Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Hồi ức người đu trên cây trong trận động đất Nhật 10 năm trước

10 năm sau khi đu trên cây trong lúc sóng thần nhấn chìm mọi thứ xung quanh, Kurosawa vẫn vật lộn xây dựng lại cuộc sống.

Động đất mạnh 9,1 kéo dài gần 6 phút xảy ra chiều 11/3/2011, với tâm chấn nằm ở độ sâu 29 km và cách thủ đô Tokyo của Nhật Bản khoảng 370 km về phía đông bắc, tạo ra trận sóng thần khổng lồ quét qua Ishinomaki, thành phố ven biển đã gắn bó suốt cuộc đời của Kenichi Kurosawa.

Chỉ vài phút trước khi những cơn sóng cao 10 m ập vào thành phố, Kurosawa, khi đó 40 tuổi, phải trèo lên cây thông và bám chặt vào một cành cây để không bị nước cuốn đi.

"Tôi cảm thấy giống như đại dương đang bủa vây. Nước lạnh thấu xương", ông nhớ lại.

Khi nước dâng lên đến đầu gối, Kurosawa thấy nhiều người bám chặt tay lái khi ô tô của họ bị sóng thần cuốn đi. Không ít người trèo lên cây cũng bị cuốn theo dòng nước do cây đổ. Kurosawa phải chịu đựng cái lạnh dưới 0 độ suốt nhiều giờ. Ông nghĩ đến vợ, người đã mất liên lạc khi trận sóng thần đổ bộ.

Một khu dân cư tại Ishinomaki bị sóng thần phá hủy ngày 11/3/2011. Ảnh: CNN.

Một khu dân cư tại Ishinomaki bị sóng thần phá hủy ngày 11/3/2011. Ảnh: CNN.

Đến lúc trời gần sáng, ông nghe thấy ai đó kêu cứu ở xa, người này dường như đã kiệt sức. Kurosawa không biết chuyện gì xảy ra với người đó, nhưng ông đã trở thành người sống sót qua thảm họa tự nhiên chết chóc nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Hơn 20.000 người thiệt mạng hoặc mất tích do trận động đất sóng thần ngày 11/3/2011, nhưng sức tàn phá không chỉ dừng lại ở thiên tai. Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi cũng bị hư hại và trở thành một thảm họa khác.

50 phút sau chấn động đầu tiên, sóng thần đã tràn qua bức tường cao 10 m được thiết kế để bảo vệ nhà máy. Nước tràn vào lò phản ứng, phá hỏng hệ thống làm mát và gây nóng chảy các thanh nhiên liệu trong 3 lò phản ứng, phát tán chất phóng xạ ra môi trường bên ngoài.

Lễ kỷ niệm 10 năm thảm họa sẽ được Nhật Bản tổ chức với quy mô nhỏ do đại dịch Covid-19. Nhật hoàng Naruhito, Hoàng hậu Masako và Thủ tướng Yoshihide Suga sẽ dự lễ tưởng niệm và mặc niệm một phút vào lúc 14h46 ngày 11/3, đúng thời điểm động đất xảy ra cách đây 10 năm.

Bất chấp sự tàn phá, nhiều người sống sót đã xây dựng lại cuộc sống và cộng đồng, nhưng các hậu quả từ thảm họa này sẽ bám theo họ đến cuối đời.

Ishinomaki, thành phố lớn thứ hai tại tỉnh Miyagi, là một trong những địa điểm bị ảnh hưởng nặng nhất bởi trận sóng thần. Các con sóng bao phủ diện tích hơn 500 hecta và làm ngập 15% thành phố, theo dữ liệu từ Trung tâm Thông tin Sóng thần Quốc tế.

Sóng thần phá hủy hơn 50.000 ngôi nhà ở Ishinomaki, xóa sổ trung tâm thành phố và phần lớn cơ sở hạ tầng cảng biển. Gần 3.100 người đã thiệt mạng riêng tại thành phố này.

Kurosawa là thợ sửa ống nước, ông đang làm việc ở thị trấn cách Ishinomaki khoảng 12 km khi động đất xảy ra. Ông gọi cho vợ, lúc đó đang trú chân tại một ngân hàng, và hẹn gặp nhau tại nhà.

Chỉ vài phút sau, cảnh báo sóng thần được đưa ra. Ông cố gọi cho vợ nhưng đường dây điện thoại bị đứt. Kurosawa phóng xe về nhà gặp vợ để cùng đến nơi cao ráo tránh sóng thần. Nhiều xe hơi chạy theo hướng ngược lại để tới những khu vực sơ tán cố định.

Khi gần đến nhà, ông phát hiện thứ gì đó giống tường chống sóng thần từ xa, nhưng thực tế đó là những ô tô đang bị sóng cuốn vào sâu trong đất liền. Kurosawa quay gấp 180 độ và thấy một người đang chạy bộ khỏi trận sóng. "Tôi kéo anh ta vào xe qua cửa sổ và tăng tốc bỏ chạy. Nhưng lúc đó dòng nước đã vượt trước", Kurosawa nhớ lại.

Chiếc xe bị kẹp giữa các cơn sóng, buộc hai người bỏ xe và chạy bộ tìm chỗ trốn. Kurosawa trèo lên một cái cây, nhưng cành cây bị gãy và ông lại ngã xuống đường. Kurosawa vội vã trèo lại ngay lúc sóng tràn tới, người đồng hành với ông cũng làm tương tự.

"Tôi nghĩ rằng mình sẽ không thoát được. Thật khó để tưởng tượng sức mạnh của một trận sóng thần, trừ khi trực tiếp trải nghiệm. Nó có sức mạnh hủy diệt, nuốt chứng mọi thứ và xóa sổ mọi thứ trên đường đi", ông nhớ lại.

Trong lúc sóng thần ập vào đất liền tại tỉnh Fukushima, nhà máy Daiichi bắt đầu trải qua thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.

Chính phủ Nhật Bản phải ban bố tình trạng khẩn cấp hạt nhân ngay trong ngày. Hơn 300.000 người sinh sống gần nhà máy Daiichi buộc phải sơ tán, cùng hơn 50.000 người tự nguyện di chuyển khỏi khu vực có nguy cơ nhiễm xạ.

Khói bốc lên từ lò phản ứng nhà máy Fukushima Daiichi ngày 11/3/2011. Ảnh: CNN.

Khói bốc lên từ lò phản ứng nhà máy Fukushima Daiichi ngày 11/3/2011. Ảnh: CNN.

Một phần khu vực quanh nhà máy Fukushima Daiichi trở thành những thị trấn ma sau thảm họa. Chỉ có quan chức Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), thanh tra an toàn và một số du khách đặt chân tới đây. TEPCO đã bơm hàng trăm tấn nước vào lò phản ứng để làm mát lõi nhiên liệu và giảm nguy cơ rò rỉ thêm phóng xạ.

Quá trình khắc phục thiệt hại sau thảm họa có thể mất hàng chục năm và nhiều tỷ USD. Hơn 35.000 người vẫn không thể trở về nhà 10 năm sau thảm họa.

Hajime Matsukubo, phát ngôn viên Trung tâm Thông tin Hạt nhân Công dân, tổ chức phản đối năng lượng hạt nhân ở Tokyo, cho rằng phần lớn khu vực bị động đất sóng thần tàn phá đã hồi phục. Tuy nhiên, nỗ lực khôi phục các vùng quanh nhà máy Daiichi vẫn đang đình trệ từ năm 2011, trong khi dân số khu vực đã giảm một nửa bất chấp những khoản đầu tư khổng lồ.

"Sau 10 năm, bài học cho chúng ta là quá trình dọn dẹp sau sự cố hạt nhân là cực kỳ khó khăn", Matsukubo nói.

TEPCO đang lưu trữ hơn một triệu tấn nước làm mát lò phản ứng trong các bể chứa lớn ở nhà máy Daiichi. Những bể chứa này sắp đầy và giới chức Nhật Bản cho rằng giải pháp duy nhất là xả ra biển, kế hoạch đã gặp sự phản đối quyết liệt từ các tổ chức môi trường và đại diện ngành thủy hải sản.

Năm 2014, chính phủ Nhật bắt đầu dỡ lệnh sơ tán ở những khu vực có nồng độ phóng xạ hàng năm dưới 20 millisievert, mức phơi nhiễm cao nhất cho con người được các tổ chức giám sát quốc tế đề xuất, tương đương với hai lần chụp CT toàn thân.

Tính đến tháng 3/2020, chỉ còn 2,4% diện tích tỉnh Fukushima là vùng cấm với cư dân. Người dân được phép tới những khu vực cấm này trong thời gian ngắn.

Dù vậy, bất chấp những nỗ lực tiêu tẩy phóng xạ, khảo sát năm 2020 của Đại học Kwansei Gakuin cho thấy 65% người sơ tán không muốn trở về tỉnh Fukushima, 46% trong số này bày tỏ lo ngại tàn dư phóng xạ trong môi trường, 45% cho biết đã định cư ở nơi khác.

Thảm họa tại Fukushima cũng làm suy giảm niềm tin vào điện hạt nhân của Nhật Bản. Trước trận động đất, hơn 50 lò phản ứng sản xuất hơn 30% sản lượng điện cho Nhật Bản. Điều này chấm dứt ngày 5/5/2012 khi lò phản ứng cuối cùng của nước này ở Hokkaido ngừng hoạt động để thị sát, đánh dấu lần đầu Nhật Bản không có nguồn điện hạt nhân trong vòng 45 năm.

Thảm họa nóng chảy lõi tại Fukushima Daiichi cũng khiến nhiều nước xem xét công nghệ điện hạt nhân, trong đó Đức cam kết đóng cửa toàn bộ lò phản ứng trước năm 2022. Giới chuyên gia Nhật Bản đến nay vẫn chia rẽ về công nghệ điện hạt nhân, vốn có lợi cho môi trường hơn nhiệt điện, trong khi quan điểm phản đối của công chúng cũng dần suy giảm.

Tháng 8/2015, một lò phản ứng được kích hoạt ở thành phố Sendai thuộc tỉnh Kagoshima.

Sáng 12/3/2011, Kurosawa trèo xuống đất. Thành phố Ishinomaki giống như vừa trải qua một trận bom hủy diệt.

Kurosawa (giữa) và bạn viết khẩu hiệu cổ vũ người dân Ishinomaki ngày 10/4/2011. Ảnh: CNN.

Kurosawa (giữa) và bạn viết khẩu hiệu cổ vũ người dân Ishinomaki ngày 10/4/2011. Ảnh: CNN.

Kurosawa phải lội qua đường phố ngập nước và mảnh vỡ, trong đó có những bộ phận của tàu biển bị sóng cuốn lên bờ. Các ngôi nhà bị đổ sập và chìm dưới nước, trong khi bầu không khí thì dày đặc khói.

Vợ Kurosawa vẫn còn sống nhờ kịp sơ tán đến một ngôi trường ở nơi cao ráo, nhưng họ đã mất đi nhiều người bạn và cả những thứ gắn bó với cuộc sống của mình chỉ sau một đêm.

Trong 6 tháng tiếp theo, vợ chồng Kurosawa phải liên tục thuê nhà hoặc sống tạm trong văn phòng của những người bạn. Đến cuối năm 2011, họ chuyển đến khu nhà tái định cư sau thảm họa và sống tại đó hơn 3 năm. Kurosawa tận dụng kỹ năng sửa đường nước và tình nguyện làm nhiều công việc cộng đồng. Ông vẫn sống tại Ishinomaki cho đến nay.

"Cuộc sống của tôi chuyển từ bình thường sang bất thường, và sau đó lại trở thành trạng thái bình thường mới. Vài năm trôi qua và thực tế bất thường đã trở thành bình thường", Kurosawa nói. Ông vẫn mơ về cảnh lội qua những đống đổ nát tại Ishinomaki trong 5 năm sau thảm họa.

Kurosawa cố gắng xây dựng lại cuộc sống, công việc và cộng đồng của mình. Ngày nay, đê biển cao 10 m được dựng trên chiều dài 56 km để bảo vệ thành phố Ishinomaki. Nhiều khu chung cư đã mọc lên ở ngoại ô thành phố, hàng loạt công trình khác cũng đang được xây dựng.

Kurosawa cho rằng những vết sẹo tâm lý của người dân cũng cần nhiều thời gian để chữa lành như thảm họa hạt nhân, nhưng khẳng định không có lý do gì để sống trong quá khứ. Giờ đây ông tích cự giảng dạy về phương án chuẩn bị, đối phó với thiên tai.

"Một điều tôi học được qua thảm họa là mọi người cần sống gần nhau. Hy vọng nằm trong tất cả chúng ta", Kurosawa nói. Ông vẫn thỉnh thoảng lái xe qua cái cây đã giúp ông bám trụ qua trận sóng thần và từng thử trèo lên một lần nữa.

Vũ Anh (Theo CNN)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét