Đức và Italy triệu đại sứ Myanmar để lên án hành vi sử dụng bạo lực với người biểu tình, kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi.
"Không thể biện minh cho bạo lực chết người nhằm vào người biểu tình ôn hòa", Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel, hôm 1/3 cho hay, thêm rằng chính phủ Đức kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar chấm dứt "chiến dịch trấn áp" và "thực hiện kiềm chế tối đa".
Berlin cũng kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar quay lại tiến trình dân chủ thông qua đối thoại và trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức thông báo "Hôm nay chúng tôi đã triệu tập đại sứ Myanmar để làm rõ quan điểm này".
Cùng ngày, Italy triệu đại sứ Myanmar để "yêu cầu chấm dứt cuộc đàn áp chết người" đối với các cuộc biểu tình ở quốc gia Đông Nam Á này.
"Chúng tôi triệu tập đại sứ Hmway Hmway Khyne hôm nay để yêu cầu chính quyền quân sự chấm dứt ngay lập tức mọi hành động đàn áp bạo lực đối với các cuộc biểu tình dân chủ đang diễn ra trong nước", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Italy cho hay.
Italy tiếp tục lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar tháng trước, yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho lãnh đạo dân sự bị lật đổ Suu Kyi và tất cả những người bị bắt. "Bộ cũng nhấn mạnh tính bất hợp pháp trong quyết định của quân đội về hủy bỏ cuộc bầu cử tháng 11", tuyên bố nêu thêm.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính chớp nhoáng ngày 1/2, khiến hàng trăm nghìn người Myanmar biểu tình phản đối trong một tháng qua. Chính quyền quân sự khẳng định đã sử dụng bạo lực tối thiểu, song một số người biểu tình đã tử vong.
Bạo lực lên đỉnh điểm hôm 28/2 khi cảnh sát bắn đạn thật, khiến ít nhất 18 người chết và 30 người bị thương, theo Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, một ủy ban đại diện các nghị sĩ được bầu hồi tháng 11 khẳng định 26 người đã chết.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên án cái ông gọi là "bạo lực ghê tởm" của lực lượng an ninh Myanmar, trong khi Ngoại trưởng Canada Marc Garneau cho rằng việc quân đội sử dụng vũ lực sát thương đối với người dân là "kinh khủng". Cả hai ngoại trưởng đều kêu gọi phản ứng thống nhất từ cộng đồng quốc tế.
Tom Andrews, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar, cho biết quân đội nước này chắc chắn sẽ tiếp tục sử dụng bạo lực, vì vậy cộng đồng quốc tế nên phối hợp phản ứng. Ông đề xuất lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu, thêm nhiều biện pháp trừng phạt từ nhiều quốc gia hơn đối với những người đứng sau đảo chính, trừng phạt các doanh nghiệp quân đội và đưa sự việc lên Tòa Hình sự Quốc tế.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng lên án hành động bạo lực ở Myanmar. Các bộ trưởng châu Âu đồng ý áp dụng biện pháp trừng phạt đối với quân đội Myanmar, dự kiến được hoàn tất trong những ngày tới và sẽ có hiệu lực sau khi EU công bố chính thức.
Huyền Lê (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét