Nhật quyết định lưu vệ tinh cỡ nhỏ của Myanmar trên trạm vũ trụ ISS, khi có lo ngại chính quyền nước này dùng nó cho mục đích quân sự.
Vệ tinh đầu tiên của Myanmar đang được lưu giữ trong module thí nghiệm Kibo trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) thay vì được đưa vào quỹ đạo, trong lúc Cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Đại học Hokkaido quyết định phương án xử lý nó, hai quan chức Nhật giấu tên tiết lộ hôm 12/3.
Vệ tinh cỡ nhỏ trị giá 15 triệu USD này do Đại học Hokkaido chế tạo theo dự án hợp tác với Đại học Kỹ thuật Không gian Myanmar (MAEU). Đây là chiếc đầu tiên trong hai vệ tinh nặng 50 kg, được trang bị máy ảnh chuyên giám sát hoạt động nông nghiệp và thủy sản, được đưa lên ISS hôm 20/2.
Nhiều nhà hoạt động và một số quan chức Nhật Bản lo ngại hệ thống camera trên vệ tinh có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Điều này khiến quá trình triển khai vệ tinh vào quỹ đạo đã bị đình chỉ từ sau khi quân đội Myanmar bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực ngày 1/2.
"Chúng tôi không tham gia bất kỳ dự án nào liên quan đến quân đội. Vệ tinh không được thiết kế cho mục đích đó. Chúng tôi đang thảo luận, chưa biết bao giờ nó có thể được triển khai. Hy vọng là dự án có thể tái khởi động vào thời điểm nào đó", một quan chức giấu tên trong dự án cho hay.
Một quan chức khác cho biết hợp đồng với MAEU không có điều khoản cấm vệ tinh được sử dụng cho mục đích quân sự, nhưng nhấn mạnh dữ liệu từ vệ tinh chỉ được chuyển về cho Đại học Hokkaido và giới chức Myanmar không thể tự truy cập chúng. Giới chức Nhật không thể liên lạc với hiệu trưởng MAEU Kyi Thwin từ sau vụ đảo chính, người này nói thêm.
JAXA, MAEU và phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar đều chưa bình luận về thông tin.
Myanmar rơi vào hỗn loạn khi người dân liên tục biểu tình phản đối đảo chính, trong khi lực lượng an ninh dùng vũ lực trấn áp. Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 70 người đã chết và hơn 2.000 người bị bắt trong các vụ đụng độ.
Nhật Bản có quan hệ thân thiết và là một trong những nước hỗ trợ nhiều nhất cho Myanmar. Nước này đã lên án tình trạng bạo lực ở Myanmar, nhưng chưa thể hiện quan điểm cứng rắn như Mỹ và một số quốc gia phương Tây.
Vũ Anh (Theo Reuters)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét