Sau hai năm đầu khá nổi trội tại Đại học Luật Hà Nội, Nguyễn Anh Thư bị choáng khi đến Singapore, phải học đến 3-4h sáng để bắt kịp bạn bè.
Từ giữa tháng 7, Anh Thư, sinh năm 1998, sống tại Hà Nội, đã bận rộn với công việc tại một công ty luật đa quốc gia, chuyên mảng sở hữu trí tuệ. Thư làm việc ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội, chuyên ngành Luật chất lượng cao.
Với Thư, việc trở thành sinh viên Đại học Luật Hà Nội có phần "thuận theo tự nhiên". Bố mẹ đều trong ngành luật, từ nhỏ Thư đã được tiếp cận với nhiều sách, tài liệu viết về lĩnh vực này. Trong những bữa cơm gia đình, em bị hấp dẫn bởi những cuộc trò chuyện của bố mẹ. Càng dành thời gian tìm hiểu, Thư càng yêu thích ngành này và dần tìm được hướng đi cho bản thân.
Sau khi tốt nghiệp lớp chuyên tiếng Trung, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Thư không lựa chọn các chương trình ngôn ngữ như bạn bè mà nộp duy nhất một nguyện vọng vào ngành Luật chất lượng cao, Đại học Luật Hà Nội. Đạt 25,5 điểm khối D1 (Toán, Văn, tiếng Anh), Thư trở thành á khoa đầu vào năm đó.
Để chọn một mốc thời gian quan trọng trong quãng đời sinh viên, Thư không do dự chia sẻ về cơ hội được học tập tại Singapore nhờ chương trình trao đổi sinh viên quốc tế của Đại học Luật Hà Nội.
Trước khi bước chân tới đảo quốc sư tử, quãng thời gian trên giảng đường đại học của Thư tương đối thuận lợi. Ở trường, nữ sinh cảm thấy mình khá nổi trội cả trong học tập và hoạt động ngoại khóa, việc học cũng nhẹ nhàng hơn các bạn do đã quen với cường độ ôn luyện tại trường THPT chuyên.
Đến học kỳ II năm thứ ba, Thư vượt qua ba vòng tuyển chọn từ phía Việt Nam và Singapore, trở thành đại diện duy nhất của Đại học Luật Hà Nội sang Khoa Luật, Đại học Quốc gia Singapore học 6 tháng. Những ngày đầu, Thư "choáng" với môi trường học tập quốc tế khác lạ và mức độ cạnh tranh cao của sinh viên. Nếu như ở Việt Nam, chỉ cần làm đúng theo đáp án, biểu điểm, sinh viên có thể giành điểm A, nhưng ở Singapore số điểm A, A+ của mỗi lớp chỉ chiếm tỷ lệ phần trăm nhất định nên việc cạnh tranh sẽ khắc nghiệt hơn.
Từ phòng ký túc xá của Đại học Quốc gia Singapore, Thư có thể nhìn xuống khu vực tự học cho sinh viên, nơi đông nghịt người dù đã 3-4h sáng. "Sốt ruột và sợ bị bỏ lại, mình luôn cố học theo mọi người. Tầm hơn 4h khi phòng tự học vơi bớt, mình mới cho phép bản thân nghỉ ngơi", Thư kể. Mỗi ngày, nữ sinh dành đến 12 tiếng để học. Sau khi hoàn thành buổi học sáng 9-12h, Thư ăn trưa rồi ra thư viện đọc sách đến 17h, ăn tối và lại ngồi bàn học từ 20h đến 3-4h hôm sau.
Nỗ lực gấp nhiều lần, nữ sinh vẫn gặp khó khăn trong viết luận. Với bài giữa kỳ môn Công pháp quốc tế, sinh viên phải hoàn thành trong 6 tiếng với tối thiểu 5.000 từ. Thế nhưng dù cố thế nào, Thư cũng chỉ viết được 3.000 chữ nên nhận điểm B. "Thầy giáo chấm bài bảo, không cần đọc tên sinh viên cũng biết bài đó của mình vì dung lượng ngắn hơn các bạn. Bài làm đầy đủ ý chính nhưng không đảm bảo số chữ yêu cầu nên điểm mình không cao", Thư nhớ lại.
Nhìn nhận lại, nữ sinh tìm ra thiếu sót khi chưa biết cân đối thời gian và tập trung cải thiện. Thành tích của Thư tốt hơn trong các môn sau và dần bắt kịp các bạn. Kết thúc kỳ học 6 tháng tại Singapore, cô gái Hà Nội nằm trong top 5 sinh viên quốc tế tốt nhất khóa, được xét thẳng để học thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore.
Cũng trong thời gian học trao đổi, Thư tham dự hạng mục Hòa giải viên của cuộc thi Hòa giải quốc tế do Viện Hòa giải quốc tế Singapore tổ chức, quy tụ 140 đội của hơn 40 quốc gia. Cuộc thi gồm 5 vòng, diễn ra liên tục trong 5 ngày. Tại mỗi vòng, ban tổ chức sẽ đặt tình huống tranh chấp giữa bên A và B, sinh viên tham dự phải tìm cách hòa giải hợp lý nhất có thể.
Thư gặp khó khăn khi vừa phải nghe hiểu từng bên nói gì, vừa phải tìm và diễn đạt cách giải quyết. Nữ sinh có thành tích vòng 1 khá tệ, bị ban giám khảo phê bình. Sau khi rút ra kinh nghiệm và làm chủ thời gian thuyết trình tốt hơn, Thư lấy lại phong độ, giành điểm trong những vòng còn lại. Chung cuộc, Thư giành huy chương vàng hạng mục Hòa giải viên, cũng là thành tích cao nhất của Đại học Luật Hà Nội trên đấu trường quốc tế từ trước tới nay.
Trở về sau chuyến trao đổi, nữ sinh tự thấy mình đã trưởng thành và tự tin hơn trước. "Hóa ra mình cũng không quá tệ, có thể thử sức và khám phá bản thân tại nhiều khía cạnh mới", Thư tự nhủ. Nữ sinh nói không có cách học đặc biệt ngoài việc chú ý nghe giảng. Là người hoạt ngôn, Thư thường tích cực phát biểu, trao đổi với giảng viên những điều chưa rõ. "Ngành luật đặc thù, mình phải nói, phải tranh luận để nắm rõ bản chất, nếu không hiểu sai luật rất nguy hiểm", nữ sinh chia sẻ.
Khi làm khóa luận tốt nghiệp, Thư thử sức với đề tài sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội. Với lợi thế ngoại ngữ, nữ sinh quyết định thực hiện khóa luận bằng tiếng Anh. Đánh giá đây là đề tài mới, ít tài liệu nên trong lúc thực tập, Thư chủ động hỏi anh chị tại nơi làm việc và đọc thêm sách. Nữ sinh dành thời gian buổi tối để nghiên cứu, thường thức đến 2-3h sáng vì biết rằng "cái gì cũng có giá của nó". Sau ba tháng, Thư nhận trái ngọt khi hội đồng đánh giá khóa luận xuất sắc, xứng đáng nhận điểm tuyệt đối 10/10 và tốt nghiệp với điểm 3.71/4, trở thành thủ khoa đầu ra của trường.
PGS TS Vũ Thị Hải Yến, Phó trưởng khoa Pháp luật Dân sự, Đại học Luật Hà Nội, là giảng viên môn Sở hữu trí tuệ của Thư, cũng là người hướng dẫn nữ sinh thực hiện khóa luận về đề tài này. Cô Yến đánh giá Thư có khả năng nghiên cứu độc lập, thông minh, chăm chỉ và ham học hỏi. Trong lớp, nữ sinh luôn tích cực trao đổi với giáo viên, hăng hái phát biểu và đưa ra nhiều ý kiến sắc sảo. "Tôi biết khả năng và học lực của Thư nhưng kết quả thủ khoa đầu ra thực sự khiến tôi bất ngờ và hạnh phúc", cô giáo chia sẻ.
Trải qua bốn năm tại Đại học Luật Hà Nội, nhiều người cho rằng Thư có lợi thế khi có bố mẹ cùng ngành nhưng đối với nữ sinh, đó lại là áp lực bởi "nhận được nhiều sự chú ý đồng nghĩa với kỳ vọng cũng lớn hơn". Điều khiến Thư tiếc nuối là dành tương đối nhiều thời gian cho việc học mà ít tham gia hoạt động ngoại khóa. "Giá mình đừng đặt quá nhiều áp lực cho bản thân, trải nghiệm của mình tại đại học sẽ thoải mái và vui vẻ hơn", Thư tâm sự.
Thời gian tới, cùng với công việc tại công ty luật hiện tại, Thư dự định đăng ký học luật sư, kéo dài một năm sau đó quay trở lại Singapore để học thạc sĩ. "Mình cho rằng để kiếm việc làm tốt, đúng ngành, sinh viên năm 3-4 cần năng động và tích cực tìm kiếm cơ hội. Nếu không thử sức, bạn sẽ không biết mình có thể làm được những gì, giống như mình trước kia", Thư nói.
Thanh Hằng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét