123 vị trí rào chắn các dự án ở 60 tuyến đường tại TP HCM, trong đó có 37 "lô cốt" mọc lên gần đây khiến cuộc sống người dân xung quanh bị đảo lộn.
Mở cửa quán ăn trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), chị Thái Kim Phụng, 32 tuổi, nói chưa khi nào ế ẩm như khoảng ba tháng qua. Quán vốn buôn bán thuận lợi bởi nằm gần giao lộ với đường Nguyễn Hữu Cảnh, ra vào khu Landmark 81, có nhiều sinh viên và người qua lại đi xe khách, nhưng giờ đìu hiu.
Từ lúc dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh triển khai tháng 10 năm ngoái, vài tháng sau khu vực trước nhà chị Phụng bị rào chắn, khách tới quán giảm dần, có ngày chỉ lèo tèo vài người. "Tiền thuê nhà 35 triệu đồng mỗi tháng, vừa ở vừa buôn bán nhưng vài tháng nay, doanh thu giảm hơn một nửa nên. Không đủ trả tiền thuê nên tôi đang tính tìm nơi khác", chị Phụng cho biết.
Nhìn những tấm tôn cao 2 m chắn trước mặt, chị Phụng cho biết đơn vị thi công xong đoạn nào tháo dỡ đoạn đó nhưng do nhà ở gần công trường, đường sá bụi mù mịt, ồn ào tiếng máy móc khiến không chỉ kinh doanh mà sinh hoạt gia đình bị xáo trộn. "Nhất là khi mưa lớn, đoạn này ngập nặng và cộng thêm rào chắn, vật liệu thi công ngổn ngang khiến mọi thứ thêm khổ sở", chị Phụng nói.
Cách đó hơn 3 km, trưa giữa tháng 8, dòng xe di chuyển chật vật trên đường Lương Định Của ở cả hai hướng qua đoạn rào chắn dài hơn 300 m gần giao lộ Mai Chí Thọ (quận 2). Hàng rào lưới thép chia đôi mặt đường. Nước trên đường đọng thành vũng lớn trong nhiều ngày, đục ngầu, bốc mùi hôi. Để tránh đoạn ngập, ôtô, xe máy chen nhau chạy lên phần đường cao khiến giao thông hỗn loạn, có người trượt ngã.
"Khi trời nắng bụi mù mịt còn lúc mưa dù nhỏ cũng lầy lội, kéo dài nhiều ngày. Đi lại không những khổ sở mà nhiều hàng quán phải đóng cửa do bán buôn ế ẩm", bà Loan, nhà gần UBND phường An Phú trên đường Lương Định Của, nói.
Ở gần đó, rào chắn công trình trên đường Trần Não cũng dày đặc. Nhiều đoạn chiếm hơn nửa mặt đường, chừa lại khoảng trống vừa đủ cho một ôtô chạy qua. Gần giao lộ Lương Định Của, hàng rào chiếm dụng toàn bộ một bên đường và xe cộ phải chuyển qua phần còn lại. Giờ cao điểm, ôtô nối đuôi nhau kéo dài, còn xe máy nhích từng chút một.
Theo chị Mai, bán tạp hóa ven đường, do bị "lô cốt" chắn nên xe cộ khi tới đây phải liên tục chuyển làn và quay đầu khiến giao thông hỗn loạn. Trong tháng 3, người đàn ông chạy xe máy khi tránh rào chắn đã tông vào ôtô tải bị tử vong. Nhiều người dân chứng kiến cảnh tượng đó chỉ mong dự án sớm hoàn thành, trả lại đường thông thoáng.
Thống kê đến tháng 7, TP HCM có 123 vị trí rào chắn trên 60 tuyến đường, tăng 37 vị trí so với hai tháng trước. Quận 2 như "đại công trường" khi có 30 vị trí rào chắn để các dự án lớn thi công như Metro Số 1, dự án cải thiện môi trường nước, hầu hết có từ nhiều năm.
Trong khi tại quận 7, bốn rào chắn vừa mọc tại hai dự án xây hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và nâng cấp hệ thống cửa xả đường Huỳnh Tấn Phát mới triển khai.
Riêng quận 8, trong 18 "lô cốt" tồn tại, đường Phạm Thế Hiển nhiều nhất khi có tới 8 vị trí. Trong khi xung quanh con đường này, hai hàng rào mới mọc ở các tuyến Cao Lỗ, Dương Bá Trạc, khiến nhiều người càng thêm ám ảnh về các dự án trên đường.
Bảo vệ tại cửa hàng ở ngã ba Phạm Thế Hiển - Cao Lỗ (phường 4), ông Nguyễn Trung Hiếu (58 tuổi), nói đoạn hàng rào tại đây đã có từ khoảng 2 năm nay nhưng chưa biết khi nào tháo dỡ. Mặt đường bị thu hẹp, ôtô không thể chạy hai chiều cùng lúc, xe máy chạy qua cũng chật vật.
"Bà con bức xúc lắm nhưng đành bấm bụng mà sống chung với lô cốt vì không còn cách nào", ông Hiếu nói và cho biết đã thấy thanh tra giao thông xử phạt nhà thầu nhiều lần do cẩu thả.
Ông Trần Quốc Khánh, Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải, cho biết 6 tháng đầu năm, đơn vị kiểm tra và xử lý 279 vụ vi phạm với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng tại các công trình thi công ẩu, không đúng giấy phép... Trong tháng 7, đơn vị này kiểm tra và nhắc nhở 113 trường hợp, nhiều nhất liên quan đến tình trạng rào chắn, với 39 trường hợp chưa đảm bảo.
Sở Giao thông Vận tải sẽ xử phạt nặng, thu hồi giấy phép, không cho thi công đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công tái phạm. Từ năm 2018, sở này cũng chỉ cấp phép đào đường, rào chắn thi công khi các chủ đầu tư có sự thống nhất với nhau, tránh việc "đường vừa được tái lập lại bị đào lên để làm công trình khác".
Trong khi nhiều dự án chậm tiến độ, vị trí rào chắn giăng đầy ảnh hưởng đến người dân thì ở một số dự án, nhà thầu được yêu cầu thi công nhiều mũi, cuốn chiếu, tháo dỡ ngay những đoạn đã làm xong.
Điển hình như ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Kênh Nước Đen (quận Bình Tân), dự án chưa đến thời hạn hoàn thành nhưng do thi công cuốn chiếu nên tháng 11 tới có ba vị trí rào chắn sẽ được tháo gỡ.
Tại quận 4, năm hạng mục thi công ở đường Bến Vân Đồn, Tôn Thất Thuyết (thuộc gói thầu G - dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi - Kênh Tẻ), từ cuối tháng 8 đến tháng 10 sẽ hết hạn. Theo kế hoạch các điểm rào chắn ở đây sẽ được gỡ bỏ để người dân đi lại thuận tiện.
Ở nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Văn Thương (quận Bình Thạnh), mới đây đoạn hàng rào công trình chắn ngang giao lộ được tháo dỡ, cải thiện đáng kể cảnh ùn ứ tại đây. Theo kế hoạch, một số hạng mục công trình chuẩn bị hết thời gian cấp phép thi công, chờ tháo dỡ rào chắn...
Gia Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét