Khan hiếm vaccine khiến các nước châu Âu mua lại hàng của nhau, cân nhắc giao dịch với Nga, Trung Quốc và khó phớt lờ chào mời từ những bên trung gian.
Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã chậm chạp trong việc đặt mua trước số lượng lớn vaccine từ các công ty dược phẩm, muộn hơn Mỹ, Anh và một số quốc gia khác vài tuần. Năm nay, EU lại gặp vấn về vaccine sản xuất chậm hơn dự kiến và các quốc gia lúng túng khi triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Khoảng 5% trong số gần 450 triệu người thuộc EU đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, so với gần 14% ở Mỹ, 27% ở Anh và 53% ở Israel.
Anh, cựu thành viên EU, đang hưởng "quả ngọt" nhờ đặt cược sớm vào vaccine, xúc tiến nhanh chiến dịch tiêm chủng và cân nhắc kế hoạch mở cửa trở lại, trong khi các nước EU vẫn phải áp đặt hạn chế trong bối cảnh ca nhiễm mới gia tăng vì các biến chủng, khiến nền kinh tế chìm sâu hơn vào suy thoái.
Vào những tháng cuối năm 2020, một số quốc gia đã chọn từ bỏ lượng vaccine do EU đặt mua dựa trên dân số của mình, phần lớn trong số đó là các quốc gia ít giàu có hơn với cơ sở hạ tầng kém hơn. Họ bán đi phần vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna mà họ dự kiến được chia vì chúng yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh. Thay vào đó, họ tìm đến vaccine AstraZeneca rẻ hơn và dễ bảo quản hơn.
Tuy nhiên, AstraZeneca không thể giao hàng cho EU như dự kiến vì vấn đề sản xuất. Nhiều người châu Âu cũng bày tỏ nghi ngờ sau khi một số lãnh đạo đặt câu hỏi về hiệu quả của vaccine AstraZeneca với nhóm người lớn tuổi.
Ba Lan đã từ bỏ lượng vaccine Moderna đắt tiền được chia, dự kiến bàn giao vào cuối năm nay, với lý do nó sẽ không đến đủ sớm để tạo ra nhiều khác biệt. Họ cho rằng AstraZeneca sẽ đến nhanh hơn và tới lúc đó có thể đã có vaccine một liều Johnson & Johnson.
Giờ đây, khi cách làm này không hiệu quả, nhiều thành viên EU đang hối hận. "Nếu để tôi quyết định thì tôi đã không bao giờ từ bỏ mua những thứ an toàn và hiệu quả", Andrzej Halicki, thành viên Ba Lan của Nghị viện châu Âu, nói. "Với tư cách là một cựu bộ trưởng, tôi có thể nói đây là hành động phạm tội, đây là hành vi vi phạm nghĩa vụ".
Một quan chức Đức cho biết nước này đã đặt mua được 50 triệu liều vaccine Moderna, con số lớn hơn đáng kể so với mức phân bổ dựa trên dân số của EU. Các quan chức xác nhận rằng Đức đã mua lại vaccine từ một số quốc gia thành viên khác.
Đức cũng có một thỏa thuận riêng với Pfizer-BioNTech, 30 triệu liều dự kiến được giao vào cuối năm 2021. Một số nước trong khối giận dữ vì cho rằng quốc gia giàu nhất EU "một chân đạp hai thuyền" - dẫn đầu khối trong chiến lược mua tập thể nhưng cũng đi một mình.
Khối lo ngại rằng các giao dịch bên lề như vậy có thể làm suy yếu sức mua chung và ảnh hưởng đến lịch trình giao hàng tới tất cả 27 quốc gia. Ủy ban châu Âu đã nói rõ rằng các quốc gia EU không nên thực hiện giao dịch riêng với những công ty dược phẩm mà họ đã đàm phán hợp đồng cho cả khối.
Hà Lan đã mua lại 600.000 liều Pfizer-BioNTech từ một hoặc một số quốc gia EU. Pháp không công khai bất kỳ thỏa thuận nào mà họ thực hiện, nhưng Thủ tướng Jean Castex nói: "Nếu có nguồn cung vaccine để ngỏ, phương châm của chúng tôi rất rõ ràng: Pháp sẽ mua ngay lập tức".
Hungary đơn phương cấp phép và mua vaccine của Nga và Trung Quốc. Các nước khác như Croatia và Cộng hòa Czech đang cân nhắc động thái tương tự. Các quan chức EU nói rằng một số quốc gia thành viên đang thúc giục khối này phê duyệt vaccine Sputnik V của Nga.
Trong cơn khát, các quan chức cấp cao và lãnh đạo chính phủ nhận được hàng chục lời chào mời mua vaccine từ các bên trung gian. Tuy nhiên, Ville Itala, tổng giám đốc văn phòng chống gian lận châu Âu (OLAF), cảnh báo rất ít trong số đó là thật.
"Họ quảng cáo rằng có thể cung cấp vaccine với số lượng khá lớn, lên đến 460 triệu liều, tương đương khoảng 3 tỷ EUR", ông nói và nhấn mạnh ông sớm công khai thông tin này vì đánh giá những rủi ro tiềm ẩn đối với người châu Âu là rất lớn.
"Trong khủng hoảng như thế này, sẽ luôn có những kẻ tìm cách trục lợi từ khó khăn của người khác và chúng tôi thấy ngày càng có nhiều vụ lừa đảo và gian lận", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết vào tuần trước.
Tuy nhiên, các quan chức cho biết họ sẵn sàng kiểm tra từng lời chào mời cẩn thận trước khi từ chối. "Bất cứ nơi nào, khi vài nghìn hoặc vài trăm nghìn liều vaccine chưa có chủ, đội săn lùng Hungary phải sẵn sàng tóm được ngay", Thủ tướng Hungary Viktor Orban nói hồi đầu tháng.
Tại Cộng hòa Czech, Thủ tướng Andrej Babis cho biết ông đã nhận được quảng cáo từ công ty trung gian ở Dubai và các nơi khác. Những lời chào mời như vậy cũng chất đầy hộp thư của các quan chức chính phủ hàng đầu ở Đức, Hy Lạp và Phần Lan.
Itala cho biết hầu hết những bên trung gian đều nói rằng họ đang bán vaccine AstraZeneca, mặc dù công ty này khẳng định họ chỉ thực hiện giao dịch với chính phủ hoặc tổ chức đa phương, như sáng kiến chia sẻ vaccine Covax.
"AstraZeneca không cho phép chuyển bất kỳ lô hàng vaccine nào ngoài hợp đồng hiện có với Liên minh châu Âu", người phát ngôn của công ty cho biết. "Công ty tư nhân không thể có hàng để bán hoặc phân phối vaccine ở châu Âu".
Tuy nhiên, các quan chức cho biết dù nhiều lời chào mời rõ ràng là lừa đảo, một số có thể là hợp pháp, ngay cả khi giá được đội lên rất cao.
Ở Italy, một số quan chức khu vực nắm quyền lực lớn với hệ thống y tế đã nhận được các đề nghị mua vaccine như vậy. Cảnh sát Italy và các cơ quan chức năng khác đang tích cực kiểm tra chúng. "Nếu những liều này được mua hợp pháp và có một quy trình hoàn toàn bình thường, chúng tôi có thể cân nhắc mua chúng", Cesare Buquicchio, phát ngôn viên của Bộ trưởng Y tế nước này, cho biết. "Do hàng chưa được giao ngay, chúng tôi có thể suy nghĩ lại, không có gì là không thể thay đổi, chúng tôi có thể thảo luận lại vấn đề này ở cấp độ châu Âu".
Tại vùng Emilia-Romagna ở miền bắc đất nước, quan chức y tế hàng đầu Raffaele Donini cho biết ông đã nhận được một số email chào bán hàng triệu liều vaccine, trong đó có một email từ J&G General Service DOO, công ty tại Croatia cung cấp vaccine AstraZeneca với giá không cao hơn nhiều giá EU đã thương lượng.
Giám đốc của công ty, Juri Gasparotti, cho biết một "công ty dược phẩm lớn" bên ngoài EU đã liên hệ trực tiếp với AstraZeneca và sẽ cung cấp lô hàng. Gasparotti khẳng định tuyên bố của các nhà sản xuất vaccine rằng họ chỉ bán cho các cơ quan nhà nước là "đạo đức giả".
Emilia-Romagna cũng nhận được lời chào mời từ Mondial Pharma, công ty có trụ sở tại thị trấn Lugano của Thụy Sĩ, với giá cao hơn. Pierfrancesco Lucignano, quan chức tiếp thị của Mondial Pharma, cho biết công ty đã gợi ý cung cấp cho vùng Emilia-Romagna ba triệu liều vaccine AstraZeneca từ Viện Huyết thanh Ấn Độ, đối tác sản xuất chính thức tại Ấn Độ của AstraZeneca, với giá khoảng 26 EUR (32 USD) mỗi liều.
"Có những quốc gia khác bên ngoài châu Âu đang mua chúng", ông nói và khẳng định ông đang đàm phán với các quốc gia Nam Mỹ và châu Phi.
Vùng Veneto, bắc Italy, cũng nhận lời chào mời từ những bên trung gian mà họ từng làm việc trong quá khứ. "Họ không phải là những kẻ lừa đảo đến đây và giả vờ rằng họ có một nhà để xe đầy vaccine", lãnh đạo khu vực Luca Zaia nói hồi đầu tháng.
Donini gợi ý Italy nên tận dụng tối đa mối quan hệ của vùng với các bên trung gian. "Chúng ta có thể đi 100 km/h", ông nói, "nhưng chúng ta buộc phải đi 20 km/h vì không có xăng, trong khi biết có những người có thể đổ xăng cho chúng ta".
Phương Vũ (Theo NYTimes)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét