Thứ Hai, 22 tháng 3, 2021

Trung Quốc tố trinh sát cơ Mỹ 'áp sát chưa từng thấy'

Viện nghiên cứu Trung Quốc cho rằng trinh sát cơ RC-135U Mỹ bay cách bờ biển Quảng Đông chỉ 47 km, nhưng nhiều chuyên gia nghi ngờ số liệu này.

Tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Viện Nghiên cứu Đại dương Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 22/3 đăng Twitter cho biết trinh sát cơ RC-135U mã hiệu AE01D5 của không quân Mỹ hoạt động trên vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, gần eo biển Đài Loan.

"Chiếc RC-135U đã lập kỷ lục mới khi bay cách đường cơ sở của Trung Quốc 25,33 hải lý (khoảng 47 km). Đây là khoảng cách gần nhất trong một chuyến áp sát Trung Quốc của máy bay Mỹ từ trước đến nay, dựa trên dữ liệu công khai. Ngoài ra còn một chiếc P-8A và EP-3E hoạt động trên Biển Đông", SCSPI cho hay.

Đường bay của chiếc RC-135U hôm 22/3. Ảnh: Twitter/SCS_PI.

Đường bay của chiếc RC-135U hôm 22/3 do viện nghiên cứu Trung Quốc công bố. Ảnh: Twitter/SCS_PI.

Dữ liệu hành trình cho thấy chiếc RC-135U tiến vào phía bắc Biển Đông qua eo biển Ba Sĩ, cửa ngõ nằm giữa đảo Đài Loan và Philippines. Phi cơ sau đó hướng thẳng đến Trung Quốc, hoạt động trong không phận quốc tế ngoài khơi tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến, trước khi quay về căn cứ Kadena trên đảo Okinawa của Nhật Bản.

Không quân Mỹ chỉ sở hữu hai chiếc RC-135U Combat Sent, được thiết kế đặc biệt để thu thập tin tình báo tín hiệu và điện tử, tập trung vào mạng lưới radar và phòng không đối phương. Chúng có thể giúp chỉ huy Mỹ xây dựng "đội hình chiến đấu điện tử", trong đó cho thấy vị trí triển khai hệ thống phòng không đối phương và mối đe dọa từ chúng.

Giới chuyên gia cho rằng đường bay của chiếc RC-135U phù hợp với nhiệm vụ trinh sát thông thường từ thời Chiến tranh Lạnh, trong đó máy bay hướng thẳng đến không phận đối phương và buộc mạng lưới radar cảnh giới hoạt động, cho phép thu thập thông tin quan trọng trước khi phi cơ đổi hướng và rời đi. Tuy nhiên, một số người tỏ ra hoài nghi về khoảng cách giữa phi cơ Mỹ và đường cơ sở Trung Quốc.

Máy bay RC-135U tại căn cứ Kadena năm 2020. Ảnh: USAF.

Máy bay RC-135U tại căn cứ Kadena năm 2020. Ảnh: USAF.

"Quân đội Mỹ cho phép máy bay tiếp cận đường cơ sở ở khoảng cách tối thiểu 37 km, nhưng giới hạn 75 km thường được áp dụng để tránh nguy cơ radar đối phương xác định sai vị trí của máy bay và gây tình huống leo thang. Điều này đặt ra vấn đề với độ chính xác của dữ liệu do SCSPI công bố", chuyên gia quân sự Thomas Newdick nhận xét.

Newdick cho rằng dữ liệu theo dõi công khai có độ chính xác thấp, khiến chúng không có nhiều giá trị trong xác định vị trí của phi cơ quân sự. "Điều đó thể hiện rõ ràng khi đường bay của máy bay RC-135U liên tục thay đổi trong biểu đồ của SCSPI, dù nhiều khả năng nó chỉ bay theo đường thẳng. Nhận định về khoảng cách của phi cơ với bờ biển Trung Quốc cần thêm những dữ liệu đáng tin cậy hơn, như đường bay trên radar thường được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố", chuyên gia Mỹ nói thêm.

Vũ Anh (Theo Drive)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét