Chính phủ Mỹ cho biết công dân Myanmar không thể về nước do tình trạng bạo lực có thể ở lại theo diện "bảo vệ có thời hạn".
"Do cuộc đảo chính quân sự và hành vi bạo lực của lực lượng an ninh nhằm vào dân thường, người Myanmar đang chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp và tồi tệ ở nhiều nơi trên toàn quốc", Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas cho biết trong thông cáo ngày 12/3.
"Sau khi xem xét kỹ lưỡng tình trạng thảm khốc này, tôi chỉ định tình trạng bảo vệ có thời hạn đối với Myanmar để công dân và thường trú nhân của nước này có thể ở lại Mỹ trong một thời gian", thông cáo cho biết.
Mỹ cấp quyền bảo vệ có thời hạn cho công dân một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến động chính trị hoặc thiên tai khiến việc họ quay về nước trở nên khó khăn. Việc bảo vệ có thể được gia hạn nếu những khó khăn hoặc mối đe dọa vẫn còn.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho rằng việc quân đội Myanmar tiếp quản quyền lực hôm 1/2 gây ra khủng hoảng kinh tế cùng thiếu hụt viện trợ nhân đạo và y tế. Cơ quan này cho biết những người phản đối cuộc đảo chính "phải đối mặt với tình trạng bị giam tùy tiện, bị đe dọa hoặc chịu bạo lực chết người từ phía quân đội".
"Những điều kiện như vậy ngăn cản công dân và thường trú nhân Myanmar trở về nước an toàn", Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết. Khoảng 1.600 người Myanmar tại Mỹ đủ điều kiện cho chương trình bảo vệ, dự kiến kéo dài 18 tháng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 12/3 chỉ trích chính quyền Myanmar vì liên tục tấn công người biểu tình. "Chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi quân đội và cảnh sát ngừng bạo lực lẫn bắt giam tùy tiện, trả tự do cho những người bị giam bất công và khôi phục lại chính quyền dân sự được bầu một cách dân chủ", Price nói.
Biểu tình tại Myanmar bùng phát sau khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực, khiến lực lượng an ninh dùng vũ lực trấn áp. Ít nhất 70 người Myanmar thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt.
Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc hôm 10/3 thông qua tuyên bố chung về tình hình ở Myanmar, trong đó lên án bạo lực, ủng hộ tiến trình dân chủ và kêu gọi các bên đối thoại hòa bình. Tuyên bố chung trước đó đã được sửa đổi theo yêu cầu của Nga và một quốc gia khác, trong đó đề nghị không nhắc tới đảo chính và không đe dọa áp đặt biện pháp mạnh tay với chính quyền Myanmar.
Trước áp lực quốc tế ngày một tăng, chính quyền quân sự Myanmar xác nhận đã trả hai triệu USD để thuê chuyên gia vận động hành lang giải quyết "hiểu lầm quốc tế" về tình hình tại nước này.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét