Trung Quốc nhiều khả năng đang phát triển công nghệ lò phản ứng hạt nhân cho tàu sân bay thứ tư sau hai năm trì hoãn.
Hai nguồn tin thân cận của quân đội Trung Quốc (PLA) ngày 13/3 cho biết tàu sân bay thứ tư của nước này có thể sử dụng năng lượng hạt nhân. Một nguồn tin cho biết sau hai năm trì hoãn vì các vấn đề kỹ thuật, việc đóng tàu sân bay này được nối lại từ đầu năm 2021.
"Các nhà máy đóng tàu và kỹ sư động cơ tàu đang muốn tạo ra bước đột phá đáng kể trong quá trình đóng tàu sân bay thứ 4", một nguồn tin cho biết. "Đây sẽ là bước nhảy vọt về công nghệ của ngành đóng tàu. Tuy nhiên, việc chế tạo có thể mất nhiều thời gian hơn so với những con tàu trước đó do khác biệt về hệ thống động cơ".
Trung Quốc đang vận hành hai tàu sân bay và đang đóng chiếc thứ ba, toàn bộ đều sử dụng động cơ thông thường. Một nguồn tin cho biết Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) đang nghiên cứu đề xuất của Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) về sử dụng năng lượng hạt nhân trên tàu sân bay thứ 4. Nguồn tin không tiết lộ CMC đưa ra lựa chọn hay chưa, song cho biết "đó sẽ là một quyết định rất táo bạo và đầy thách thức".
CSSC hồi tháng 2/2018 cho biết đã bắt đầu phát triển tàu sân bay hạt nhân, giúp hải quân Trung Quốc "thực hiện chuyển đổi chiến lược cùng khả năng sẵn sàng chiến đấu ở các vùng biển sâu và đại dương vào năm 2025".
Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc năm 2019 mời thầu chế tạo tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân với lượng giãn nước 30.000 tấn, gọi đây là "nền tảng thử nghiệm". Nguồn tin cho biết "nền tảng thử nghiệm" dự kiến vận hành thử các lò phản ứng hạt nhân mà Trung Quốc định lắp trên tàu sân bay.
Hải quân Trung Quốc đang vận hành một số tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Type 091, Type 093 và Type 095, nhưng chưa sở hữu tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân như Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định sức mạnh của hai tàu sân bay Liên Ninh và Sơn Đông của Trung Quốc không sánh được với bất cứ chiến hạm nào trong hạm đội 11 siêu tàu sân bay Mỹ.
Trung Quốc đặt tham vọng phát triển hạm đội tàu sân bay nhằm bảo vệ các lợi ích toàn cầu trong chiến lược "bảo vệ vùng biển xa". Hải quân nước này đang sở hữu hai tàu sân bay chạy bằng lò hơi và thiết kế dạng "cầu nhảy", vốn bị giới hạn về tầm hoạt động cùng số lượng máy bay và vũ khí.
Các tàu sân bay Trung Quốc có dự trữ hành trình ngắn và chưa "mạo hiểm" đi xa hơn khu vực Tây Thái Bình Dương. Đây là một trong những lý do khiến hải quân Trung Quốc bị chê là "đông nhưng không mạnh" khi so sánh với hải quân Mỹ.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét