Ngày càng nhiều bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ mắc bệnh nhiễm trùng nấm chết người và hiếm gặp, khi đất nước chống chọi đợt bùng phát nghiêm trọng.
Thế giới đã ghi nhận 159.567.737 ca nhiễm nCoV và 3.316.451 ca tử vong, tăng lần lượt 585.558 và 9.734, trong khi 138.183.449 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 22.991.927 ca nhiễm và 250.025 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 329.517 và 3.879 ca. Các chuyên gia cảnh báo số ca nhiễm và tử vong thực tế có thể cao hơn nhiều.
Mucormycosis, các bác sĩ Ấn Độ gọi là "nấm đen", thường tấn công mạnh nhất ở bệnh nhân có hệ miễn dịch bị suy yếu do các bệnh nhiễm trùng khác. Các chuyên gia y tế đã chứng kiến ca nhiễm trùng nấm đen gia tăng ở Ấn Độ những tuần gần đây. Bộ Y tế hôm 9/5 cũng đưa ra khuyến cáo về cách điều trị bệnh này.
"Các trường hợp nhiễm mucormycosis ở bệnh nhân Covid-19 sau khi hồi phục gần gấp 4 đến 5 lần so với những trường hợp được báo cáo trước đại dịch", Atul Patel, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, cho hay. Ông cũng là thành viên nhóm chuyên trách Covid-19 của bang.
Bang phía tây Maharashtra, nơi có trung tâm tài chính Mumbai, ghi nhận tới 300 trường hợp. Khoảng 300 trường hợp khác cũng được báo cáo ở 4 thành phố bang Gujarat. Chính quyền bang đã lệnh cho các bệnh viện công thành lập khu điều trị bệnh nhân bị nhiễm "nấm đen" trong bối cảnh ca nhiễm tiếp tục tăng.
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), cơ quan khoa học dẫn đầu phản ứng của chính phủ, cho biết trong phác đồ điều trị được công bố trên Twitter: "Mucormycosis, nếu không được chăm sóc có thể gây tử vong". Những bệnh nhân Covid-19 dễ bị nhiễm nấm gồm người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát được, người sử dụng steroid trong quá trình điều trị và người phải nằm viện điều trị lâu dài.
Phương pháp điều trị là phẫu thuật loại bỏ tất cả mô chết và bị nhiễm trùng, đồng thời sử dụng liệu pháp chống nấm. Nhưng Yogesh Dabholkar, chuyên gia tai mũi họng tại Bệnh viện DY Patil ở Mumbai, nói rằng các loại thuốc điều trị người bị nhiễm nấm rất đắt và một trong những loại thuốc đó đang thiếu hụt trong các bệnh viện công.
"Tỷ lệ tử vong rất cao. Một số ít chỉ có thể phục hồi bằng phẫu thuật rộng rãi và tích cực", Bajan nói. "Đây là bệnh nhiễm trùng tiến triển nhanh, có thể phát triển trong hai tuần. Thực sự rất tồi tệ".
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 33.509.038 ca nhiễm và 596.134 ca tử vong do nCoV, tăng 25.387 ca nhiễm và 326 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 10/5 phê duyệt sử dụng vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ em 12-15 tuổi. Đây là vaccine Covid-19 đầu tiên được Mỹ phê duyệt sử dụng cho trẻ em.
Quyền ủy viên FDA Janet Woodcock mô tả động thái này là "bước quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ."Động thái hôm nay cho phép bảo vệ nhóm dân số trẻ hơn khỏi Covid-19, đưa chúng ta đến gần hơn việc trở lại cảm giác bình thường và chấm dứt đại dịch", Woodcock nói.
FDA trước đó đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer/BioNTech cho người từ 16 tuổi trở lên.
FDA cho biết khoảng 1,5 triệu ca Covid-19 ở những người 11-17 tuổi được báo cáo cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) từ 1/3/2020 đến 30/4/2021. Diễn biến bệnh thường nhẹ hơn ở trẻ em, nhưng có thể lây nhiễm sang người lớn tuổi hơn dễ bị tổn thương.
Tổng thống Joe Biden tuần trước nhấn mạnh tầm quan trọng của mở rộng tiêm chủng cho trẻ 12-15 tuổi và cho biết giới chức "sẵn sàng tiến hành ngay lập tức" khi được phê duyệt. Khoảng 20.000 nhà thuốc trên toàn quốc đã sẵn sàng tiêm chủng cho trẻ vị thành niên, và các liều vaccine cũng sẽ được chuyển đến bác sĩ nhi khoa.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 15.209.990 ca nhiễm và 423.229 ca tử vong, tăng lần lượt 25.200 và 811. Dù ca nhiễm mới nCoV ở Brazil đã giảm trong những tuần gần đây, quốc gia này vẫn ghi nhận tỷ lệ tử vong do đại dịch cao nhất châu Mỹ.
Trong bối cảnh ca nhiễm và tử vong hàng ngày vì nCoV liên tục tăng cao, Brazil đang tập trung tới các thỏa thuận vaccine với các nước để ứng phó đại dịch. Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga cho biết Brazil sắp ký hợp đồng thứ hai với Pfizer để mua thêm 100 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó 35 triệu liều sẽ được bàn giao vào tháng 10.
Tổng thống Jair Bolsonaro đang hứng chỉ trích trong nước và quốc tế vì kiên quyết phản đối các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 do lo ngại ảnh hưởng tới kinh tế. Ông thậm chí còn liên tục quảng cáo thuốc trị sốt rét chloroquine như một phương pháp điều trị Covid-19, dù chuyên gia khẳng định thuốc này không hiệu quả và thậm chí có thể gây hại.
Anh, quốc gia ghi nhận số người chết vì Covid-19 cao nhất châu Âu, hôm qua thông báo mở cửa trở lại chỗ ngồi trong nhà tại các quán rượu và nhà hàng từ tuần tới. "Việc mở cửa này là bước tiến rất đáng kể trên con đường trở lại bình thường", Thủ tướng Boris Johnson nói.
Việc nới lỏng các hạn chế mới nhất được đưa ra khi Anh lần đầu tiên báo cáo không có ca tử vong hàng ngày doCovid-19 sau hơn một năm, khi chiến dịch tiêm chủng thành công. Nước này hiện ghi nhận 4.437.217 ca nhiễm và 127.609 ca tử vong.
Tây Ban Nha cuối tuần trước dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tháng và cho phép đi lại giữa các khu vực. Tuy nhiên, giới chức phải đưa ra cảnh báo sau khi đám đông vui vẻ ăn mừng trên đường phố, không đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
"Chấm dứt tình trạng khẩn cấp không có nghĩa chấm dứt các hạn chế. Vẫn còn xa lắm. Mối đe dọa từ virus vẫn tồn tại", Bộ trưởng Tư pháp Juan Carlos Campo cho hay, đồng thời kêu gọi người Tây Ban Nha hành xử "có trách nhiệm".
Cyprus hôm qua kết thúc đợt phong tỏa một phần lần thứ ba với hệ thống "thẻ an toàn" Covid-19 để cho phép mọi người đi lại tự do. Và tại Đức, những người được tiêm chủng đầy đủ được miễn nhiều hạn chế sau khi chính phủ thông qua luật mới.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.718.575 ca nhiễm, tăng 4.891, trong đó 47.218 người chết, tăng 206.
Indonesia ban hành lệnh cấm đi lại từ ngày 6/5 tới 17/5 nhằm phần nào ngăn dòng người di chuyển trong kỳ lễ Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Khoảng 18 triệu người, tương đương 7% dân số Indonesia, vẫn lên kế hoạch tận hưởng lễ Eid al-Fitr bất chấp lệnh cấm đi lại của chính phủ.
Giới chức y tế Indonesia đang lo ngại về sự xuất hiện của các biến chủng nCoV trên toàn quốc, bao gồm cả biến thể B.1.617, được xác định lần đầu ở Ấn Độ cuối năm ngoái và đang đẩy nước này vào thảm kịch Covid-19.
Philippines vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 1.108.826 ca nhiễm và 18.562 ca tử vong, tăng lần lượt 6.846 và 90 ca.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang yêu cầu thực hiện các biện pháp mạnh tay ngăn Covid-19 như bắt giam bất cứ ai đeo khẩu trang sai cách trong bối cảnh đại dịch đang bùng phát.
Bộ trưởng Tư pháp và Cảnh sát trưởng Philippines tháng trước kêu gọi các sĩ quan phạt lao động công ích với những người vi phạm quy tắc ngăn Covid-19, thay vì phạt tiền hoặc bắt giam, vì cho rằng người dân đã gặp quá nhiều khó khăn về tài chính do đại dịch. Tuy nhiên, Tổng thống Duterte vẫn cho rằng cảnh sát nên kiên quyết và mạnh tay với những người vi phạm quy định phòng dịch.
Campuchia ghi nhận thêm 506 ca nhiễm nCoV và 6 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 19.743, trong đó 126 người đã tử vong.
Campuchia kết thúc phong tỏa thủ đô Phnom Penh từ ngày 5/5, song người dân vẫn phải tiếp tục tuân thủ quy định như thời gian phong tỏa, áp dụng theo mã màu của từng khu vực.
Người sống trong vùng đỏ phải ở lại nơi cư trú, không được ra ngoài "trừ khi có việc khẩn cấp", còn người trong vùng cam có thể di chuyển "nếu có việc cần thiết". Người dân sống trong vùng vàng được phép đi lại, đa số các ngành nghề kinh doanh được phép mở cửa lại. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm từ 20h tới 3h vẫn áp dụng với vùng vàng và vùng cam.
Lào báo cáo 25 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca Covid-19 của nước này lên 1.327, trong đó một người chết. Lào ghi nhận ca tử vong do nCoV đầu tiên hôm 9/5 là một nữ công dân Việt Nam, 52 tuổi, có bệnh lý nền.
Chính phủ Lào hôm 21/4 ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc tới 5/5, nhưng hôm 4/5 quyết định kéo dài thời gian thêm 15 ngày, tới 20/5.
Huyền Lê (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét