Thứ Năm, 18 tháng 3, 2021

Nhóm nghị sĩ Myanmar tính kiện quân đội lên tòa quốc tế

Các nghị sĩ Myanmar bị lật đổ cân nhắc yêu cầu Tòa Hình sự Quốc tế điều tra tội ác chống nhân loại sau đảo chính quân sự ngày 1/2.

Đại sứ tại Liên Hợp Quốc do chính phủ dân sự Myanmar bổ nhiệm Kyaw Moe Tun hôm 18/3 cho biết Ủy ban Đại diện cho Quốc hội Liên bang Myanmar (CRPH) đang tìm mọi cách gây sức ép nhằm buộc các thành viên trong chính quyền quân sự phải chịu trách nhiệm sau cuộc đảo chính ngày 1/2.

"Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) là một trong các lựa chọn của chúng tôi. Chúng tôi không phải thành viên của ICC, nhưng chúng tôi cần tìm mọi cách và mọi phương thức để đưa sự việc lên ICC", Kyaw Moe Tun nói, đề cập tới kế hoạch yêu cầu ICC điều tra tội ác chống nhân loại sau cuộc đảo chính quân đội Myanmar.

Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun phát biểu ở Kyaw Moe Tun hồi tháng 3/2019. Ảnh: Reuters.

Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun phát biểu ở Kyaw Moe Tun hồi tháng 3/2019. Ảnh: Reuters.

Theo Kyaw Moe Tun, CRPH đã xem xét kỹ điều 12.3 của Quy chế Rome về tòa án hình sự quốc tế, trong đó cho thấy Myanmar dù không phải thành viên vẫn có thể đệ trình tuyên bố lên thư ký tòa án để "chấp nhận việc thực thi quyền tài phán của tòa đối với hành phạm tội được đề cập".

Tuy nhiên, động thái của các nghị sĩ Myanmar có thể sẽ gây tranh cãi về việc chính quyền nào của quốc gia này được quốc tế công nhận. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng có thể chuyển sự việc ở Myanmar tới ICC, song điều này có khả năng cao bị Nga và Trung Quốc phản đối.

Quan chức điều tra nhân quyền độc lập của Liên Hợp Quốc Thomas Andrews tuần trước cũng trình bày lên Hội đồng Nhân quyền rằng quân đội Myanmar đã thực hiện các hành động có thể cấu thành tội ác chống lại loài người. Tuy nhiên, phát ngôn viên của lực lượng này khẳng định chỉ sử dụng bạo lực khi cần thiết để ngăn chặn người biểu tình.

Myanmar đã rơi vào chuỗi ngày khủng hoảng kể từ khi quân đội nước này lật đổ chính phủ dân sự và bắt lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Lực lượng an ninh được cho là đã áp dụng các chiến thuật bạo lực nhằm trấn áp hàng chục nghìn người biểu tình. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, khoảng 217 người Myanmar đã thiệt mạng từ khi xảy ra đảo chính.

Tòa án Myanmar hôm qua cũng phát lệnh bắt đại sứ Kyaw Moe Tun, cáo buộc ông này phạm tội "phản quốc nghiêm trọng" vì "không tuân thủ chỉ thị của nhà nước, tự nhận đại diện cho một tổ chức trái pháp luật không đại diện cho chính phủ".

Ngọc Ánh (Theo Reuters)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét