Shinzo Abe, 65 tuổi, vừa thông báo từ chức, khép lại chặng đường dài 8 năm với nhiều thành tựu đáng nhớ và cả cam kết chưa thể hoàn thành.
Shinzo Abe hôm 24/8 đạt thêm cột mốc trong sự nghiệp chính trị khi trở thành thủ tướng có nhiệm kỳ lâu nhất của Nhật Bản. Khi Abe trở lại vai trò lãnh đạo Nhật Bản vào tháng 12/2012, nhiều người phản đối lo ngại rằng ông sẽ hướng đất nước và người dân Nhật Bản theo hướng chủ nghĩa dân tộc bảo thủ, điều mà họ đúc kết từ các hoạt động, bài viết hay phát biểu của ông. Họ cũng lo ngại Abe sẽ làm tổn hại mối quan hệ giữa Nhật Bản với các nước trong khu vực.
Song nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe hoàn toàn khác với những điều nhiều người tưởng tượng ở cả cấp độ trong nước và quốc tế. Cũng như tất cả lãnh đạo chính trị, nhiệm kỳ của Abe cũng chứng kiến thành công, thất bại và cơ hội bị bỏ lỡ, theo Stephen R. Nagy, thành viên Viện nghiên cứu Nhật Bản về vấn đề quốc tế.
Abe là người khởi xướng Abenomics, chiến lược kinh tế kết hợp giữa nới lỏng định lượng, kích thích tài khóa thông qua cải cách cơ cấu và chi tiêu chính phủ. Ngay từ khi bắt đầu, các chính sách mới đã tạo động lực cho nền kinh tế, cho tới khi hai lần tăng thuế tiêu thụ chưa được cân nhắc kỹ được thông qua năm 2014 và 2019. Ngân hàng Thế giới (WB) và nhiều tổ chức khác cũng cho rằng Abenomics đã mất đà khi không đáp ứng đủ cam kết cải cách cơ cấu.
Chính sách bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nhật Bản. Khi sóng gió này chưa kịp qua đi, "sóng thần" Covid-19 càng nhấn chìm nền kinh tế của quốc gia Đông Á, khiến tình hình hiện tại không khá khẩm hơn thời điểm ông Abe lên nắm quyền.
Ngoài Abenomics, Thủ tướng Abe còn khởi xướng Womenomics, chính sách biến Nhật Bản thành nơi "phụ nữ có thể tỏa sáng".
Theo báo cáo của Goldman Sachs năm 2019, tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản tham gia thị trường lao động lên tới 71%, vượt qua Mỹ và châu Âu. Nhật cũng được đánh giá có chính sách nghỉ phép dành cho cha mẹ tốt, cải thiện tính minh bạch về giới tính cùng nhiều cải cách lao động.
Tuy nhiên, báo cáo này cũng chỉ ra "ít lãnh đạo nữ, bất bình đẳng giới về tiền lương, hợp đồng lao động thiếu linh hoạt, ưu đãi thuế hay thành kiến" là các vấn đề tồn động trong chính sách của ông Abe.
Stephen R. Nagy cho hay việc chỉ có một số thành viên Nội các là phụ nữ và cũng chỉ có 10% số ghế ở Hạ viện do các nhà lập pháp nữ nắm giữ cho thấy Womenomics không giải quyết được vấn đề bất bình đẳng giới ở Nhật Bản.
Phản ứng với Covid-19 của Thủ tướng Abe cũng dẫn đến nhiều phản ứng trái chiều. Quyết định cách ly du thuyền Diamond Princess của ông Abe hồi đầu tháng hai vấp nhiều chỉ trích, dù Mỹ, Australia và nhiều quốc gia khác cũng làm tương tự.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hồi tháng 4 cũng được đánh giá là khá chậm trễ, dù nó giúp giảm số ca nhiễm nCoV của Nhật Bản sau đó. Quốc gia này đã đối mặt với làn sóng bùng phát thứ sau khi dỡ tình trạng khẩn cấp hồi cuối tháng 5. Nhật Bản đã ghi nhận hơn 65.000 ca nhiễm và 1.200 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm mới hàng ngày giảm từ mức đỉnh điểm gần 2.000 ca hôm 3/8 xuống hơn 800 ca hôm 27/8.
Nagy cho rằng di sản về các vấn đề trong nước của Abe sẽ được quyết định dựa trên tình hình đại dịch trong năm tới, hơn là các sáng kiến nổi bật khác của ông.
Trên mặt trận đối ngoại, các lãnh đạo chính trị thường để lại nhiều dấu ấn hơn và Abe không ngoại lệ. Khi Abe lên nắm quyền năm 2012, mối quan hệ Trung - Nhật trong giai đoạn căng thẳng liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên nồng ấm hơn dưới thời Abe, với chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến hồi đầu năm nay, dù hiện tại bị hoãn lại do Covid-19.
Nỗ lực ngoại giao của Abe đã giúp mang tới "văn kiện chính trị thứ 5", tài liệu định hình mối quan hệ Trung - Nhật trong thập kỷ tới. Tuy nhiên Covid-19, đại dịch khiến nhiều người Nhật tăng thêm hoài nghi về Trung Quốc, cùng căng thẳng Mỹ - Trung leo thang có thể cản trở việc theo đuổi văn kiện này và hiện thực hóa sớm chuyến thăm của ông Tập.
Trong mối quan hệ với Hàn Quốc, ông Abe cũng từng ghi điểm khi đạt thỏa thuận song phương với Seoul về vấn đề "phụ nữ mua vui" vào tháng 12/2015, đặt nền móng cho mối quan hệ song phương. Tuy nhiên, tiến trình này đã dừng lại khi Tổng thống Moon Jae-in đắc cử năm 2017. Đe dọa rút khỏi thỏa thuận chia sẻ tình báo GSOMIA của chính quyền ông Moon và phán quyết của tòa án tối cao Hàn Quốc, yêu cầu công ty Nhật Bản bồi thường cho lao động thời chiến của quốc gia này, đã đẩy mối quan hệ song phương xuống mức thấp nhất kể từ sau khi bình thường hóa năm 1965.
Nhưng Abe có lẽ là một trong số ít chính trị gia Nhật Bản có thể tái thiết lập các quan hệ song phương nhờ vào các sáng kiến để giải quyết một số vấn đề cốt lõi gây chia rẽ với hai nước láng giềng. Thúc đẩy trao đổi văn hóa, giáo dục và kinh tế có thể là một sáng kiến như vậy, nơi công dân có thể tìm hiểu văn hóa giữa các nước để xây dựng cầu nối tương lai, thay vì rào cản của quá khứ.
Thách thức lớn nhất của Thủ tướng Abe trong nhiệm kỳ 8 năm có lẽ mối quan hệ Mỹ - Nhật dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), áp thuế với nhôm và thép của Nhật Bản, khơi mào căng thẳng thương mại với Trung Quốc và khuyến khích Tokyo ký thỏa thuận thương mại nhỏ hồi tháng 9 năm ngoái.
Abe đã ứng phó với thái độ nóng, lạnh thất thường của Trump theo nhiều cách. Đầu tiên, ông tìm xây dựng mối quan hệ cá nhân ở cấp độ lãnh đạo, trong khi hạn chế chỉ trích Trump và chính quyền của ông.
Thứ hai, Abe tăng cường chuyến thăm của các quan chức lực lượng quốc phòng, chính trị gia, học giả, viện nghiên cứu và chủ doanh nghiệp Nhật Bản với Washington. Cách tiếp cận này đã củng cố các mối quan hệ, để chúng không dễ dàng bị phá vỡ bởi các bài đăng Twitter hay tuyên bố sai lầm của Trump.
Thứ ba, Abe cũng đầu tư nhiều vào chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy trật tự dựa trên nguyên tắc. Bằng cách sử dụng chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP), cùng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thỏa thuận đối tác kinh tế với Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản đã kéo nhiều bên vào thỏa thuận Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm đảm bảo thị trường thương mại và tạo ra nhóm quốc gia luôn hành động dựa trên nguyên tắc.
Quan hệ Đối tác về Kết nối bền vững và Cơ sở hạ tầng chất lượng giữa EU và Nhật Bản, cũng như Đối tác Cơ sở hạ tầng ba bên Australia - Nhật - Mỹ là minh chức cho cách tiếp cận của Abe để hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, nhưng đồng thời cũng đa dạng hóa mối quan hệ đối tác của Nhật Bản, phản ánh tính tự chủ trong chính sách đối ngoại.
Chính sách đối ngoại của Thủ tướng Abe đã nhận được đánh giá cao từ Viện Chỉ số Quyền lực châu Á Lowy, khi cho rằng Nhật Bản "là lãnh đạo về trật tự tự do của châu Á". Khảo sát về tình hình Đông Nam Á 2020 của Viện ISEAS-Yusof Ishak có cùng kết luận này, khi đánh giá Nhật Bản là quốc gia đáng tin cậy nhất trong khu vực. Đây là những kết quả mà Thủ tướng Abe mang lại trong suốt nhiệm kỳ thủ tướng.
Phó giáo sư Stephen R. Nagy nhận định người kế nhiệm vị trí thủ tướng Nhật Bản có thể học hỏi được nhiều điều quan trọng từ nhiệm kỳ của ông Abe trong 8 năm qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét