Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

Tiêm kích tàng hình Mỹ tự bắn hỏng mình

Tiêm kích F-35B Mỹ bắn pháo 25 mm khi huấn luyện, nhưng quả đạn phát nổ ngay đầu nòng, khiến phi cơ hỏng nặng.

Sự cố xảy ra trong đợt huấn luyện bắn đạn thật tại thao trường Yuma ở bang Arizona hồi giữa tháng, nhưng thông tin chỉ được quân đội Mỹ tiết lộ hôm 24/3. Trong đợt huấn luyện này, tiêm kích F-35B thuộc Phi đoàn thử nghiệm và đánh giá số 1 của thủy quân lục chiến Mỹ thực hành nội dung khai hỏa bệ pháo GAU-22/A gắn dưới bụng.

Tuy nhiên, một quả đạn 25 mm đã phát nổ ngay khi rời nòng, khiến khung thân tiêm kích bị hư hỏng.

"Phi công đưa máy bay về căn cứ an toàn sau đó. Sự cố không gây thương vong và chúng tôi đang mở cuộc điều tra nguyên nhân", đại úy Andrew Wood, phát ngôn viên thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết.

Đạn pháo nổ sớm, tiêm kích tàng hình Mỹ hỏng nặng

Tiêm kích F-35B bắn thử cụm pháo GAU-22/A hồi năm 2017. Video: Lockheed Martin.

Trung tâm An toàn Hải quân Mỹ xếp sự cố này vào nhóm A, cấp độ nghiêm trọng nhất, được định nghĩa là những tai nạn gây thiệt hại trên 2,5 triệu USD với khí tài hoặc khiến máy bay hư hỏng hoàn toàn, có người chết hoặc thương tật vĩnh viễn.

Loại đạn phát nổ dường như là đạn bán xuyên giáp nổ mạnh với liều cháy và vạch đường (SAPHEI-T) PGU-32/B. Loại đạn này có ngòi trễ, được kích hoạt vài tích tắc sau khi đạn xuyên vào mục tiêu để gây thiệt hại tối đa bằng khối thuốc nổ mạnh và vật liệu cháy.

Một số chuyên gia cho rằng sự cố có thể bắt nguồn từ lỗi ngòi nổ, khiến quả đạn bị kích nổ sớm ngay khi rời nòng. Chưa rõ viên đạn được bắn theo lệnh phi công hay vô tình khai hỏa do sự cố vũ khí.

Phiên bản F-35B được trang bị các bệ pháo GAU-22/A cỡ nòng 25 mm gắn dưới bụng, chuyên dùng cho nhiệm vụ tấn công yểm trợ mặt đất, thay vì tích hợp pháo trong thân như biến thể F-35A cho không quân Mỹ và đồng minh.

Tiêm kích F-35B trang bị cụm pháo GAU-22/A dưới bụng. Ảnh: USMC.

Tiêm kích F-35B trang bị cụm pháo GAU-22/A dưới bụng. Ảnh: USMC.

Cụm pháo GAU-22/A do tập đoàn General Dynamics phát triển, được bọc lớp vỏ bằng vật liệu composite và có hình dáng đặc biệt, nhằm giảm tối đa diện tích phản xạ radar (RCS), mang lại khả năng tàng hình giới hạn cho loại vũ khí này trước các hệ thống cảnh giới của đối phương. Tuy nhiên, nó vẫn làm tăng đáng kể RCS của chiếc F-35B và chỉ được triển khai sau khi hệ thống phòng không đối phương đã bị vô hiệu hóa.

Vũ Anh (Theo Drive)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét