Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

Ca Covid-19 toàn cầu tuần qua tăng 14%

Thế giới ghi nhận gần 123 triệu ca Covid-19 toàn cầu, ca mới tuần qua gia tăng ở khắp nơi trên thế giới nhưng vẫn rất thấp so với mức kỷ lục hồi cuối tháng một.

Thế giới đã ghi nhận 122.846.029 ca nhiễm nCoV và 2.712.050 ca tử vong, trong khi 98.969.178 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Ca Covid-19 mới mỗi ngày tăng 14% tuần qua, lên khoảng 465.300, theo thống kê của AFP. Xu hướng tăng nhẹ này đã bắt đầu từ một tháng trước nhưng số ca nhiễm mới hiện nay vẫn kém xa kỷ lục 743.600 ca mới mỗi ngày trong tuần từ 5-11/1.

Bệnh nhân Covid-19 tại Bosnia và Herzegovina ngày 19/3. Ảnh: AFP.

Bệnh nhân Covid-19 tại Bosnia và Herzegovina ngày 19/3. Ảnh: AFP.

Châu Phi và Trung Đông tuần này ghi nhận số ca mắc mới không thay đổi nhiều so với tuần trước, trong khi các khu vực khác đều tăng, dẫn đầu là châu Á với mức tăng 34%, 18% ở châu Âu, 15% ở Mỹ và Canada và 5% ở châu Mỹ Latinh và Caribe. Số ca mới ở châu Đại Dương tăng 75% do sự gia tăng ở Papua New Guinea, trong khi nCoV gần như sạch bóng tại phần còn lại của khu vực.

Bangladesh là nước ghi nhận tốc độ gia tăng dịch bệnh nhanh nhất trong số các quốc gia báo cáo hơn 1.000 trường hợp hàng ngày trong tuần qua, khi ca mới tăng 92% lên 1.500 ca mỗi ngày. Theo sau là Moldova (tăng 78%, 1.800 trường ca), Ukraine (tăng 55%, 11.200 ca), Pakistan (52%, 2.600 ca) và Philippines (52%, 4.800 ca).

Mức giảm lớn nhất trong tuần này được ghi nhận ở Israel, một trong những quốc gia có chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới. Ca mới đã giảm 44% xuống còn 1.700 ca mỗi ngày. Theo sau là UAE (giảm 24%, 1.900 ca), Malaysia (giảm 20%, 1.300 ca), Mexico (giảm 19%, 4.500 ca) và Kuwait (giảm 17%, 1.100 ca).

Brazil là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm và ca tử vong nhất trong tuần này với 71.900 ca mới, tăng 4% và trung bình 2.087 ca tử vong mỗi ngày. Xếp thứ hai là Mỹ với 64.500 mới, tăng 15% và trung bình 1.242 ca mỗi ngày.

Brazil đã đặt hàng 100 triệu liều vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech và 38 triệu liều của Johnson & Johnson, nhằm tìm cách đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đang bị tụt hậu. Hôm 12/3, Bộ Y tế nước này còn ký hợp đồng mua 10 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga, dự kiến giao trong quý II năm nay.

Hiện khoảng 4,6% dân số Brazil đã nhận được ít nhất một liều vaccine. Hai loại vaccine đang được sử dụng ở Brazil là AstraZeneca của Anh và CoronaVac của Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình đại dịch ngày càng nghiêm trọng, khi các bệnh viện đang bị đẩy đến gần mức quá tải trên khắp đất nước.

Marcelo Queiroga, tân Bộ trưởng Y tế Brazil, ngày 17/3 hứa sẽ đưa ra các chính sách dựa trên khoa học để chống Covid-19 và cho biết ông có thể "điều chỉnh" cách xử lý dịch bị nhiều người chỉ trích của Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro.

Thị trưởng Rio de Janeiro đóng cửa các bãi biển nổi tiếng của thành phố vào cuối tuần và cấm xe buýt , nói rằng tình hình ở thành phố "rất nghiêm trọng" và cảnh báo các biện pháp khắt khe hơn có thể được công bố vào 22/3.

Pháp ghi nhận trung bình 27.300 ca mỗi ngày, tăng 24%, Ấn Độ 27.000 ca, tăng 47% và Italy 22.500, hơn 5%.

Hàng triệu người trên khắp nước Pháp từ 20/3 bước vào đợt phong tỏa giới hạn mới kéo dài một tháng. Biện pháp này không phải là phong tỏa hoàn toàn nhưng sẽ khiến các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa và việc ra ngoài bị hạn chế ở các vùng bị ảnh hưởng nặng, trong khi trường học vẫn mở cửa. Các cơ sở kinh doanh không thiết yếu sẽ đóng cửa ở Paris và một số khu vực khác chủ yếu ở miền bắc nước Pháp, mặc dù các trường học sẽ vẫn mở cửa.

Xét về bình quân đầu người, Estonia là quốc gia báo cáo nhiều ca nhiễm nhất trong tuần qua, với 760 trên 100.000 dân.

Về số ca tử vong, Mexico đứng sau Brazil và Mỹ với trung bình 495 người chết mỗi ngày, theo sau là Nga (441 ca) và Italy (382 ca). Ở cấp độ thế giới, số người chết tuần qua tăng 2% lên 8.800 người mỗi ngày. Hồi cuối tháng một, con số này lên tới 15.000.

Một số quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Đức và Italy, nối lại tiêm vaccine AstraZeneca sau khi cơ quan quản lý của EU xác nhận nó an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch cho biết họ vẫn chưa nối lại sử dụng vaccine này, trong khi Phần Lan cho biết họ vẫn sẽ dừng. Pháp giờ khuyến nghị chỉ tiêm nó cho người trên 55 tuổi.

Thủ tướng Merkel cho biết Đức sẽ đặt hàng vaccine Sputnik V của Nga nếu vaccine này được cấp phép sử dụng tại EU, đồng thời cho biết thêm rằng Berlin có thể tự ký hợp đồng nếu khối không đồng ý.

Tại khu vực Đông Nam Á, Philippines ngày 19/3 ghi nhận mức tăng ca nhiễm cao kỷ lục 7.103 ca, tăng tổng ca nhiễm lên hơn 648.000, phần lớn ca nhiễm ở thủ đô. Các chuyên gia cảnh báo con số này có thể tăng lên 11.000 ca mỗi ngày vào cuối tháng.

Philippines thắt chặt hạn chế chống dịch ở thủ đô để đối phó tình hình. Bảo tàng, khu trò chơi điện tử và trường dạy lái xe phải đóng cửa, trong khi nhà thờ và nhà hàng chỉ được hoạt động với 30% công suất.

Hôm 19/3, cơ quan quản lý dược phẩm của Philippines đã phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, đây là loại vaccine thứ tư được cấp phép ở nước này.

Philippines đã nhận được hơn một triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc và AstraZeneca trong tháng này. Quốc gia hơn 100 triệu dân hy vọng sẽ có đủ vaccine để tiêm chủng cho 70 triệu người vào cuối năm nay.

Phương Vũ (Theo AFP)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét