Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Chính quyền quân sự Myanmar đe dọa ngân hàng thương mại

Chính quyền quân sự Myanmar tăng áp lực buộc các ngân hàng thương mại hoạt động trở lại bằng cách dọa chuyển hết tiền gửi cho ngân hàng quân đội.

Một sắc lệnh bị rò rỉ hôm 9/3 cho thấy chính quyền quân đội Myanmar đã chỉ thị cho Ngân hàng Trung ương phải yêu cầu các ngân hàng thương mại khôi phục hoạt động hoặc chuyển toàn bộ tài khoản tiền gửi sang Ngân hàng Kinh tế Myanma (MEB) do chính quyền điều hành và các ngân hàng quân đội gồm Inwa Bank và Myawaddy Bank.

"Nếu các ngân hàng tư quyết không mở cửa trở lại. Ngân hàng trung ương Myanmar sẽ không chịu trách nhiệm nếu phát sinh hậu quả", Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar (SAC), do quân đội kiểm soát, cảnh báo trong sắc lệnh gửi tới Ngân hàng Trung ương.

Ảnh chụp màn hình sắc lệnh này sau đó được lan truyền khắp mạng xã hội hôm 12/3 và được quan chức ngân hàng Myanmar xác nhận hôm 15/3.

Người dân chờ rút tiền trước một cây ATM của ngân hàng Myawaddy tại Yangon hôm 23/2. Ảnh: AFP

Người dân chờ rút tiền trước một cây ATM của ngân hàng Myawaddy tại Yangon hôm 23/2. Ảnh: AFP

Lệnh mở cửa trở lại các ngân hàng thương mại tư nhân cho thấy chính quyền quân sự Myanmar đang lo ngại trước nền kinh tế trượt dốc hậu đảo chính, một phần do hệ thống tài chính bị tê liệt.

Một giám đốc ngân hàng Myanmar cho biết thông điệp từ chính quyền quân đội "rất rõ ràng" nhưng họ có thể làm được hay không lại là vấn đề khác. Các giám đốc ngân hàng lo ngại việc thuyết phục những nhân viên đã đình công quay trở lại làm việc "gần như không thể".

Ngân hàng tư nhân lớn nhất Myanmar KBZ, với khoảng 15.000 nhân viên và 500 chi nhánh trên khắp đất nước, đã bị người dùng mạng xã hội lên án là "đáng xấu hổ" khi kêu gọi nhân viên quay lại làm việc hồi tuần trước.

Theo một giám đốc ngân hàng Myanmar khác, tất cả các ngân hàng thương mại đã dự đoán chính quyền sẽ thực hiện một số hành động buộc họ mở cửa trở lại, nhưng lời đe dọa phải chuyển toàn bộ tiền gửi sang ngân hàng quân đội "như một cú sốc".

Một số lãnh đạo còn cảnh báo lời đe dọa trên có nguy cơ dẫn tới tình trạng "bán quốc hữu hóa" một phần hệ thống ngân hàng Myanmar, cùng với sự tê liệt của hệ thống tài chính hiện nay, có thể khiến công chúng mất niềm tin và các ngân hàng cũng "tháo chạy".

Myanmar rơi vào hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự đầu tháng trước, khi người dân xuống đường biểu tình phản đối đảo chính gần như mỗi ngày. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, gần 220 người biểu tình đã thiệt mạng và hơn 2.000 người bị bắt, khoảng 300 người đã được thả, trong khi nhiều người hiện chưa rõ tung tích. Các cuộc biểu tình, đình công kéo dài cũng khiến nền kinh tế Myanmar thiệt hại nghiêm trọng và gây bất ổn lương thực.

Ngọc Ánh (Theo Asia Nikkei)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét