Ông Danilo Yu Chang, một người gốc Á, muốn rời khỏi San Francisco sau khi vô cớ bị đánh đập tới mức bất tỉnh.
"Có kẻ bất ngờ đẩy tôi từ phía sau và đánh tôi tới mức bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, người tôi toàn là máu", Danilo Yu Chang, 59 tuổi, người Philippines gốc Hoa, đang sống ở Mỹ, chia sẻ với ABC News hôm 17/3.
Danilo, hiện là nhân viên du lịch, cho biết ông bất ngờ bị tấn công hôm 15/3 khi đang ra ngoài ăn trưa ở Market Street, quận Mission, San Francisco, bang California, trong ngày trở lại làm việc đầu tiên kể từ khi Covid-19 bùng phát.
Sau vụ tấn công tàn bạo vô cớ, hai mắt Chang sưng vù và ông không thể nhìn trong vài ngày. Chang cho biết khi ông trình bày với cảnh sát rằng có thể đã bị nhắm mục tiêu vì người gốc Á, các sĩ quan lại đáp rằng "không có bằng chứng cho thấy vụ tấn công được thúc đẩy do phân biệt đối xử".
Chang nói sau khi bị đánh tới bất tỉnh, ông rất sợ San Francisco và sẽ tìm cách chuyển về gần gia đình ở Indiana hoặc Nevada. "San Francisco đang xuống cấp. San Francisco cũ đã biến mất. Mọi thứ đã biến mất và giờ bang này trở thành nơi nguy hiểm để bạn đi bộ ngoài đường phố. Nó không còn an toàn nữa", Chang nói.
Cùng ngày Chang bị tấn công, cảnh sát San Francisco cũng nhận được tin báo một người đàn ông 64 tuổi bị đâm vào mặt, gây nguy hiểm tới tính mạng. Cảnh sát hôm 16/3 thông báo đã bắt Jorge Davis Milton, 32 tuổi, bị nghi ngờ liên quan vụ tấn công cả Chang và người đàn ông 64 tuổi.
Hành vi phân biệt đối xử, chống người gốc Á ngày càng lan rộng ở Mỹ. Làn sóng bài Á này phần nào xuất phát từ cựu tổng thống Donald Trump, người nhiều lần gọi nCoV là "virus Trung Quốc", bất chấp sự phản đối từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và giới khoa học.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án những "tội ác hận thù" nhằm vào người gốc Á thời Covid-19, gọi đây là hành động "phi Mỹ". Ông nói thêm trong cuộc chiến chống Covid-19 ở Mỹ, rất nhiều công dân gốc Á đang xông pha nơi tuyến đầu để cố gắng cứu đồng bào, nhưng lại phải đối mặt với nỗi sợ bị tấn công khi bước chân xuống đường.
Một nghiên cứu từ nhóm vận động chống phân biệt Stop AAPI Hate cũng cho thấy trong giai đoạn tháng 3-12 năm ngoái, đã xảy ra hơn 2.800 hành vi phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử, bao gồm cả hình thức tấn công bằng ngôn từ, nhằm vào người gốc Á.
Ngọc Ánh (Theo ABC News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét