Thứ Hai, 1 tháng 3, 2021

ASEAN 'kinh hoàng' trước bạo lực ở Myanmar

Ngoại trưởng Singapore cho biết ASEAN sẽ thắng thắn nói với chính quyền quân đội Myanmar rằng họ cảm thấy "kinh hoàng" trước tình trạng bạo lực gần đây.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan hôm nay tuyên bố lãnh đạo các nước ASEAN sẽ lên tiếng về tình hình bạo lực gần đây ở Myanmar, thêm rằng các quốc gia trong khu vực cần thảo luận cùng Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và quân đội để tìm ra giải pháp.

Ông Balakrishnan cũng nhận định hành động của lực lượng quân đội Myanmar đã gây ra thiệt hại rất lớn đối với nền kinh tế và xã hội của nước này. Ngoại trưởng Singapore trước đó kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar dừng sử dụng bạo lực gây chết người "và thực hiện ngay lập tức các bước giảm leo thang tình hình nhằm ngăn thêm đổ máu, bạo lực và thiệt mạng".

Người biểu tình Myanmar cầm khiên tự chế tháo chạy khi né đạn hơi cay từ lực lượng an ninh ở Yangon hôm 1/3. Ảnh: AFP.

Người biểu tình Myanmar cầm khiên tự chế tháo chạy khi né đạn hơi cay từ lực lượng an ninh ở Yangon hôm 1/3. Ảnh: AFP.

Các ngoại trưởng ASEAN hôm 1/3 đã thông báo sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến đặc biệt vào cuối ngày 2/3 để thảo luận tình hình Myanmar trong bối cảnh bạo lực leo thang tại nước này.

Tuần trước, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi gặp người đồng cấp Thái Lan Don Pramudwinai và Ngoại trưởng do quân đội Myanmar bổ nhiệm Wunna Maung Lwin tại Bangkok để thảo luận tình hình Myanmar.

Indonesia đang dẫn đầu nỗ lực định hướng con đường giải quyết khủng hoảng Myanmar với sự giúp đỡ của các thành viên ASEAN. Tuy nhiên, những nỗ lực này khiến giới hoạt động dân chủ Myanmar nghi ngờ, bởi họ lo ngại những tiếp xúc như vậy sẽ hợp pháp hóa chính quyền quân sự và loại bỏ cuộc bầu cử mà đảng của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng.

Kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2, hàng chục nghìn người Myanmar liên tục đổ xuống đường biểu tình phản đối chính phủ quân sự, khiến lực lượng này sử dụng nhiều biện pháp trấn áp như phun vòi rồng, bắn đạn chỉ thiên cảnh cáo.

Cảnh sát Myanmar hôm 28/2 đã bắn đạn thật để giải tán biểu tình tại nhiều địa phương, khiến ít nhất 18 người chết và 30 người bị thương, theo Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, một ủy ban đại diện các nghị sĩ Myanmar được bầu hồi tháng 11 năm ngoái khẳng định 26 người đã chết trong ngày bạo lực lên đỉnh điểm này.

Mỹ hôm 1/3 đã cảnh báo áp thêm trừng phạt với chính quyền quân đội Myanmar nếu họ tiếp tục dùng vũ lực với người biểu tình. Chính phủ Đức và Italy cùng ngày cũng triệu đại sứ Myanmar để yêu cầu chính quyền quân sự nước này chấm dứt ngay lập tức mọi hành động "đàn áp bạo lực" đối với các cuộc biểu tình dân chủ đang diễn ra trong nước.

Ngọc Ánh (Theo Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét