Thứ Ba, 23 tháng 3, 2021

Thông điệp Triều Tiên gửi Biden khi phóng tên lửa

Triều Tiên phóng tên lửa hành trình dường như để thu hút sự chú ý của chính quyền Biden, nhưng tránh làm leo thang căng thẳng.

Truyền thông Hàn Quốc hôm nay dẫn các nguồn tin cho hay quân đội nước này phát hiện Triều Tiên phóng hai tên lửa hành trình ra vùng biển phía tây hôm 21/3. Đây là vụ thử tên lửa đầu tiên của Triều Tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Biden sau đó cho biết không coi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động khiêu khích. "Lầu Năm Góc cho biết đó là hoạt động bình thường. Không có đề xuất nào mới đối với những gì họ làm", Tổng thống Mỹ nói trong cuộc họp báo ngày 23/3 tại Nhà Trắng.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby từ chối bình luận về vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong buổi họp báo cùng ngày.

Harry Kazianis, giám đốc phụ trách chương trình nghiên cứu Triều Tiên của Trung tâm Lợi ích Quốc gia tại thủ đô Washington, nhận định vụ thử vũ khí của Triều Tiên "là thông điệp gửi tới chính quyền mới" của Mỹ.

"Thông qua những vụ thử tên lửa mới này, Bình Nhưỡng đang báo hiệu với chính quyền Biden rằng năng lực quân sự của họ sẽ trở nên mạnh hơn mỗi ngày", Kazianis cho biết.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên trong lễ duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng ngày 10/1, Ảnh: KCNA.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên trong lễ duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng ngày 10/1, Ảnh: KCNA.

Thông tin về vụ thử được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng phớt lờ nỗ lực của Washington về thảo luận phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ và Hàn Quốc cũng sẽ nối lại các cuộc tập trận chung quy mô lớn, sau thời gian đình trệ dưới thời tổng thống Donald Trump.

Các quan chức cấp cao Mỹ cho biết đang theo dõi tình hình và nhận định đây là "hành động khiêu khích cấp thấp", song không nêu cụ thể về loại tên lửa, vị trí diễn ra vụ thử cũng như tỷ lệ thành công của loại vũ khí này.

Daniel Davis, cựu trung tá lục quân Mỹ, cho biết vụ thử tên lửa của Triều Tiên "không phải để đe dọa, mà nhằm thu hút sự chú ý của chính quyền Biden".

"Hai bên có cơ hội đàm phán để Bình Nhưỡng đóng băng và thậm chí đảo ngược chương trình hạt nhân để đổi lấy việc giảm nhẹ lệnh trừng phạt. Nhưng nếu Mỹ không sẵn sàng thực hiện sự đánh đổi đó và bình thường hóa quan hệ, Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển vũ khí và thử nghiệm chúng", Davis nói.

Thông qua vụ thử tên lửa, lãnh đạo Kim Jong-un muốn chắc chắn rằng Mỹ chú ý đến Triều Tiên và hiểu rõ ông "không hài lòng với chính quyền Biden cùng các hành động của họ", theo Anthony Ruggiero, cựu lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách vấn đề Triều Tiên dưới thời Donald Trump.

"Triều Tiên muốn được giảm nhẹ lệnh trừng phạt, song không muốn đối thoại vào lúc này", Ruggiero nói. "Đối với chính quyền Biden, vụ thử cho thấy họ cần đẩy nhanh quá trình xem xét lại chính sách với Triều Tiên và quyết định về cách phản ứng. Chắc chắn họ không muốn phải xem xét lại chính sách với Bình Nhưỡng sau một vụ thử tên lửa tầm xa".

Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm ngắn hồi tháng 5/2019. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên phóng thử tên lửa tầm ngắn hồi tháng 5/2019. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên hồi tuần trước tuyên bố "không đáp lại" lời mời tái khởi động các cuộc đàm phán hạt nhân cho tới khi Mỹ "từ bỏ các chính sách thù địch của mình". Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Kim Jong-un, trong thông cáo ngày 16/3 cảnh báo Mỹ không gây hấn nếu muốn hòa bình.

"Chúng tôi nhân cơ hội này cảnh báo chính quyền mới của Mỹ, vốn đang chật vật làm vùng đất của chúng tôi sặc mùi thuốc súng", Kim Yo-jong đề cập đến cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. "Nếu Mỹ muốn ngủ yên trong 4 năm tới, tốt nhất các vị nên kiềm chế để không gây chuyện rắc rối ngay từ đầu".

Trong nhiệm kỳ của mình, Trump đã tiến hành nỗ lực ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên bằng hai cuộc gặp thượng đỉnh và nhiều cuộc đàm phán cấp cao. Tuy nhiên, nỗ lực này rơi vào bế tắc khi hai bên bất đồng về điều kiện dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Triều Tiên.

Sau khi lên nắm quyền, Biden không vội vàng nối lại chính sách Triều Tiên của Trump, mà đang rà soát chiến lược nhằm đưa ra phản ứng tốt nhất với Bình Nhưỡng.

Nguyễn Tiến (Theo CNBC, WSJ)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét