Khi nữ tu sĩ Myanmar quỳ gối cầu xin cảnh sát không bắn người biểu tình hồi tuần trước, bà không bao giờ nghĩ mình sẽ trở nên nổi tiếng.
Sau hành động cầu xin đó, hai sĩ quan cảnh sát cũng quỳ xuống bên sơ Ann Rose Nu Tawng, dường như bày tỏ hối hận vì vai trò của mình trong chiến dịch trấn áp các cuộc biểu tình, vốn đang bùng phát khắp Myanmar kể từ sau khi quân đội tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền dân cử hồi đầu tháng hai.
Sự việc xảy ra hồi đầu tuần trước tại Myitkyina, thủ phủ bang Kachin, nơi phần lớn cộng đồng theo Thiên chúa giáo của Myanmar sinh sống. Sơ Ann Rose cho hay bà có niềm tin vào lòng nhân đạo của những người trong hàng ngũ cảnh sát và quân đội.
"Tôi không ghét họ, tôi cũng yêu quý họ", bà nói. "Nhưng họ cần suy nghĩ liệu hành động của mình là đúng hay sai".
Đó là vào ngày 8/3, sơ Ann Rose đang làm việc tại một phòng khám địa phương thì nghe thấy tiếng người kêu cứu. Vào khoảng 10h, dòng người tràn vào phòng khám vì bị cảnh sát truy đuổi.
Bà bước ra ngoài khi lực lượng an ninh bắt đầu giải tán đám đông, bắn đạn thật và bắt người dân. Trông thấy cảnh tượng, sơ Ann Rose liền quỳ xuống cầu xin những sĩ quan cảnh sát đứng cạnh mình, và điều bất ngờ là hai sĩ quan kia sau đó cũng làm tương tự bà.
"Họ xin lỗi tôi và nói với tôi rằng họ được giao nhiệm vụ bắt người biểu tình và phải tuân theo. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết cầu nguyện cho nhau", nữ tu sĩ 45 tuổi cho hay.
Nhưng hành động của sơ Ann Rose không thể ngăn cuộc khủng hoảng. Tình hình trở nên tồi tệ hơn, nhiều người biểu tình cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
"Phòng khám của chúng tôi biến thành biển máu bởi tất cả mọi người đều chảy máu. Tôi nhìn thấy người ngã xuống ngay trước mặt mình sau khi nghe tiếng súng nổ. Ban đầu, tôi tưởng anh ấy ngã xuống vì hơi cay, nhưng rồi tôi thấy một vết đạn trên đầu", sơ Ann Rose kể.
"Tôi bắt đầu cầu xin trợ giúp. Mắt tôi không thể mở ra vì hơi cay. Mọi người khiêng anh ấy tới nhà thờ. Tôi nhìn thấy rất nhiều người khóc lóc, bỏ chạy tán loạn. Tôi không bao giờ nghĩ chuyện lại đến mức này. Tôi tưởng họ chỉ dùng đạn cao su mà thôi", bà nói thêm.
Sơ Ann Rose đồng thời còn gửi một thông điệp đến những người biểu tình không có khả năng chống lại hỏa lực từ chính quyền.
"Tôi muốn họ nghỉ ngơi. Tôi không muốn họ đi tới những nơi nguy hiểm", bà nói. "Tôi muốn họ bảo vệ tính mạng cũng như sức khỏe của mình".
Số người chết trong các cuộc biểu tình tại Myanmar đã lên tới ít nhất 120, theo các nhóm nhân quyền.
Xung đột đã là một phần trong cuộc sống của sơ Ann Rose suốt nhiều năm. Sinh ra ở bang Shan, gần Kachin, bà không ít lần phải trốn chạy các cuộc đụng độ giữa quân đội và các nhóm vũ trang sắc tộc.
Gần đây, bà tham gia giúp đỡ những người sơ tán trong một bệnh viện ở Kachin. Các cuộc biểu tình đang sục sôi trên cả nước đã khiến bà thay đổi suy nghĩ. "Tôi từng tìm mọi cách chạy trốn khỏi những cuộc chiến nhưng giờ đây, tôi đứng ở giữa nó", bà nói.
Gọi những người biểu tình là "con cái" mình, sơ Ann Rose cho hay bà coi tất cả người dân Myanmar là gia đình mình. "Tôi không biết gì về tin tức hay chính trị, nhưng tôi biết họ đang gặp rắc rối".
Một số chuyên gia hy vọng những rạn nứt trong quân đội, do các tướng lĩnh bất bình trước cuộc đảo chính của Thống tướng Min Aung Hlaing, có thể tạo ra con đường thoát khỏi bế tắc cho Myanmar.
Khi các cuộc biểu tình mới bắt đầu, một số cảnh sát được nhìn thấy rời khỏi hàng ngũ khi đối đầu với người dân, chào đón họ bằng những cái ôm. Tuần trước, một số cảnh sát vượt biên sang Ấn Độ, nói rằng họ đã từ chối tuân theo lệnh bắt hay bắn vào người biểu tình ôn hòa.
Hãng thông tấn Myanmar Now đưa tin ít nhất 12 binh sĩ mới đây đã đào ngũ và gia nhập Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một tổ chức vũ trang dân tộc đã đối đầu với quân đội suốt hàng thập kỷ.
Sơ Ann Rose muốn khơi dậy lòng trắc ẩn của lực lượng an ninh được triển khai để trấn áp biểu tình ở Myanmar. Bà cho rằng họ vẫn còn lựa chọn.
"Họ không nên nổ súng hay đánh đập người dân. Súng là cho kẻ thù. Người dân không phải kẻ thù", bà nói.
Vũ Hoàng (Theo Vice)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét