Quân đội Trung Quốc nói Mỹ "bỏ qua luật pháp quốc tế" và "nhiều lần gây rối" ở Biển Đông.
"Lực lượng hải quân và không quân thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu phía Nam đã theo dõi, xác minh và xác định chiến hạm, đồng thời phát cảnh báo", Xinhua dẫn phát ngôn viên Bộ tư lệnh Chiến khu phía Nam, thượng tá Li Huamin cho biết tối 27/8.
"Mỹ bỏ qua các quy tắc luật pháp quốc tế, nhiều lần gây rối ở Biển Đông và thực hiện hành vi bá chủ hàng hải dưới mác tự do hàng hải", Li Huamin cho biết và khẳng định động thái của Mỹ làm suy yếu nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc cùng trật tự hàng hải ở Biển Đông.
Hạm đội Thái Bình Dương hải quân Mỹ hôm qua cho biết khu trục hạm USS Mustin di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hôm 27/8, "nhằm đảm bảo các tuyến hàng hải quan trọng trong khu vực vẫn tự do và mở".
Trước đó, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc phóng thử 4 tên lửa đạn đạo trong cuộc tập trận trái phép quanh quần đảo Hoàng Sa, chỉ trích Bắc Kinh "gây thêm bất ổn cho tình hình Biển Đông".
Thượng tá Li Huamin kêu gọi Mỹ ngừng "các hành động khiêu khích", quản lý chặt chẽ hoạt động của lực lượng không quân và hải quân, kiềm chế lực lượng tiền tuyến để không gây ra các sự kiện bất ngờ.
Mỹ gần đây triển khai chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông với tần suất dày hơn, nhằm thách thức yêu sách lãnh thổ phi lý do Trung Quốc đưa ra, trong bối cảnh hai nước leo thang căng thẳng quanh nhiều lĩnh vực.
Cục Hải sự tỉnh Hải Nam tuần trước thông báo Trung Quốc tổ chức tập trận trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và đông nam đảo Hải Nam ngày 24-29/8. Lầu Năm Góc cho biết cuộc tập trận là "động thái mới nhất trong chuỗi dài hành động của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải phi pháp và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng ngày 26/8 nói việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam, gây phức tạp tình hình, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, hủy bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự", bà Hằng nói.
Nguyễn Tiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét