng hoảng kép đại dịch và chiến sự, chính phủ của ông Sunak đã tăng mạnh chi tiêu và đánh thuế, khiến thuế suất ở nước này tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1940.
Anh cũng đối mặt tình trạng dòng người nhập cư cao kỷ lục. Người dân phàn nàn về tình trạng phải chờ đợi quá lâu tại các cơ sở điều trị y tế nhà nước. Lạm phát đã giảm từ 11% xuống 2%, nhưng lãi suất vẫn chưa được giảm tương ứng.
Tình trạng thuế cao và dòng người nhập cư tràn vào Anh được coi là lý do khiến phong trào cánh hữu trỗi dậy, với sự trở lại chính trường Anh của Nigel Farage, người theo chủ nghĩa dân túy đã thúc đẩy Brexit và hiện là lãnh đạo đảng Cải cách cánh hữu mới thành lập.
Đảng Bảo thủ từng được coi là trụ cột của nền chính trị Anh từ năm 2010, khi họ quay lại nắm quyền sau tàn dư của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Đảng Bảo thủ đã cứu vãn ngân sách quốc gia bằng cách cắt giảm chi tiêu công thay vì tăng thuế hoặc vay thêm. Sau vài năm, các khoản cắt giảm ngân sách liên tục đã khiến dịch vụ công như hệ thống y tế do nhà nước tài trợ xuống cấp.
Đảng Bảo thủ sau đó tìm cách thu hút sự ủng hộ của công chúng bằng ván cược Brexit. Lãnh đạo Bảo thủ vận động người dân chọn ở lại EU và dường như tin rằng mọi chuyện sẽ như ý. Song, cử tri nước Anh đã chọn rời EU.
Đảng Bảo thủ dưới thời ông Boris Johnson đã lập lại vị thế hậu Brexit và tăng cường củng cố nền kinh tế. Song ông Johnson đã bị lật đổ sau nhiều bê bối liên tiếp, gồm cả vụ tham gia tiệc tùng trong thời gian Anh áp lệnh phong tỏa vì Covid-19.
Niềm tin của cử tri đối với đảng Bảo thủ ngày càng xói mòn sau khi người kế nhiệm ông là Liz Truss nhậm chức. Chính sách kinh tế theo chủ nghĩa tự do mà bà theo đuổi gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp.
Bà Truss chỉ tại vị 6 tuần trước khi Thủ tướng Sunak được các thành viên đảng Bảo thủ bầu lên, với hy vọng hạn chế thiệt hại cho Anh. Ông Sunak đã giúp ổn định một phần nền kinh tế bằng cách tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, bình ổn đồng bảng Anh.
Ba tháng sau khi tại nhiệm, hồi tháng 1/2023, ông Sunak đưa ra loạt cam kết, trong đó có giảm lạm phát, tăng trưởng kinh tế, giảm nợ quốc gia. Một số nhà quan sát chỉ ra đây là thời điểm mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ, khi nền kinh tế không tăng trưởng như kỳ vọng.
Một số đồng nghiệp của ông Sunak tin rằng các cam kết trên không đủ sức gây hứng thú hoặc thuyết phục được người dân. "Các cam kết được đưa ra quá vội vã. Ông ấy nên hành động mạnh mẽ và táo bạo hơn", một cựu thành viên đảng Bảo thủ nói.
Bầu không khí trong đảng Bảo thủ nửa đầu năm 2024 được một đồng minh của ông Sunak mô tả là "chúng tôi phải làm việc để chống lại rất nhiều bất bình từ nhiều bộ phận của đảng".
"Ông Sunak bắt đầu rơi vào vị thế tồi tệ và tình hình ngày càng xấu hơn", Philip Cowley, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary ở London, nói.
Thủ tướng Sunak tổ chức bầu cử sớm với tính toán rằng các chính sách của Công đảng khi bị cử tri soi xét trong giai đoạn tranh cử sẽ sớm sụp đổ. Ông cũng hy vọng động thái bất ngờ này sẽ khiến đảng Cải cách của Farage bị bất ngờ và không kịp trở tay. Song Farage đã nhanh chóng nhập cuộc và ra thông điệp rằng đảng Bảo thủ không nghiêm túc thực hiện chính sách hạn chế nhập cư.
Sau đó, ông Sunak đã tặng thêm cho Farage món quà bầu cử khi rời sự kiện kỷ niệm 80 năm Ngày đổ bộ D-Day ở Pháp sớm hơn dự kiến để tham gia cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Lãnh đạo đảng Cải cách lập tức công kích, cáo buộc hành động này cho thấy lãnh đạo Bảo thủ không yêu nước. Ông Sunak đã phải lên tiếng xin lỗi nhưng không thể cứu vãn tổn thất.
Rắc rối chưa dừng ở đó. 15 ứng viên và quan chức Bảo thủ đang bị điều tra vì cáo buộc cá cược xoay quanh việc Anh sẽ tổ chức bầu cử sớm khi nào. Anh cho phép cá cược liên quan đến chính trị, nhưng cá cược khi có nguồn tin nội bộ là phạm pháp.
Thủ tướng Sunak, người giàu nhất trong quốc hội Anh một phần nhờ cuộc hôn nhân với con gái tỷ phú Ấn Độ, cũng gặp nhiều khó khăn khi kết nối với công chúng Anh.
Trong chương trình trò chuyện tuần trước, một phụ nữ đặt câu hỏi cho ông Sunak rằng "Làm sao một thủ tướng giàu hơn cả vua có thể thấu hiểu nhu cầu hay khó khăn của chúng tôi?". Thủ tướng Anh trả lời: "Khi nói tới các điểm cứu trợ thực phẩm, tôi rất biết hơn những người đã hỗ trợ họ", nhưng không đề cập gì đến những người phải nhận đồ cứu trợ để sống qua ngày.
Ông Sunak, thủ tướng trẻ nhất của Anh trong hơn 200 năm qua, từng được rất nhiều người ủng hộ. Họ cho rằng việc ông giúp đất nước thoát khỏi tình trạng hỗn loạn cuối năm 2022 là thành tích đáng kể.
"Ông ấy là người đàn ông tử tế, không màng lợi ích cá nhân. Ông ấy làm việc chăm chỉ và tận tụy. Tôi chưa từng thấy ông ấy lợi dụng chuyện gì để giành quyền lực", một quan chức giấu tên trong chính phủ Anh nói, thêm rằng họ "ngủ ngon hơn" sau khi ông Sunak nhậm chức Thủ tướng.
Nhưng khi tình hình ngày càng trở nên tồi tệ, sự ủng hộ với Sunak giảm dần. Hơn 60 nghị sĩ đảng Bảo thủ đã tuyên bố không tham gia tranh cử do sợ thua cuộc hoặc chỉ đơn giản là cảm thấy kiệt sức vì những căng thẳng và bất bình trong nội bộ đảng.
"Ông ấy giống như một cây cảnh bằng nhựa, trông xa thì rất đẹp, nhưng càng đến gần, bạn càng nhận ra đó không phải thứ thực tế", một thành viên đảng Bảo thủ nói về Thủ tướng Sunak.
"Gửi tới các ứng viên giỏi giang, chăm chỉ của đảng Bảo thủ, những người đã nỗ lực không mệt mỏi, hết lòng đóng góp, cống hiến cho cộng đồng: Tôi xin lỗi mọi người", ông Sunak nói trong thông điệp thừa nhận thất bại.
Thùy Lâm (Theo WSJ, BBC, Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét